//

Di sản thế giới: góc nhìn khác

Thứ bảy - 19/11/2011 10:02

Đối với những di sản nổi tiếng như Hội An và Mỹ Sơn (được UNESCO công nhận Di sản văn hóa thế giới), không hẳn mọi chuyện đều suôn sẻ. Trong đó, xét về phương cách bảo tồn bề mặt di tích, có thể nhận ra nhiều vấn đề trăn trở…

Chưa tìm được giải pháp cụ thể, có chăng chỉ là những biện pháp kỹ thuật giảm bớt hư hại qua mỗi mùa mưa nắng…, đấy là thực tế bảo tồn ở Mỹ Sơn và Hội An. Nhưng không vì thế mà 2 di sản đã được định danh trên bản đồ văn hóa và du lịch này “chịu” để cho thời gian bào mòn. Nhiều sản phẩm du lịch nhằm làm mới mình đã được thể nghiệm. Chiến lược lồng ghép văn hóa và du lịch cũng được công bố, như một sự chuẩn bị cho giai đoạn chuyển mình của 2 di sản được UNESCO công nhận. Trong đó, các nhà đầu tư du lịch hướng tới việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản song song với việc xây dựng các sản phẩm du lịch, tổ chức các sự kiện nhằm nâng tầm di sản.

alt
Hội An ngập lụt .                      Ảnh: HUỲNH HÀ

Thế nhưng, cần nhìn nhận một thực tế đáng lo ngại: cả 2 di sản văn hóa thế giới đang ở trong tình trạng báo động về chất lượng dịch vụ cũng như cảnh quan môi trường. Với Mỹ Sơn, đó là sự khó khăn về đường sá, thiếu đầu tư quảng bá cũng như nghèo nàn về sản phẩm du lịch và dịch vụ. Báo Quảng Nam đã từng phản ánh những ý kiến của đại diện các công ty lữ hành du lịch trong buổi họp góp ý với UNESCO về di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn. Rất nhiều kinh phí cũng như dự án được đưa về đây, nhưng dường như khu di tích Chăm này sớm “im ắng” sau khi kết thúc chương trình lễ hội quy mô nào đó. Bà Maggic Zolese, du khách Úc, chia sẻ: “Tôi đến Mỹ Sơn lần đầu tiên vào năm 2006 và được chứng kiến chương trình nghệ thuật “Đêm Mỹ Sơn huyền ảo” ngay tại khu di tích này. Năm nay trở lại, thấy Mỹ Sơn trở nên hoang tàn, không phải bởi di tích mà chính là cảnh quan nơi đây. Mỹ Sơn rất đẹp và nền văn hóa nó đang ẩn chứa vẫn còn nhiều điều kỳ thú. Tại sao lại không khơi dậy?”.

Còn nhớ, từ năm học 2004-2005, huyện Duy Xuyên đưa chương trình giáo dục về Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn vào trường học. Kết quả lớn nhất của chương trình giáo dục này là định hướng cho thế hệ tương lai có cái nhìn đúng đắn về giá trị lịch sử, văn hóa của Mỹ Sơn. Ngoài ra, đây còn là cách tốt nhất để cộng đồng cùng bảo vệ di sản. Trong thời gian đó, khi đến Mỹ Sơn, du khách sẽ dễ dàng bắt gặp từng đoàn học sinh trở thành những hướng dẫn viên “bản địa chuyên nghiệp”. Thế nhưng vài năm trở lại đây, các đoàn học sinh địa phương đến đây ngày càng vắng, dù kinh phí trùng tu khu di tích Mỹ Sơn đến nay đã lên khoảng hàng trăm tỷ đồng.

alt
Mỹ Sơn vắng vẻ.            Ảnh: HUỲNH HÀ

Trong năm 2011, thành phố Hội An có cả trăm di tích xuống cấp trầm trọng cần được trùng tu khẩn cấp. Ông Nguyễn Đức Minh - Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An - cho biết, trong số 103 di tích xuống cấp thì hết 65 di tích phải di dời người và tài sản cục bộ khi có bão lũ, 38 di tích còn lại cần phải di dời hẳn vì có nguy cơ sập đổ. Cũng theo ông Minh, những di tích này nếu không sớm được trùng tu sẽ có nguy cơ trở thành phế tích. Mùa mưa năm nay, khu phố cổ lại bị ngập. Rất có thể đây sẽ trở thành thời điểm du lịch “lạ” của nhiều du khách, nhưng việc bảo tồn các căn nhà cổ trong thời điểm này lại trở nên rất khó khăn đối với địa phương. 

Thời gian gần đây, cảnh quan môi trường của Hội An cũng là vấn đề gây khó chịu không ít cho du khách. Ngay trong lễ hội văn hóa Việt – Nhật vừa diễn ra vào trung tuần tháng 8, không ít người khi tham gia thả hoa đăng cầu nguyện cho nạn nhân Nhật Bản phải… lấy tay che mũi vì mùi khó chịu bốc lên từ lạch nước chảy dưới chân Chùa Cầu. Từ năm 2000, thành phố đã triển khai thi công dự án đầu tư tu bổ, tôn tạo di tích Chùa Cầu, trong đó có các hạng mục nhằm điều hòa và duy trì dòng chảy qua đây. Thế nhưng đến nay, sau gần 11 năm, hệ thống kênh mương này vẫn không thể giảm bớt ô nhiễm khiến du khách đã phải lắc đầu ngao ngán khi dừng chân lâu tại đây…

Những nỗ lực để xứng với danh hiệu Di sản văn hóa thế giới của Hội An và Mỹ Sơn đã được công nhận, song vẫn còn đó khá nhiều vấn đề về bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật tiềm ẩn. Điều này đang thôi thúc ý thức của mỗi người dân vùng di sản. Huy động cộng đồng cùng “ứng xử” trân trọng với mỗi di tích, sẽ là thành công của công tác bảo tồn và phát huy các giá trị của hai di sản.

Tác giả bài viết: LÊ PHAN - AN BÀNG

Nguồn tin: www.zing.vn


 

Tổng số điểm của bài viết là: 15 trong 3 đánh giá
Xếp hạng: 5 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật