//

Nơi màu xanh được tôn vinh

Thứ ba - 01/03/2011 08:00

Cùng với sự phát triển của đô thị, khoảng không gian xanh đang dần bị thay thế bằng những khối bê tông. Sự phát triển của giao thông với đủ loại ô nhiễm, đã khiến cho chất lượng sống của con người xuống thấp tới mức báo động. Khi các đô thị khác còn đang loay hoay giữa việc khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên và di sản với giữ gìn cho được môi trường sinh thái, cải thiện chất lượng sống người dân, thì Hội An bước đầu đã có những giải pháp thật ấn tượng.

 

Sẽ là một Hội An trong “công viên”?

Phố cổ Hội An là một di sản văn hóa có nhiều giá trị độc đáo. Ðây là một trong số ít đô thị thương mại và thương cảng của Ðại Việt thời trung đại, hiện còn lưu giữ được một sưu tập kiến trúc thành thị sống động, độc nhất vô nhị trong di sản kiến trúc của người Việt (nhà ở, nhà cửa hiệu, nhà thờ tộc, đình, hội quán, chùa, miếu, cầu...) có niên đại phổ biến trên dưới hai thế kỷ.

Vì vậy, mô hình phát triển bền vững hợp lý cho Hội An chính là xây dựng một thành phố sinh thái, thành phố văn hoá, với vùng lõi là khu trung tâm phố cổ được bảo tồn nghiêm ngặt. Hội An được biết tới như một thành phố hội tụ thanh bình, do đó, đưa con người trở lại sự cân bằng, sống hoà mình với thiên nhiên, là điều mà du khách tìm tới, cũng là điều mà người dân Hội An sống với mảnh đất này bao đời nay. Nếu đánh mất điều đó, Hội An chắc chắn sẽ đánh mất mình.

Trong vòng 3 năm, một triệu cây xanh có khả năng toả bóng mát sau 6 tháng đã được trồng trong vùng đô thị bao quanh vùng lõi. 500 nghìn cây xanh sẽ được trồng trong năm 2011. Đây thực sự là bước đi mới mẻ, đầy quyết tâm mà ông Nguyễn Sự, Bí thư thành uỷ thành phố Hội An cùng đội ngũ cán bộ đang thực hiện nhằm đưa Hội An thực sự trở thành một đô thị “an nhàn”, một đô thị trong “công viên”  sau 30 năm nữa.

Ông Nguyễn Sự cho rằng: để khai thác và bảo tồn được món quà mà thiên nhiên cũng như lịch sử ban tặng cho Hội An, Hội An phải giữ bằng được bề dày và chiều sâu văn hoá đã tồn tại hàng trăm năm trong cốt cách và nếp sống của người dân. Hội An từng là thành phố giao thương, đón rất nhiều thương gia ngoại quốc đến sống và buôn bán tại Hội An. Cùng với sự giao lưu kinh tế, các nền văn hóa trên thế giới cũng đến với Hội An. Ý tưởng xây dựng một thành phố sinh thái cũng xuất phát từ tính cách, con người Hội An.

Một không gian xanh thân thiện với môi trường trong lòng đô thị

 

Biến ruộng đồng hay một không gian làng quê trở thành đô thị là một việc làm không khó, nhưng để bảo tồn một Hội An đã tồn tại gần 500 năm với nếp sống của người dân là một điều không hề đơn giản. Giữ nguyên vẹn nhiều cánh đồng, trồng thêm nhiều cây xanh, tạo vùng trống về không gian là một việc làm đúng đắn mà người Hội An đang theo đuổi. Điều đó không chỉ giữ sự cân bằng về mặt sinh thái, mà còn giúp người dân Hội An được tiếp cận với thiên nhiên, sống với thiên nhiên. Từ đó yêu chính mảnh đất của mình, yêu mình và yêu mến mọi người. Đem lại một giá trị bền vững cho môi trường sống của con người, giảm thiểu các tác động tiêu cực vào môi trường trong hiện tại cũng như tương lai.

Thành phố của sự yên bình

Tìm về Hội An là tìm về khoảng không gian sống, để con người có thể yên tĩnh “nhập thân” trở lại sau khi đã phải “phân thân” trong vòng xoáy của cuộc sống. Do đó, những vùng đất trống, những mảng xanh, khi được gìn giữ một cách hợp lý chính là những gạch nối huyền ảo, nối hiện tại với quá khứ, kết nối những tâm hồn và mang lại sự cân bằng, bình yên trong mỗi con người.

Ông Nguyễn Sự nhấn mạnh: lâu nay, mọi người quan niệm cứ biến vùng nông thôn thành một đô thị, đó mới là sự phát triển. Điều đó chỉ đúng theo một nghĩa nào đó. Hội An không chủ trương xây dựng vùng nông thôn thành phường quận mà vẫn để nguyên theo đúng nghĩa làng xã, giữ lại toàn bộ không gian đó và tất nhiên đó phải là không gian văn minh, là vùng đệm trong quá trình đô thị hóa.

Hội An, nơi màu xanh được tôn vinh, nơi việc trồng cây đã đi vào lòng người, được thể hiện qua ý thức trồng cây của mỗi người dân. Tất cả đều hướng tới một không gian xanh để cho khách bộ hành có nơi nghỉ chân hay có chỗ cho một gánh quà… Một không khí thanh bình, nhàn tản bao trùm lên từng góc phố, nếp nhà.

Hội An không chỉ quyết tâm “xanh hoá” đô thị và bảo tồn di sản mà còn trả lại sự “trong sạch” cho những lễ hội dân gian, cho thiên nhiên để người dân cũng như du khách được thực sự hòa nhập cùng cộng đồng, cùng gắn kết.  Từ đó lòng nhân ái trong mỗi con người được nuôi dưỡng, cốt cách người Hội An được gìn giữ. Đó chính là lối ứng xử của người Hội An với di sản, thiên nhiên và với con người.

Cuộc sống Hội An vốn hiền hoà, con người Hội An thân thiện, điều đó đã được thể hiện qua mỗi nếp nhà, góc phố, lối sống và thiên nhiên nơi đây. Việc duy trì hài hoà giữa kiến trúc xưa cũ và mới, giữa xây dựng và thiên nhiên, giữa bảo tồn và phát triển luôn được người dân Hội An ý thức đặt trong mối quan hệ cộng sinh. Tất cả đã tạo nên một cốt cách Hội An không thể lẫn với bất cứ nơi đâu. Hội An có thể được tìm tới bằng di sản nhưng sẽ níu chân và làm người ta nhớ bằng chính tâm hồn, cốt cách người Hội An. Đó mới thực sự là “rừng vàng, biển bạc” mà Hội An đang có.

Nguồn tin: thethaovanhoa.vn


 

Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 4 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật