//

Chiến công trên sông Hội

Thứ tư - 16/02/2011 13:39

Những ngày cuối năm 2010, tôi may mắn gặp những chiến sĩ Đặc công nước đầu tiên trên chiến trường Quảng Đà, được nghe họ kể và cung cấp nhiều hình ảnh quý về trận đánh chìm 4 hải thuyền trên sông Hội An năm nào.

 

 

 

 

alt
Hải thuyền địch bị đánh chìm trên sông Hội An.

Trong những năm chống Mỹ, phong trào cách mạng ở Hội An và Duy Xuyên gặp không ít khó khăn khi tại Cửa Đại địch thiết lập một Duyên đoàn bộ gồm: trạm sửa chữa tàu thuyền, trạm phát điện, khu đồn trú một đại đội bảo vệ cầu cảng... Lực lượng chủ yếu của chúng là 12 hải thuyền, mỗi chiếc biên chế 12 quân, trang bị 2 khẩu đại liên, nhiều súng M79 và AR15. Ban ngày chúng hoạt động ven biển, đêm đến thường cho 6 chiếc tuần tiễu trên sông, lùng sục bắn phá. Để bảo vệ Duyên đoàn, cứ đến 18 giờ, địch buộc tất cả tàu thuyền đánh cá về neo đậu thành các hàng ngang ở phía thượng lưu, làm lá chắn an toàn cho chúng. Phía bên bờ sông Duy Nghĩa, đối diện cảng Duyên đoàn là vùng kiểm soát của ta, nên về đêm chúng dùng cối 81 và DKZ bắn dọc bờ sông đề phòng quân ta tấn công. Hằng đêm, chúng cho hai chiếc pha đèn sáng rực chạy ngược dòng sông khá xa, khi quay lại thì cho một chiếc tắt máy, tắt đèn thả trôi giữa sông để phục quân ta chèo thuyền sang sông. Vì thế, theo đề nghị của Thị ủy Hội An, thực hiện sự chỉ đạo của Đặc Khu ủy Quảng Đà, Đội Đặc công nước Quảng Đà (Đội 170) được giao nhiệm vụ tiêu diệt các hải thuyền này.

Ông Phạm Xuân Sanh, lúc đó là Trợ lý tác chiến của Đội 170 nhớ lại: “Khi chúng tôi về tới Hội An, anh Ngô Hiên - Bí thư Thị ủy Hội An nói: “Tình hình Hội An khó khăn vô kể, vì đây là địa bàn sông nước chia cắt và địch đánh phá rất ác liệt, nhiều khi cả Thị ủy, Thị đội phải dạt sang vùng cát Duy Xuyên. Đặc biệt, bọn Duyên đoàn hải thuyền số 13 của ngụy tác oai; nhiều cán bộ, bộ đội ta đã phải hy sinh khi qua lại sông, chúng còn sát hại cả ngư dân đánh bắt ngoài Cửa Đại và Cù Lao Chàm”. Ông Nguyễn Tấn Minh - Chính trị viên Đội 170 kể, nhận thấy tình hình rất căng và bất lợi cho cách mạng, phân đội khẩn trương bắt tay vào nhiệm vụ. Chúng tôi nhờ trinh sát Thị đội Hội An nắm chắc tình hình địch trên bờ và liên hệ với Xã đội Duy Nghĩa để đón anh em sau khi hoàn thành nhiệm vụ. Để đánh 2 cụm hải thuyền của địch, phân đội chia thành 2 tổ do đồng chí Sơn và Huỳnh Tào làm tổ trưởng. Sau 6 ngày đêm điều tra trinh sát, nắm tình hình địch, phân đội thiết kế 2 khối nổ, mỗi khối dùng 25kg thuốc nổ C4 đủ sức đánh tan một cụm hải thuyền 3 chiếc cấu tạo bằng vỏ gỗ, nhưng Thị đội Hội An đã hỗ trợ thêm thuốc nổ để thiết kế mỗi khối là 30kg. Trận đánh được ấn định vào đêm 2.10.1967, song do trưa ngày 2.10, Duyên đoàn hải thuyền Chu Lai kéo ra 6 chiếc nữa buông neo ngoài Cửa Đại. Đến 16 giờ, đoàn hải thuyền kéo nhau ra biển về hướng Cù Lao Chàm. Lúc 18 giờ, chỉ có 4 chiếc hải thuyền về cảng neo đậu thành 2 cụm, mỗi cụm 2 chiếc. Chúng tôi khẩn trương họp lấy ý tập thể là nên đánh đêm nay hay dừng lại. Anh em tham gia ý kiến sôi nổi: “Ta đã trinh sát kỹ, khí tài chuẩn bị tốt, tinh thần anh em đang háo hức lập công. Nếu ta đánh đêm nay chỉ tiêu diệt 4 chiếc không được 6 chiếc như mong muốn nhưng ai biết được diễn biến của tình hình, không nên bỏ lỡ thời cơ!”. Cuối cùng cả phân đội đều quyết tâm hành động ngay.

alt
Những chiến sĩ Đặc công nước Quảng Đà. Từ trái sang: Phạm Xuân Sanh, Nguyễn Văn Lợi, Nguyễn Tấn Minh.

Vị trí tập kết là điểm đầu của con lạch từ sông lớn vào vùng 3 Cẩm Thanh. Hai tổ chiến đấu lần lượt đưa khối nổ ra bờ sông. Do hai mục tiêu cách nhau gần 100m: Tổ đánh cụm 1 gần hơn, tốc độ đi chậm; tổ đánh cụm 2 xa hơn nên tốc độ hành tiến nhanh hơn, để khi vào mục tiêu thời gian chênh lệch không nhiều. Từ trong bờ, nước còn hơi ấm, khi ra dòng sâu, nước lạnh thấu xương, nhưng những chiến sĩ Đặc công nước đã tập trung cao độ vào kỹ thuật hành tiến, bí mật vượt qua khu vực tàu thuyền đánh cá neo đậu san sát trên mặt sông và tiếp cận mục tiêu. Từng tổ đưa khối nổ vào điểm giữa của hai thân tàu, quàng dây cố định khối nổ một đầu vào dây neo, một đầu vào chân vịt của tàu; xong, bấm kíp nổ hẹn giờ “30 phút”. Hoàn tất công việc, các chiến sĩ thả xuôi theo dòng nước chéo về bên bờ sông Xuyên Nghĩa, lên bãi cát nằm nghỉ ngơi và đợi chờ. 

Ông Sanh cho hay: “Nhẩm đến thời gian hẹn kích nổ, từ trên bờ tôi thấy một tia chớp lóe lên trên mặt sông kèm theo tiếng nổ vang trời. Hai chiếc hải thuyền bị xé toạc thành nhiều mảnh bay thẳng lên không trung theo cột nước và đổ sầm xuống mặt sông. Khoảng ba phút sau, tiếng nổ thứ hai bùng lên xé tan hai chiếc hải thuyền gần đó. Trên bờ, tiếng còi báo động rú vang làm náo động cả phố Hội. Địch liên tiếp bắn pháo sáng lên trời. Trận đánh đó ta đã tiêu diệt được 48 sĩ quan, binh lính và 4 hải thuyền cùng 8 khẩu đại liên của địch”. Các ông Nguyễn Tấn Minh, Phạm Xuân Sanh còn cho tôi xem những tấm ảnh do cơ sở ta chụp được ở các vị trí khác nhau của 3 chiếc hải thuyền bị đánh chìm. Ông Sanh nói thêm: “Hội An với anh em Đặc công nước của chúng tôi có nhiều kỷ niệm, là nơi bà con ngư dân cho chúng tôi theo cùng ra Cù Lao Chàm để tìm cách đánh các chiến hạm thuộc Hạm đội 7 của Mỹ, là nơi nuôi giấu chúng tôi trong các trận đánh trên sông, biển, cầu, đường tại Điện Bàn, Hội An, Duy Xuyên và nhất là nơi tập kết “từ trên rừng về phố” của anh em chúng tôi trong đại thắng mùa xuân năm 1975”.

Nhìn ông Sanh mân mê trên tay những tấm ảnh đó, nhất là tấm ảnh chiếc xe chở Đội đặc công nước của ông về giải phóng Hội An vào ngày 29.3.1975, tôi thấy ông có những lý do riêng để yêu thương phố Hội, mặc dù ông không hề là người con ở nơi đây.

Nguồn tin: www.zing.vn


 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật