//

Hội An phát triển bằng sự yên tĩnh!

Thứ bảy - 12/03/2011 20:25

Hội An là niềm tự hào của người dân Quảng Nam nói riêng và cả nước nói chung. Hiện nay, việc quản lý, khai thác và bảo tồn Di sản thế giới này một cách bền vững, phù hợp với quy luật phát triển kinh tế, xã hội đang là vấn đề được nhiều người quan tâm. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với đồng chí Nguyễn Sự, Bí thư Thành ủy thành phố Hội An, để hiểu rõ hơn về vấn đề này...

 

Một thành phố trong công viên

Phóng viên (PV): Tái đắc cử Bí thư thành ủy, trên cương vị người lãnh đạo, điều đầu tiên đồng chí nghĩ tới cho Hội An là gì?

Ông Nguyễn Sự.

Đồng chí Nguyễn Sự: Hội An còn rất nhiều việc cần phải làm. Bản thân tôi mong muốn một điều là làm sao người dân giàu có lên nhưng Hội An vẫn mãi là Hội An.

Với sự phát triển nhanh chóng các mặt xã hội, phải làm sao để lớp trẻ tiếp tục giao lưu, mở cửa với bạn bè nhưng vẫn giữ được hồn cốt, nét văn hóa mà cha ông để lại. Chúng tôi quyết tâm xây dựng thành phố văn hóa không phải từ những bảng hiệu, những cụm dân cư, khu phố văn hóa mà khích lệ, khơi gợi từ những giá trị chiều sâu trong cốt cách, tâm hồn con người Hội An. Chúng tôi muốn hướng tới gốc rễ ấy, bởi lâu nay, có nhiều người cho rằng, những người dân nơi khác tới Hội An sinh sống, lập nghiệp sẽ làm mất đi hồn cốt Hội An. Nếu hiểu vì sao họ đến với Hội An, thì sẽ có cách nghĩ khác. Trải qua bao nhiêu năm, với bản lĩnh của người sở tại và lòng yêu mến của những người khách đối với nơi này, Hội An vẫn là mảnh đất của sự hội tụ và kết nối. Hội tụ của những tâm hồn yêu Hội An, yêu những gì Hội An đang có và kết nối những tâm hồn đó lại để làm cho văn hóa Hội An phong phú thêm.

Ý tưởng xây dựng một thành phố sinh thái cũng xuất phát từ tính cách con người Hội An. Quan điểm của chúng tôi là vùng lõi khu phố cổ vẫn phải được giữ nguyên vẹn. Việc phát triển ra những vùng xung quanh, phải được cân nhắc một cách kỹ lưỡng. Có những cánh đồng chúng tôi giữ lại, trước hết để giữ sự cân bằng về mặt sinh thái. Người dân Hội An phải được tiếp cận với thiên nhiên, sống với thiên nhiên để từ đó yêu chính mảnh đất của mình, yêu mình và yêu mến mọi người. Đó chính là nhằm đạt tới một giá trị bền vững cho môi trường sống của con người, giảm thiểu các tác động tiêu cực vào môi trường trong hiện tại cũng như tương lai.

Chủ trương của chúng tôi là vào năm 2030, thành phố Hội An “sẽ ở trong công viên”. Để làm được điều đó, ngay từ bây giờ, mỗi người dân phải tập trung để giải quyết vấn đề cây xanh, tức là trồng tất cả cây xanh ở những nơi nào có thể, để 30 năm sau, cây xanh lớn lên và bao phủ được toàn bộ thành phố Hội An.

PV: Để thực hiện ý tưởng biến Hội An thành thành phố sinh thái, thành phố trong công viên, đồng chí và Đảng bộ thành phố Hội An đã có những việc làm cụ thể nào?

Đồng chí Nguyễn Sự: Khi nhìn một vùng đất trống, điều đầu tiên chúng tôi nghĩ tới là không nên xây cái gì ở đó chứ không phải xây cái gì! Hãy để cho Hội An một không gian sống.

Chúng tôi không quan niệm phải có làng trong phố nhưng phải có những vùng cây xanh. Đó có thể chỉ là một hồ nước, một ao rau muống hay một khoảng không gian để trồng hoa. Tuy nhiên, tất cả phải được quy hoạch rất nghiêm túc. Điều quan trọng là chúng tôi làm rất quyết liệt để trả lại tất cả sự trong lành cho Hội An. Chẳng hạn như việc trả lại sự trong sạch cho dòng sông Hoài, xét về phương diện môi trường thì đó là việc giải quyết vấn đề thoát nước, giao thông, trả lại môi trường sống trong sạch cho người dân. Còn theo quan niệm của ông cha thì một dòng sông giống như kinh mạch của khu phố, mang tính phong thủy, đó là vấn đề văn hóa.

Trong vòng 3 năm, đến nay, gần 1 triệu cây xanh đã được trồng trong đô thị. Với mục tiêu đưa Hội An nằm trong “công viên” xanh, chúng tôi đã phát động người dân, các doanh nghiệp tham gia trồng cây xanh và đều nhận được sự ủng hộ nhiệt tình.

Mỗi doanh nghiệp khi đầu tư vào Hội An đều phải có trách nhiệm tham gia trồng cây xanh. Đó không chỉ là việc làm mang lại không gian xanh, không gian văn hóa cho Hội An mà bản thân doanh nghiệp cũng được hưởng lợi từ hành động đó, khi du khách đến Hội An - thành phố xanh - ngày càng nhiều. Điều đó cho thấy việc trồng cây xanh đã đi vào lòng người. Năm 2011, chúng tôi đặt kế hoạch trồng cho được 500.000 cây xanh, đó là những cây có từ 2 đến 5 năm tuổi (đã được ươm trồng, có khả năng sống và phủ bóng xanh sau 6 tháng). Đây là nhiệm vụ phải làm thường xuyên, hằng ngày.

Việc xây dựng một đô thị sinh thái, con người sống và hòa nhập với thiên nhiên khiến con họ được thể hiện tình yêu với thiên nhiên, với động vật… Từ đó lòng nhân ái trong mỗi con người được nuôi dưỡng, cốt cách người Hội An được gìn giữ.

Đưa lễ hội trở về với người dân

PV: Cùng với sự phát triển kinh tế thì các hoạt động văn hóa hình như đang dần bị “sân khấu” hóa. Đồng chí có nghĩ rằng đó chính là bất cập của những người quản lý văn hóa, chưa biết điều tiết giữa sự phát triển kinh tế với gìn giữ không gian tâm linh, không gian cổ truyền hay không?

Đồng chí Nguyễn Sự: Hội An lấy sự yên tĩnh để phát triển. Chính sự yên tĩnh đã tạo ra Hội An và thu hút du khách tới đây. Người ta đến thành phố này trước hết để tìm một sự bình yên và quay lại Hội An bằng chính văn hóa của người Hội An.

Hội An được biết đến từ xưa tới nay là thành phố dưỡng già. Đó là nơi trở về. Nếu như cuộc sống hằng ngày người ta phải “phân thân” để chạy đua với công việc thì về với Hội An chính là tìm không gian yên tĩnh và “nhập thân” trở lại. Nếu không khéo, với điều kiện bây giờ, chúng ta sẽ biến Hội An trở thành một không gian xô bồ. Đó không chỉ là nguy cơ đánh mất Hội An mà còn là mất đi luôn “chất” Hội An đã ăn sâu vào gốc rễ, tâm hồn con người nơi đây.

Hiện nay, người ta đã lạm dụng từ lễ hội. Có những lễ hội mà thực chất chỉ là những sự kiện bởi nó không có tính thiêng liêng, không gắn với một điều gì để người dân tin. Dựng lên một lễ mà đấng thiêng không có và không phải của cộng đồng, do đó nó không có ý nghĩa. Phần hội, vốn mang tính dân gian rất cao, thì nay, mang tính “diễn”, hay còn gọi là “quan hóa” lễ hội, tức là những lễ hội đó là của những người lãnh đạo, chứ không phải của nhân dân. Vì lẽ đó, nhân dân không mặn mà với lễ hội, dẫn đến có những lễ hội đã trở thành sân khấu hóa, như một đêm biểu diễn văn nghệ. Tôi thấy điều đó là không ổn, cảm giác như một “hội chứng” không lành mạnh, bất thường. Điều này đã có ở Hội An, dù chưa nhiều.

Hai năm nay, chúng tôi bắt đầu công việc trả lại những gì đúng nghĩa với Hội An, đúng nghĩa là lễ hội. Để du khách đến với Hội An bằng lễ hội thật, mang tính tín ngưỡng và tâm linh lành mạnh ngay tại đó chứ không phải biểu diễn (điều mà ở đâu cũng có thể tái hiện được). Lễ hội đó phải thực sự là của người dân, họ vừa là khán giả, người diễn viên, người tổ chức, người quản lý chỉ đóng vai trò hướng dẫn.

Bền vững từ lòng người

PV: Thực tế việc treo đèn lồng đã tôn thêm vẻ đẹp phố cổ, nhưng việc treo những vật trang trí màu sắc sặc sỡ như hiện nay, theo đồng chí đã phù hợp với cảnh quan Hội An?

Phố cổ Hội An. Ảnh: Hà Thu

Đồng chí Nguyễn Sự: Trước hết, phải cảm ơn sự hưởng ứng của nhiều người dân và doanh nghiệp trong việc treo đèn lồng. Lúc đầu, treo đèn lồng là đẹp nhưng hiện nay, tôi có cảm giác có một điều gì đó khiến khu phố trở nên rất rối. Đó là điều cần suy nghĩ và phải tính toán lại một cách kỹ lưỡng.

Hội An rất tinh tế, chính mỗi góc phố, một đầu hồi, một hoa văn, thậm chí một bờ trải đã tạo nên diện mạo, hồn cốt của Hội An từ hàng trăm năm nay. Việc treo những biển hiệu, đèn lồng, vật trang trí, nếu không tinh tế, sẽ biến Hội An trở thành một sân khấu cỡ lớn, nhiều màu sắc, đánh mất đi màu chủ đạo của khu phố, đó là màu yên bình.

Vì vậy, chúng tôi tổ chức những cuộc thi thiết kế đèn lồng cho những bờ trải, đầu hồi sao cho phù hợp, tôn vinh thêm phố cổ. Bởi bản thân phố cổ vẫn đẹp và tồn tại bởi nghệ thuật kiến trúc, chứ không phải do đèn lồng hay một cái gì khác. Những khẩu hiệu treo trong phố cũng phải xem treo như thế nào, màu gì. Bản thân nó phải nhẹ nhàng, đi vào lòng người, chấp nhận được và không bị gượng ép… Tất cả mọi thứ ở Hội An phải rất tinh tế.

Mọi thứ ở Hội An tưởng rất bền vững nhưng thực ra thật mỏng manh. Chính chiều sâu văn hóa trong tâm hồn, đã khiến người dân ý thức được phải gìn giữ sự mỏng manh đó. Những ứng xử nhẹ nhàng, nâng niu là cơ sở để Hội An tồn tại bền vững.

PV: Đội ngũ cán bộ chính quyền, cán bộ quản lý văn hóa, kinh tế liệu có đủ khả năng bắt kịp thực tiễn khi Hội An đang đứng trước những thách thức của môi trường cạnh tranh quyết liệt, một môi trường ngày càng giàu nhưng đôi khi thiếu hụt sự hiểu biết về văn hóa hay không?

Đồng chí Nguyễn Sự: Nói một cách nghiêm túc và khách quan, đội ngũ cán bộ hiện nay và ngay cả bản thân tôi có thể không theo kịp xu thế phát triển hiện nay. Có những vấn đề mà chúng ta không lường trước được, vượt ngoài tầm kiểm soát, khi biết thì việc đã rồi. Nhưng từ thực tiễn những năm qua, đặt ra cho đội ngũ cán bộ chúng tôi nhiều vấn đề suy nghĩ là phải phát triển bền vững. Lâu nay, điều đó đã được đề cập nhiều nhưng làm thế nào để biến điều ấy thành hiện thực thì cần có những kế hoạch cụ thể và giúp sức của người dân.

Bền vững không chỉ là kinh tế phát triển, thu nhập bình quân đầu người cao. Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người ở Hội An gần 30 triệu đồng/năm. Nhưng để biết chất lượng cuộc sống người dân liệu có thực sự tăng hay không thì phải xem lại một cách rõ ràng rằng số tiền đó nằm ở đâu và ở những đối tượng nào. Nếu chỉ dồn cho một bộ phận người thì điều đó chính là nguy cơ tiềm ẩn đối với cuộc sống người dân. Người cán bộ phải là người nhận thức được điều ấy để có những chính sách chăm chút cho người nghèo, không chỉ về vật chất mà cả tinh thần.

Hội An được biết đến là một thành phố “giàu có” về mặt văn hóa, bình an chứ không phải là thành phố với tốc độ phát triển, giàu có về mặt kinh tế. Chúng tôi nhận thức rõ vấn đề này và làm cho người dân cũng hiểu được điều đó để biến Hội An giàu có về bề dày văn hóa, sẽ mang lại sự sung túc vật chất cho người dân.

PV: Xin cảm ơn đồng chí!

Yên Ba – Thu Hà thực hiện

Nguồn tin: thethaovanhoa.vn


 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật