Một du khách người Thụy Sĩ đã nán lại Hội An gần 1 tháng thay vì 2 tuần như dự định ban đầu của cô, chỉ vì bài chòi. Cô cho biết, ban đầu nhìn cách các nghệ sĩ bài chòi biểu diễn cô chẳng hiểu gì hết, chỉ thấy vui tai và bắt mắt, nhưng sau khi được hướng dẫn và giải thích về cách chơi, cách hát ví của nghệ sĩ bài chòi cô mới cảm thấy hứng thú. Sau đó, cô đã đăng ký lớp học bài chòi miễn phí do Trung tâm Văn hóa thành phố Hội An tổ chức (tại 155B Trần Phú – gần Chùa Cầu).
Sau cô học trò người Thụy Sĩ, lớp học hát bài chòi đã có thêm nhiều du khách quốc tế đến tìm hiểu, trong đó phần đông đến từ Nhật, Thụy Sĩ, Đức, Australia và Pháp. Nói về nghệ sĩ hát bài chòi ở Hội An, có thể không ai sánh kịp với nghệ sĩ Lương Đáng (ảnh), người vừa được phong tặng là nghệ nhân (vào năm 2009) và cũng là nghệ nhân duy nhất trong thể loại hát và sáng tác các bài hát cho trò chơi dân gian này tại Quảng Nam. Anh cũng là người truyền dạy bài chòi cho nhiều thế hệ trẻ ở Hội An và du khách quốc tế.
8 tuổi, nghệ sĩ Lương Đáng đã theo bà ngoại đi nghe hát bài chòi mỗi đêm. Thế rồi, anh theo đoàn hát bài chòi của làng đi biểu diễn riết 3 tháng trời không về nhà. Những nghệ sĩ bậc đàn anh, đàn chị thấy anh lanh lẹ, bắt nhịp và tung hứng giỏi nên nhận anh vào đoàn luôn. “Cơ may đến với tôi vào năm 1985, tôi được cử đi học khóa sáng tác 3 tháng về hát dân ca miền Trung tổ chức tại Quảng Nam - Đà Nẵng lúc bấy giờ do thầy Liên Nguyễn hướng dẫn”, nghệ sĩ Lương Đán tâm sự. Sau khóa học về, anh tham gia đội văn nghệ xã Cẩm Hà rồi vào đoàn bài chòi của Trung tâm Văn hóa phố cổ Hội An vào năm 1990.
Anh nhớ lại kỷ niệm vào năm 2005, anh hướng dẫn cho một du khách người Nhật hát bài chòi, cô học trò của anh rất đam mê thể loại này mặc dù cô không hiểu gì về cách ví von và diễn trò qua câu từ của người miền Trung nhưng cô gần như không bỏ sót buổi học nào. Cuối cùng phải mất 3 lần quay lại Hội An, cô mới hát được và hiểu ra cái thâm thúy trong từng lời hát…
Sau hơn 30 năm theo nghiệp hát bài chòi, anh bỏ túi cả ngàn bài hát. “Cái hay của người diễn xướng là độ tinh nhạy của họ, đặc biệt là người hát đối phải biết cách hô cho đúng và nhuần nhuyễn, không trùng lắp nhau”, anh cho biết. Từ cách hát truyền thống của bài chòi miền Trung, nghệ nhân Lương Đáng đã nghiên cứu thêm các thể loại dân ca Bắc bộ, ca trù hoặc cải lương Nam bộ để hòa phối vào các bài hát của bài chòi cho phong phú.
Nguồn tin: Đài Truyền thanh - Truyền hình Hội An
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn