//

Cần đặt Hội An trong tương quan thế giới

Thứ năm - 03/02/2011 15:06

Một nhà khảo cổ học người Nhật đã bỏ ra ba năm để học tiếng Việt và 17 năm nghiên cứu về đô thị cổ Hội An. Vượt qua những rào cản ngôn ngữ, công trình của ông được viết bằng một thứ tiếng Việt chỉn chu, đầy tính chuyên ngành đã công bố tại Việt Nam. Ông là GS.TS Kikuchi Seiichi, đại học nữ Shouwa (Chiêu Hoà), tác giả cuốn nghiên cứu đô thị cổ Hội An dày 322 trang, do NXB Thế Giới phát hành trong năm qua. Sài Gòn Tiếp Thị có cuộc trao đổi với ông qua email.

 

 

 

 

 

Nghiên cứu khảo cổ Hội An, chắc chắn sẽ đụng đến tầng văn hoá Sa Huỳnh cổ, sau đó là Chămpa. Ông có nghĩ rằng mình may mắn – vì là một nhà nghiên cứu nước ngoài, nên tiếp cận những chuyện tế nhị thuộc về lịch sử Chămpa – Việt Nam một cách khách quan và độc lập hơn các đồng nghiệp tại Việt Nam?

Để nghiên cứu về Hội An thì cần phải mở rộng tầm nhìn ra thế giới.

Khi nghiên cứu văn hoá Sa Huỳnh, trong những đồ đồng và sắt đào được từ Mo Chum có cả những hiện vật của Trung Quốc. Trong những đồ gốm cũng có những đồ giống đồ gốm đào được ở Philippines. Hơn nữa cũng sáng tỏ một điều rằng viên đá được dùng làm khuyên tai là viên đá lấy ở Đài Loan. Từ thời đại tiền sử, Hội An đã giao lưu với rất nhiều vùng đất.

Người ta cũng xác nhận trong các tài liệu khảo cổ học rằng thời Chămpa cũng giao lưu với Tây Á, Ấn Độ, Trung Quốc. Tôi nghĩ nếu đào sâu nghiên cứu khu vực Hội An thì sẽ lý giải được khởi nguồn của Chămpa. Tôi rất mong được hợp tác với các nhà nghiên cứu Việt Nam trong vấn đề này. Vì khi hợp tác với nhà nghiên cứu nước ngoài thì vấn đề sẽ được giải thích ở tầm nhìn rộng hơn. Thế giới nghiên cứu tri thức cần thiết phải có sự hợp tác quốc tế.

Mười năm trước đây đã xảy ra một sự việc lớn trong giới khảo cổ học Nhật Bản. Đó là những đồ đá và di tích được cho là của thời kỳ đồ đá cũ sớm, thực chất là đồ giả. Suốt 20 năm, một nhân vật đã làm giả chúng khiến rất nhiều nhà nghiên cứu bị đánh lừa. Nhiều nhà nghiên cứu chỉ nhìn những đồ đá ở trong nước Nhật chứ không xem các tư liệu của châu Á cùng thời kỳ. Hoặc họ cũng không có ý định muốn xem. Vì thế mà nước Nhật trở thành nơi có di tích về người vượn cách đây 300 nghìn đến 600 nghìn năm. Thế nhưng, những đồ đá này có hình dáng nhỏ khác hẳn với đồ đá của châu Á cùng thời kỳ. Có cả nhà nghiên cứu nói rằng, vì Nhật Bản đặc biệt nên từ thời đó đã có thể làm được những đồ đá nhỏ.

Đây là sự việc xảy ra do suy nghĩ và hành động của những nhà nghiên cứu chỉ biết nhìn một phía nước Nhật. Nhà nghiên cứu cần phải biết và hiểu thêm thông tin về khảo cổ học của các nước lân cận và khu vực có liên quan. Tôi nghĩ rằng đó là điều cần thiết để phát triển đúng đắn tri thức.

Trong cuộc nghiên cứu khảo sát đô thị cổ Hội An, ông đã phát hiện, dịch và diễn giải nhiều trước tác của người Nhật trong quá khứ viết về những chuyến hải hành đến đây, như An Nam quốc phiêu lưu ký của Nagakubo Sekisui hay Nam phiêu ký của Shihoken (thời Edo). Những trước tác này có gợi hứng cho những dự án tiếp theo của ông?

Tại Nhật hiện vẫn còn sót lại những lá thư của người Nhật sống ở Hội An vào thế kỷ 17 và những ghi chép về những người Nhật lưu vong sống ở Hội An vào thế kỷ 18. Ngoài ra còn có những bức tranh vẽ lại hình ảnh của Hội An thế kỷ 17. Nếu những tài liệu này được dịch sang tiếng Việt và được giới thiệu tới người Việt Nam, chắc chắn nó sẽ thu hút sự chú ý. Trong tương lai, tôi có ý định sẽ hợp tác với nhà nghiên cứu người Việt Nam để cùng dịch tài liệu này.

 

Sinh 16.12.1954 tại tỉnh Gunma. 
Theo học cử nhân chuyên ngành văn học cổ điển Nhật, tốt nghiệp cao học trường đại học Gakushuu rồi chuyển sang học ngành khảo cổ học. Từ 1992 – 1995 là lưu học sinh của trường đại học Tổng hợp Hà Nội. 
Hiện tại là GS.TS của trường đại học nữ Shouwa. Từng chủ trì nhiều hội thảo và biên soạn nhiều cuốn sách quan trọng, có tiếng vang giới thiệu giao lưu văn hoá thương mại Việt – Nhật trong lịch sử.

 

Từ góc độ khảo cổ, một trong những đóng góp quan trọng của công trình này là định vị được vị trí trung tâm cảng thị Hội An xưa và nhất là tìm ra mối dây liên hệ kinh tế, văn hoá và lịch sử… giữa Hội An với các vùng lân cận, từ đó, giúp người đọc hình dung di sản là sự hội tụ và kết nối…

Tôi cảm thấy mối liên hệ giữa con người và văn hoá di sản Việt Nam nói chung cũng như văn hoá Hội An nói riêng đều có mặt yếu. Có những người muốn bảo vệ di sản, nhưng cũng có những người buộc phải phá hoại di sản để khai thác, để phát triển. Đây không phải là vấn đề riêng của Việt Nam mà tại Nhật Bản cũng vậy.

Để giữ gìn di sản văn hoá Hội An thì cần phải có sự giúp đỡ và thấu hiểu của những người sống và sinh hoạt tại đó. Đặc biệt, cần phải chú trọng vào giáo dục thế hệ trẻ, nỗ lực để gìn giữ lại văn hoá Hội An cũng như di sản văn hoá của Việt Nam cho các thế hệ sau.

Nếu nói, linh hồn của di sản đó không chỉ là di chỉ vật chất mà còn là tài nguyên nhân văn. Là người có quan tâm đến liên ngành nhân học, ông đánh giá thế nào về tài nguyên nhân văn, hay cụ thể, con người của Hội An?

Việt Nam là đất nước an ninh tốt hơn Nhật Bản. Trong đó Hội An lại là thành phố an toàn hơn cả. Người nước ngoài có thể an tâm tham quan thành phố. Và người dân Hội An lúc nào cũng đón du khách bằng tình cảm ấm áp. Thông qua Hội An mà tôi đã có thể tiếp xúc với những tình cảm phong phú và ấm áp của người Việt và cảm nhận được một đất nước giàu tính nhân văn.

Cuốn sách của ông do NXB Thế Giới công bố ở Việt Nam được coi là chuyên ngành hẹp, đợt đầu chỉ in được 500 bản...

Hiện nay, ở Nhật Bản thì cuốn sách chuyên môn này cũng không thể bán chạy, xuất bản lần đầu tiên chỉ bán được 500 đến 600 cuốn. Tôi mong rằng nhiều người sẽ đọc nó và số ấn bản sẽ tăng lên.

Sách được xuất bản là nhờ vào sự ủng hộ và giúp đỡ của các thầy cô giáo và các sinh viên cao học trẻ tuổi trường ĐH Quốc gia Hà Nội. Tôi rất cảm kích họ. Hơn nữa, một phần thành quả nghiên cứu Hội An trong 17 năm của tôi đã được xuất bản thành sách, được đến với bạn đọc Việt Nam khiến tôi vô cùng sung sướng. Sau khi thôi công việc tại Nhật, tôi dự định mỗi năm sẽ sống nửa năm tại Hội An để nghiên cứu và nửa năm còn lại thì sống tại Nhật.

Nguồn tin: ngoisao.net


 

 Từ khóa: nhà nghiên, nghiên, quan, trong, nhân, hành
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật