//

Giữ "hồn" nghệ thuật văn hóa dân gian

Thứ hai - 09/05/2011 08:29

Những năm gần đây, công tác bảo tồn và phát huy giá trị các loại hình nghệ thuật văn hóa dân gian đã nhận được sự quan tâm của các cấp, ngành và toàn xã hội. Tuy nhiên, để công tác này hiệu quả, không sa vào hình thức đánh mất đi phần “hồn” của văn hóa dân gian mới là điều đáng bàn.

 

 

 

 

 

 

alt
Hoạt động văn hóa, văn nghệ dân gian ngày càng mai một. Ảnh: Q.Việt

Thiếu tầm chiến lược

Mới đây, khi đề cập việc bảo tồn văn hóa dân gian, ông Nguyễn Hoàng Bích - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết, hoạt động bảo tồn văn hóa truyền thống hiện nay dường như đang bị sa vào hình thức. Do không được kế thừa xác đáng, không ít loại hình nghệ thuật dân gian dần mất đi phần “hồn” tinh túy. Sự quan tâm của tỉnh đối với khâu bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đã linh hoạt hơn, nhưng khi đi vào các vấn đề cụ thể thì lại thiếu đi tính thiết thực.  Hiện nay, chỉ riêng một số lễ hội dân gian miền núi ở Quảng Nam là có thể bảo tồn được bản sắc, truyền thống (vũ điệu tung tung yá yá của người Cơ Tu, lễ hội cồng chiêng ở Tây Giang...). Cũng theo ông Bích, các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới có mục đầu tư cho văn hóa, nhưng chỉ mới đầu tư về thiết chế văn hóa như cơ sở vật chất, trang thiết bị chứ chưa chú trọng đầu tư kinh phí bảo tồn văn hóa phi vật thể, như tác phẩm văn hóa - văn nghệ dân gian, hay cho nguồn lực chất xám và lực lượng đạo diễn, diễn viên. Trong khi đó, biên chế, chính sách đãi ngộ cho văn nghệ sĩ, nghệ nhân dân gian còn thiếu và bất cập... “Tuy nhiên, kinh phí không hẳn là vấn đề quyết định, mấu chốt còn nằm ở đòi hỏi một chiến lược đầu tư lâu dài, bài bản, xây dựng, đào tạo con người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa truyền thống” - ông Bích nói.

alt
 

Được biết, trong khi Nghệ An cũng như một số tỉnh thành khác hiện có đến 4 - 5 đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp hoạt động, thì ở một địa phương giàu bản sắc văn hóa dân gian như Quảng Nam chỉ phát triển được một đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp: Đoàn Dân ca kịch Quảng Nam. Với nguồn kinh phí sự nghiệp và mức hỗ trợ khoảng 500 triệu đồng cho chỉ tiêu 60 suất diễn mỗi năm (20 suất phục vụ mục tiêu chính trị, 40 suất có thu), hoạt động của đoàn đành hạn hẹp trong khuôn khổ nhất định với không ít khó khăn. Trưởng đoàn Dân ca kịch Quảng Nam - ông Huỳnh Ngọc Lệ nói:  “Không riêng gì đoàn chúng tôi, khó khăn nhất của sân khấu truyền thống hiện nay là khâu kịch bản. Kịch bản cho sân khấu đang đứng trước các vấn đề nan giải. Các hội thi, hội diễn của Đoàn Dân ca kịch Quảng Nam và các đội văn nghệ thông tin lưu động huyện, các câu lạc bộ dân ca - kịch - bài chòi quanh đi quẩn lại chỉ bấy nhiêu kịch bản cũ. Nếu có kịch bản mới thì phần lớn lại thiếu bản sắc dân gian”. Trước nhu cầu thưởng thức, thị hiếu đa dạng của quần chúng cũng như với vai trò và uy tín của một đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp là cần phải xây dựng những vở diễn kinh điển, có tầm vóc... Nhưng để dựng một kịch bản mới thì chi phí đã hết gần 150 triệu đồng, như vậy mức hỗ trợ hiện nay là một sức ép quá lớn đối với đoàn, ông Lệ thông tin thêm.

Mạnh mẽ từ... quần chúng

Trong khi hoạt động chuyên nghiệp đang gặp khó thì phong trào văn nghệ dân gian quần chúng lại phát triển mạnh mẽ. Ở nhiều địa phương, hàng loạt câu lạc bộ (CLB) văn nghệ dân gian vừa được thành lập như ở Quế Sơn có 9 đến 10 CLB tuồng; Núi Thành có 2 đoàn diễn xướng, trò chơi dân gian, bài chòi; Hội An có đoàn dân ca dân vũ; Duy Xuyên có 5 - 6 CLB dân ca - tuồng; Đại Lộc có CLB Dân ca kịch... Sự phát triển mạnh mẽ ấy thể hiện niềm say mê của quần chúng, các diễn viên không chuyên đối với văn hóa dân gian. Nhiều CLB còn có cả sự tham gia của các nghệ nhân dân gian. Theo ông Nguyễn Nhũ - Trưởng phòng VH-TT huyện Đại Lộc, việc khôi phục các giá trị văn hóa dân gian không phải là điều đơn giản nên hoạt động của CLB Dân ca kịch với 30 thành viên như hiện nay ở Đại Lộc là rất đáng hoan nghênh. “Các thành viên CLB tự tập vở, tự liên hệ tìm “đất” diễn. Với mức thù lao 50 nghìn/đêm diễn, anh chị em không thể bám được với CLB nếu không có niềm đam mê và tâm huyết. Chúng tôi mong sẽ nhận được sự hỗ trợ từ địa phương và UBND tỉnh để CLB có thể tồn tại và phát triển bền vững”.

Ông Xa Văn Hùng, cán bộ Phòng VH-TT huyện Thăng Bình nói: “Văn hóa dân gian là cội nguồn bản sắc bao đời nay, chỉ cần khơi dậy tinh thần trong nhân dân là có thể làm sống lại được. Muốn làm được điều này, đòi hỏi người lãnh đạo văn hóa phải có cái tâm, biết vực dậy những giá trị văn hóa truyền thống đã bị lãng quên”. Ông Hùng kể, cách đây mấy năm, ông đi thu thập, sưu tầm một số tài liệu về hát ru Thăng Bình, đây là món quà và cũng là tình cảm của ông dành cho quê, nhưng trình địa phương nhiều lần, ý tưởng của ông vẫn không được phê duyệt. Khi đó, bản thân ông phải tìm đến Sở VH-TT&DL để tác phẩm được ra đời dưới tên “Hát ru xứ Quảng”. Ông Hùng cho biết, Thăng Bình hiện có 4 CLB hát bả trạo hoạt động rất sôi nổi; ngoài ra còn có CLB dân ca Bình Trị, CLB tuồng Bình Hải cũng thu hút sự hưởng ứng của đông đảo nhân dân... Trong nỗ lực đầu tư bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, việc đầu tư phát triển loại hình CLB là cần thiết, nhưng Quảng Nam chưa có nguồn hỗ trợ thiết thực cho loại hình này.

Để bảo tồn những giá trị văn hóa của nghệ thuật dân gian, ông Nguyễn Hoàng Bích - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL cho rằng: “Cần phải điều chỉnh lại chính sách, kế hoạch, mục tiêu bảo tồn. Cụ thể là đầu tư dàn dựng các tiết mục văn hóa - văn nghệ, nuôi dưỡng và gìn giữ các làn điệu dân ca truyền thống; đầu tư cho đạo diễn, diễn viên, cho kịch bản sân khấu truyền thống... Phát huy các loại hình tuồng, kịch, dân ca, bài chòi; hỗ trợ các đội văn nghệ thông tin lưu động, các CLB dân ca - kịch - bài chòi tự phát”. Bên cạnh đó, môi trường diễn xướng dân gian cũng rất quan trọng, làm sao để tái hiện được nét sinh hoạt văn hóa dân gian hơn là yếu tố sân khấu hóa, thương mại hóa trong hoạt động bảo tồn. Muốn công tác này có hiệu quả, cần đưa các hoạt động văn nghệ dân gian vào học đường; đầu tư, kích thích nỗ lực sáng tạo của người làm công tác văn hóa quần chúng tại các địa phương... - ông Bích nói thêm.

Nguồn tin: www.zing.vn


 

Tổng số điểm của bài viết là: 20 trong 4 đánh giá
Xếp hạng: 5 - 4 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật