//

Hò kiến tại trên sông

Thứ ba - 24/05/2011 13:47

Nếu một lần xuôi về Quảng Nam, giữa trời nước mênh mang bạn sẽ được thả hồn phiêu du cùng làn điệu hò khoan của con người, xứ sở.

 

Hò xứ Quảng còn được gọi là hò kiến tại theo lối ứng khẩu. Câu xướng hay câu đối phải được hò ngay tại chỗ chứ không có chuẩn bị trước. Tham gia cuộc hò phải là người nhanh trí, thuộc nhiều điển tích.

Các bậc cao niên cho biết, hò kiến tại xuất phát từ những bài ca lao động của cha ông trên bước đường khai canh, mở làng, lập ấp.

Người dân Hội An, Quảng Nam hò kiến tại trên thuyền.

Nghệ nhân Ba Đúng ở vùng dừa Bảy Mẫu, xã Cẩm Thanh (Hội An) từng được mệnh danh là "Trương Chi trên dòng Thu Bồn" bảo rằng, ông cũng như bao bà con xứ này, cất tiếng hò để thỏa chí tang bồng ngày ngày lênh đênh sông nước, hò để giao lưu cùng bạn bè trong những cuộc rượu, sau những ngày ra khơi đánh cá.

"Đời tôi vui vẻ hát hò, nên dẫu trong nhà hết sạch gạo nhưng người ngoài không ai hay. Vui vẻ đẻ ra tiền, buồn phiền sinh ra bệnh, cứ ngẫu hứng có bạn bè là cùng nhau cất tiếng đối đáp, nghĩ ra cái gì thì hát cái đó..." - ông Đúng tâm sự.

Hò kiến tại trên sông nước thường là hò lao động, miêu tả việc chèo thuyền thả lưới buông câu, sâu lắng như những chuyến đò ngang, đò dọc, cũng có khi gửi gắm vào đó cả những tâm sự, giãi bày tình cảm của người hò đối với con người, quê hương và cuộc sống. Tính độc đáo và sức hấp dẫn của hò kiến tại nằm ở chính khả năng ứng tác và ứng biến một cách khéo léo đến tài tình của những người tham dự đối đáp.

Làn điệu hò nằm ở khuôn mẫu thơ lục bát, song thất lục bát, lục bát biến thể, những thể thơ chân mộc, dễ nhớ, dễ thuộc. Mỗi khổ thơ là một khuôn làn điệu, mỗi câu hò gồm phần kể (một người) và phần xô (nhóm người), ngoài ra còn có thêm tiếng đệm, như "à ơi" (ngân dài ở đoạn đầu), "hố hò", "hố hụi" (rõ, gọn) và kết thúc bằng "khoan hố hợi hò khoan" tha thiết.

Nếu hò kiến tại chủ đề lao động thiên về những làn điệu kể, thì hò giao duyên đôi lứa đặc biệt quan tâm đến phần phát triển, tiến triển giai điệu để cho câu hò càng về cuối canh càng mượt mà, đằm thắm. Trình tự diễn xướng của một canh hò kiến tại giao duyên trên sông thường có màn hò chào hỏi rồi mới đến màn các chàng trai cô gái đối đáp nhau bằng cách tự đặt ra câu hò, không lặp lại lẫn nhau để tìm hiểu về tâm tư, tình cảm và gia cảnh của đối tượng. Đây chính là màn hò thể hiện rõ nhất sự sáng tạo và ứng đối tài hoa của những người trong cuộc...

Chính tính cách mạnh mẽ, cương trực, chân chất, mộc mạc và giàu tình cảm của con người nơi đây thể hiện trong những câu giao duyên, đối đáp đã làm nên sức sống vượt thời gian của hò kiến tại.

Nguồn tin: langvietonline.vn


 

 Từ khóa: câu hò, giao duyên
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật