//

“Xanh” lại Chùa Cầu

Thứ sáu - 28/01/2011 14:42

Chàng sinh viên trẻ Nguyễn Thành Phi, chủ nhân 2 giải thưởng sáng tạo khoa học trong nước và quốc tế, đã từng nảy sinh ý tưởng sáng tạo rất nghiêm túc từ… dòng chảy ô nhiễm tại Chùa Cầu.

 

 

 

 

 

 

 

alt
 

Đề án “Khu sinh thái và xử lý nước thải sinh hoạt bằng phương pháp hiện đại dựa trên hoạt động của thủy triều” của Nguyễn Thành Phi được trao giải ba cuộc thi “Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc lần thứ 6 - 2010” và giải bạc “Triển lãm quốc tế sáng tạo khoa học công nghệ trẻ lần thứ 7 - 7th International exhibition for young inventos” vừa diễn ra tại Nhật Bản. Câu chuyện nghiên cứu của Phi bắt đầu từ những dòng nước bẩn. “Em thấy nguồn nước chảy qua Chùa Cầu bị ô nhiễm nghiêm trọng nên nghĩ ra ý tưởng. Qua tìm hiểu, cải tiến các công trình nghiên cứu có trước, em xây dựng đề án có thể nói là tương đối hiệu quả, vốn đầu tư ít với mục đích tạo dựng lại hệ sinh thái sinh học thông qua việc xử lý nguồn nước thải trước khi đưa vào môi trường” - Phi nhớ lại.

Để đề án được Hội đồng khoa học của cuộc thi “Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng toàn quốc lần thứ 6, năm 2010” đánh giá là “xây dựng theo một hệ thống chuẩn mực về số liệu, kích thước cũng như những yêu cầu về mỹ thuật, cảnh quan”, Phi đã phải viết trong gần 1 năm. 

Chàng sinh viên năm thứ 2 khoa Kinh tế kiến trúc trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng này quả có niềm đam mê sáng tạo. Sinh năm 1991 tại phường Sơn Phong (Hội An), nhiều năm nay Phi xây dựng ý tưởng và chắt chiu từng đồng tiết kiệm từ tiền ba mẹ cho để mua vật liệu, thiết bị xây dựng mô hình. Phi tâm sự: “Những gì nghĩ ra, có ý tưởng là em thực hiện ngay. Chỉ ước sao ở Quảng Nam mình có một xưởng chế tạo đúng nghĩa để các bạn trẻ có thể đến thực hành”.

alt

Từ khi còn học lớp 12B1 trường THPT Trần Quý Cáp, đến nay Phi đã 4 lần tham gia sân chơi sáng tạo trẻ toàn quốc và đoạt 5 giải thưởng với các công trình, đề án nhằm cải thiện môi trường và sử dụng năng lượng tái tạo. Năm 2008, em đoạt giải khuyến khích về quá trình biến đổi năng lượng; năm 2009, huy chương đồng tuổi trẻ sáng tạo khoa học về năng lượng tái tạo, chế tạo máy hỗ trợ sức lao động và giải thưởng về tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường. 

Hệ thống chia thành ba hồ nhỏ với các đập tràn để ngăn cách và tăng hàm lượng oxy hòa tan nhằm tăng hiệu suất của quá trình xử lý nước. 
alt

Hồ kị khí tiếp nhận nước thải sinh hoạt, sau một thời gian phần cặn được lắng xuống đáy hồ. Hồ có đáy sâu, mặt tiếp xúc với không khí thấp giúp các vi sinh vật kị khí hoạt động. Mặt hồ phủ một lớp thảm thực vật như sen hoặc súng nhằm hạn chế sự tiếp xúc của không khí với mặt nước, hạn chế mùi hôi của nguồn nước thải. Xung quanh hồ trồng các thảm cỏ và cây cối có tán lớn tạo mỹ quan và tiếp nhận khí CO2 để quang hợp. Khi thủy triều dâng, nước qua đập từ hồ kị khí tràn sang hồ tùy nghi và thực hiện quá trình phân hủy sinh học. Dưới các điều kiện thích hợp như ánh sáng, nhiệt độ, một khối lượng đáng kể các chất dinh dưỡng sẽ được sinh vật thủy sinh hấp thụ giúp loại bỏ các chất hữu cơ trong môi trường nước. Thiết kế dạng hình hộp thang với đáy trên rộng và đáy dưới hẹp, hồ phân thành hai tầng, mặt dưới tiếp tục phân hủy chất hữu cơ, mặt bên trên giúp các sinh vật phát triển. Trong thân hồ trồng các loại rong thân cao làm thức ăn cho các sinh vật trong hồ đồng thời là tác nhân tiếp tục phân hủy các chất dưới đáy.

Hồ hiếu khí có diện tích lớn nhất để oxy dễ dàng khuếch tán vào lớp nước phía trên và ánh mặt trời chiếu làm tảo phát triển. Quá trình xử lý nước xảy ra nhờ hai tác nhân là vi sinh vật hiếu khí và thực vật trong hồ. Tại đây, nguồn nước đã cải thiện và có thể trực tiếp đưa vào môi trường. Khi môi trường không khí không đủ cung cấp một lượng oxy cần thiết cho sinh vật sống dưới đáy, hệ thống sục khí đảm nhận chức năng cung cấp một lượng oxy cần thiết xuống đáy hồ giúp sinh vật thích nghi với môi trường sống. Khi nguồn nước thải quá bẩn, hệ thống sục hóa chất cung cấp một lượng hóa chất vừa đủ vào hồ. Việc cung cấp này sẽ khử trùng nguồn nước và giảm thiểu mùi hôi. 

Vào mùa khô, nguồn thủy triều không đảm bảo thì hệ thống thủy lợi cần phải xả nước để đảm bảo cho quá trình làm việc của hệ thống.

Năm 2010, đề án “Khu sinh thái và xử lý nước thải sinh hoạt bằng phương pháp hiện đại dựa trên hoạt động của thủy triều” được Tỉnh Đoàn và Sở Khoa học công nghệ Quảng Nam thẩm định đưa đi tham gia dự thi toàn quốc, sau đó được chọn tham dự triển lãm quốc tế sáng tạo khoa học công nghệ trẻ lần thứ 7. Tại triển lãm này, các đề án được chấm rất kỹ với hội đồng khoa học gồm đại diện 46 quốc gia và vùng lãnh thổ. Những giá trị nhân văn từ các đề án liên quan đến lĩnh vực môi trường luôn được quan tâm và đánh giá cao. Hiện nay, Nguyễn Thành Phi đang tiếp tục thực hiện chung một đề tài về bảo vệ môi trường tại Cù Lao Chàm để tham gia cuộc thi “Ý tưởng xanh” do Toyota - Nhật Bản tổ chức. 

Ông Nguyễn Sự - Bí thư Thành ủy Hội An nói: “Sức sáng tạo của Nguyễn Thành Phi là rất đáng ghi nhận. Hệ thống xử lý được thiết lập một cách khoa học trên cơ sở thực trạng ô nhiễm môi trường đáng báo động tại Chùa Cầu trong nhiều năm qua”.

Nguồn tin: www.zing.vn


 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật