//

Cỏ hoa thương nhớ

Chủ nhật - 30/01/2011 11:20

Chỉ khi nhớ về Hội An, tôi mới thấy được tất cả cái thế giới kỷ niệm trong veo, tâm hồn trong sáng. Phải chăng vì Hội An bao giờ cũng trong lành?

 

Gần như mỗi thành phố ta đã sống đều để lại trong ta những ấn tượng, tình cảm khác nhau. Cùng với Hội An, Huế là thành phố đã làm nên tâm hồn tôi, nhưng mỗi khi nhớ về Huế, lòng tôi bao giờ cũng xốn xang niềm tự hào xen lẫn một nỗi ngậm ngùi không nguôi. Tôi nhớ Tam Kỳ vì một thế hệ học sinh tài hoa và giàu lòng yêu nước, mà tôi đã có cái may mắn được làm một kẻ đưa đò. Còn với Sài Gòn - TP. Hồ Chí Minh, mỗi khi đi xa, tôi chỉ nhớ những buổi sáng tinh mơ yên bình, nhất là vào những ngày cuối năm, có một làn sương mỏng manh lãng đãng trên vòm cây, điều hiếm thấy ở thành phố nắng gió phương Nam này.

alt
Ảnh: HUỲNH HÀ

Chỉ có khi nhớ về Hội An thì tôi mới thấy được tất cả cái thế giới kỷ niệm trong veo, tâm hồn trong sáng, tựa như mỗi hơi thở, mỗi ý nghĩ, mỗi ký ức, dù là nhỏ nhất, cũng đều làm trái tim rung động bồi hồi; phải chăng vì Hội An bao giờ cũng trong lành?

Phải rồi, Hội An trong ký ức tôi luôn có thiên nhiên trong và con người lành!

Vào những năm 1950, Hội An có một cái lệ, mà ngày nay nhớ lại tôi thấy thật tuyệt vời, có lẽ không nơi nào có được. Ðó là, cứ vào khoảng 21 giờ đêm giao thừa, tất cả gia đình trên hai con đường phố cổ là đường Chùa Cầu và đường Quảng Ðông (nay là đường Trần Phú và Nguyễn Thái Học) đều đem chổi, giẻ chùi nhà ra quét sạch rồi đổ nước chùi rửa đoạn đường phố ngay phía trước nhà mình. Nhà nào cũng vậy, vừa chùi cọ mặt đường sạch bóng, vừa chuyện trò vui vẻ. Có lẽ cái không gian trong lành, thân ái ấy sẽ còn sống mãi trong trái tim những người sống tại Hội An vào những năm tháng đó. Sau khi làm sạch mặt đường, nhà nào cũng mang những chậu hoa ngày tết ra bày ngay trên hè phố nhà mình. Mấy chục năm sau, may mắn được sống trong một con hẻm cụt yên bình ở quận 1, TP.Hồ Chí Minh, nhờ học được từ Hội An, tôi đã là người tiên phong đem bày những chậu cây kiểng ra trước nhà. Những nhà khác thấy đẹp cũng làm theo. Nhờ vậy, cho tới nay quanh năm suốt tháng con hẻm nhà tôi lúc nào cũng có cây xanh, hoa nở, như là sự bù trừ cho những lúc ngược xuôi trên đường phố phải luôn chịu cảnh khói bụi, kẹt xe, ngập nước.

Tôi còn học được từ Hội An nhiều điều, mà bài học đáng giá nhất là lối sống và những nghi thức đón tết của người Hội An.

Người Hội An, trong các thập niên 1950 - 1960, là những thị dân có mức sống trung bình thấp, nhưng luôn biết giữ nếp nhà. Trong lòng cái thành phố cổ này, gần như ai cũng muốn giữ cho ngọn lửa bếp nhà mình luôn cháy đỏ niềm vui đoàn tụ, ấm êm. Và dù không nói ra, ai cũng thầm hiểu rằng, ngọn lửa bếp ấy chính là ơn phước mà cuộc đời dành tặng cho mỗi mái nhà; hay hiểu theo một góc nhìn khác, cái ơn đời đó cũng chính là phúc nhà. Vì hiểu như vậy, nên mọi người sống hiền hòa, thuận theo luật đời và lẽ trời. Vào những đêm giao thừa, nhà nào trong khu phố cổ cũng bày bàn thờ, hương án ra trước nhà, cúng tạ ơn tổ tiên và cầu cho cuộc sống an lành, con cháu học hành nên người. Lại có cả những cụ già, trong cái thời khắc thiêng liêng ấy, ra thắp hương ở các ngã tư đường phố, cung kính, thành tâm. Ðặc biệt là thành phố cổ luôn giữ được sự trong lành, sạch sẽ trong nếp sống an nhiên tự tại, dẫu cũng đã phải trải qua bao biến động, bể dâu của cuộc thế thăng trầm.

Bài học thứ ba mà tôi học được từ Hội An, tuy trừu tượng hơn, nhưng lại vô cùng quý giá.

Ngay trong những năm chiến tranh khốc liệt nhất, lính Mỹ, lính Ðại Hàn cũng chỉ xuất hiện rất ít ở Hội An. Và dĩ nhiên, do khác nhau về lối sống, về văn hóa, họ không bao giờ hiểu được rằng, chỉ cần ngồi nghênh ngang trên chiếc xe Jeep chạy thật nhanh qua đường phố Hội An, là đã hiển nhiên chống lại Hội An, đi ngược lại với lòng người Hội An. Cho nên, với những người yêu nước - chắc chắn có nhiều người Hội An trong đó - chống ngoại xâm, đôi khi không phải từ một ý thức hệ, mà giản dị chỉ vì không muốn để những người lính viễn chinh xa lạ phá vỡ cái không gian hài hòa, yên bình của quê hương mình. Suy rộng ra, là phá vỡ cái nền tảng văn hóa của dân tộc Việt…

Mỗi khi nhớ về Hội An, tôi lại như cảm nhận vẫn còn quanh quất đâu đây mùi hương của vong ưu thảo, loài-hoa-quên-sầu. Cũng chính từ hương thơm dịu dàng của loài hoa có hình dạng như chiếc lá, mà tôi nhận được một bài học khác về cách thế ở đời.

Qua bao nhiêu năm tháng của cuộc đời tha hương lưu lạc, Hội An vẫn để lại trong tâm hồn tôi một mùi hương thoảng nhẹ, mơ hồ, mà đằm thắm, quyến rũ không thôi. Trong những đêm thanh vắng, khi thả bộ trên đường Phan Châu Trinh, tôi nghe như thoảng trong gió nhẹ có một mùi hương dịu dàng, ngỡ như mùi hương kỳ bí trong những trang sách Liêu trai. Dân gian gọi đó là mùi thơm của hoa bải hoải. Còn mẹ tôi, một ngươi đàn bà quê ít học, lại dạy tôi rằng đó là hoa vong ưu thảo. Cái mùi hương nhẹ nhàng, kỳ ảo ấy, cùng với hình ảnh mẹ, cứ đi theo tôi trọn đời. Và mỗi khi nhớ về Hội An, tôi lại như cảm nhận vẫn còn quanh quất đâu đây mùi hương của loài-hoa-quên-sầu kia. Cũng chính từ hương thơm dịu dàng của vong ưu thảo, loài hoa có hình dạng như chiếc lá, mà tôi nhận được một bài học khác, về cách thế ở đời. Muốn hạnh phúc, ta cần biết quên đi nhiều điều, cần biết tha thứ để lòng trở nên thanh thản. Cũng giống như một tín đồ thực sự thì không cần phải cố gắng hình dung ra một Ðấng tối cao và quy phục hình ảnh đó, mà chỉ cần để tâm hồn mình tràn ngập sự thán phục vô bờ trước cảnh sắc tự nhiên của thế giới, chỉ cần chiêm ngưỡng một cách ngây ngất trước cái cấu trúc diệu kỳ của tạo vật, thế là đủ, và đó mới chính là một tín đồ thực thụ. Sống trong đời cũng vậy, chỉ cần ta có ý thức hiến dâng cái phần tốt đẹp nhất của ta cho xã hội, mà chẳng đòi hỏi gì, thì khi đó ta mới thực sự hạnh phúc.

Nhớ về một Hội An trong lành, trong tôi lúc này cũng thoáng hiện nỗi lo. Một tài liệu trên mạng cho biết, một số khu vực trong khu phố cổ Hội An có nơi lên đến 1.800 người/km2, trong khi mật độ dân số theo chuẩn quốc tế chỉ là 40 người/km2. Với mật độ dân cư đông như thế, chưa kể 4 - 5 nghìn khách du lịch mỗi ngày, liệu Hội An làm sao để có thể vẫn là một Hội An trong lành, trong về môi trường và lành về con người?

Tôi nhớ một câu chuyện trong sách xưa: Có người hỏi Trịnh Khải, một tướng quốc đời Ðường (Trung Quốc): “Gần đây có thơ gì mới không?”. Vị tướng quốc yêu thiên nhiên ấy đáp: “Tứ thơ của tôi chỉ ở cái cảnh cưỡi lừa đạp tuyết đi trên cầu Bá, nay không có cảnh ấy thì làm gì có thơ” (Toàn Ðường thi thoại). Và một nhà triết học - nhà văn Pháp, Bachelard, lại nói: “Phải có hai người để công nhận trời đẹp”. Thật vậy, dù sống ở bất cứ thời đại nào, con người không chỉ cần tương thông với nhau, mà con người còn cần tương thông với thiên nhiên, giao hòa với vạn vật đất trời.

Ngay cả trong giấc mơ tôi cũng thấy, không chỉ là nhờ cảnh sắc trong lành, mà hoa cỏ cũng sẽ góp phần để Hội An lên tiếng gọi về và lấp đầy mọi trái tim thương nhớ.

Nguồn tin: www.zing.vn


 

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật