//

Áp lực từ dân số ở phố cổ

Thứ năm - 24/11/2011 01:39

Mật độ dân số quá cao đang tạo ra nhiều áp lực cho phố cổ Hội An. Trong đó, các vấn đề về dân sinh đã trở nên trầm trọng khi người dân sống chen chúc nhau trong những ngôi nhà cổ.

Khối phố An Thắng ở phường Minh An (một trong 3 phường trung tâm của đô thị cổ Hội An) có tổng cộng 287 hộ với 1.152 nhân khẩu; tính bình quân mỗi gia đình có hơn 4 người chung sống trong một nhà. Nhưng ở khu phố, có nhà chiều sâu chỉ hơn 8m, chiều ngang 10m, trong khi đó 80% diện tích dành cho việc kinh doanh từ sáng đến khuya nên không gian còn lại dành cho sinh hoạt gia đình khá chật hẹp. Thậm chí có nhà cả 4 thế hệ không dưới 20 người chỉ sinh hoạt trong một diện tích khiêm tốn như cái hộp với bàn ghế, giường tủ, xe máy... Ông Võ Đức Bướm - Phó Bí thư Đảng ủy phường Minh An cho biết, ưu tiên cho kinh doanh dẫn đến tình trạng nhiều gia đình ở phố cổ sống quá đông người trong một căn hộ là thực trạng đã diễn ra lâu nay. Điều này khiến địa phương gặp rất nhiều khó khăn trong việc triển khai các vấn đề về kinh tế, xã hội.
alt
Hội An đang ngày càng chịu nhiều áp lực từ dân số, đặc biệt là trong khu phố cổ.

Thực tế cho thấy, hầu hết nhà ở các tuyến phố chính trong khu vực I của đô thị cổ Hội An đều được dùng làm nơi buôn bán. Ở các tuyến đường như Lê Lợi, Trần Phú hay Nguyễn Thái Học, dường như 100% mặt tiền đều kinh doanh dịch vụ. Không gian bên trong mỗi ngôi nhà còn được dùng làm kho chứa hàng; có nhà dùng làm nơi trực tiếp chế tác hàng thủ công mỹ nghệ như mộc chạm trổ, mây tre, đèn lồng... Không chỉ ảnh hưởng đến sinh hoạt, tình trạng trên khiến các khu phố luôn đối diện với nguy cơ cháy.

Nhà đông người, nhưng theo quy định, trong phố cổ không được xây nhà quá 2 tầng. Hẳn ai cũng rõ những áp lực từ chuyện sống quá đông người trong không gian chật hẹp, vì thế bên trong từng căn hộ đã diễn ra tình trạng cơi nới, ngăn che để “khéo co” cho đủ. Nhà cổ hình ống với đặc trưng sân trời bị ảnh hưởng bởi nhu cầu sinh hoạt. Sân vườn không còn, cây xanh không có, không gian trống càng không. Mùa hè thì nóng bức, ngột ngạt; mùa đông thì phải di dời tại chỗ vì mái dột, xà gỗ mục nát, tường có nguy cơ sụp vì niên đại quá lâu. Áp lực về lao động, việc làm cũng đang khiến cho chính quyền thành phố phải cân nhắc đến các giải pháp phù hợp.

Theo số liệu điều tra mới đây, TP.Hội An có mật độ dân số 1.562 người/km2. Trong khi đó, nước ta hiện nay có bình quân mật độ dân số 243 người/km2 và mật độ chuẩn của quốc tế là 40 người/km2. Ông Nguyễn Xuân Vinh - Phó Trưởng phòng Thống kê Hội An cho biết: “1.562 người/km2  là mật độ dân số bình quân toàn thành phố, chứ trong khu vực I của đô thị cổ gồm các phường Minh An, Cẩm Phô, Sơn Phong, mật độ cao hơn gấp 10 lần”.

alt
Phần lớn diện tích nhà ở dành cho việc kinh doanh nên không gian sinh hoạt của nhiều gia đình tại Hội An rất chật hẹp.                                    Ảnh: MINH HẢI

Theo số liệu thống kê, vào năm 2005, mật độ dân số tại Hội An là 1.364 người/km2. Đến năm 1999, khi quần thể kiến trúc đô thị cổ Hội An được công nhận Di sản văn hóa thế giới, mật độ giảm xuống còn 1.282 người/km2. Nhưng đến tháng 6.2009, mật độ đã tăng lên 1.479 người/km2 với tổng số dân thực tế cư trú là 90.221 người. Ngoài ra còn có gần 4.000 sinh viên, học sinh và hàng nghìn du khách tham quan, lưu trú mỗi ngày. Sở dĩ có sự chênh lệch về mật độ dân số qua các năm là do từ những năm 1990 đến nay, TP.Hội An đã 5 lần vận động giãn dân ra các vùng Thanh Hà, Tân An, Cẩm Phô với gần 8.000 người. Tuy nhiên, mật độ dân số trong khu phố cổ vẫn còn quá cao do nhu cầu sinh hoạt, buôn bán trong đô thị; nhiều hộ đã giãn dân nhưng hộ khẩu vẫn giữ lại trong khu vực I. Đơn cử như phường Cẩm Phô diện tích chỉ chưa đến 1,2km2 nhưng dân số lại lên đến 10.122 người (mật độ dân số là 8.578 người/km2). Hay như phường Minh An, diện tích tự nhiên chỉ 0,65km2, mật độ dân số thật sự “đáng nể” với 12.129 người/km2.

Để giảm mật độ dân số như hiện nay, Hội An cần phải bố trí quy hoạch thêm 88ha đất dành cho đô thị. Ông Nguyễn Chí Trung - Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An nói: “Sẽ là quá muộn nếu Hội An không có những quyết sách đúng đắn về đô thị hóa. Đó là chưa tính đến việc tăng dân số cơ học, tốc độ đô thị hóa càng cao thì tỷ lệ tăng dân số cơ học càng lớn. Hiện nay, áp lực trong công tác quản lý, bảo tồn khu phố cổ đã thấy rõ”.

Tác giả bài viết: QUỐC HẢI

Nguồn tin: www.zing.vn


 

Tổng số điểm của bài viết là: 15 trong 3 đánh giá
Xếp hạng: 5 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật