//

Độc đáo tượng gốc tre

Thứ bảy - 07/01/2012 15:31

Đến với Hội An (Quảng Nam), du khách được mục kích tận mắt những nghề thủ công nổi tiếng.

Đến với Hội An (Quảng Nam), du khách được mục kích tận mắt những nghề thủ công nổi tiếng và đặc trưng như nghề làm đèn lồng với những sắc màu truyền thống hoặc về làng gốm Thanh Hà xem người dân làm gốm bằng đất nung với bàn xoay truyền thống hay xem các nghệ nhân làng mộc Kim Bồng điêu khắc những tác phẩm đặc sắc từ gỗ. Đặc biệt, thời gian gần đây, phố cổ trở nên sinh động hơn bởi hàng ngàn tác phẩm điêu khắc từ gốc tre rất ấn tượng, độc đáo của nghệ nhân Huỳnh Phương Đỏ.
Anh Đỏ đang tạc tượng gốc tre.

 

Ba tác phẩm "Phước Lộc Thọ".
Trong "kho tàng nghệ thuật dân gian" của anh Đỏ đã lên đến 200 tác phẩm tượng gốc tre. Đó là các tác phẩm như: chư vị Thập bát La hán, Quan Văn Trường, Trương Phi, Phước Lộc Thọ, Thập bát la hán, Đạt Ma tổ sư, Hải Thượng Lãng Ông, Bùi Giáng… với những kiểu dáng khác nhau.

Anh Đỏ cho hay, nhà anh trú ở Tổ 8, khối Tân Thịnh, P. Cẩm An (TP Hội An). Cách đây khoảng 5 năm, tình cờ sau một cơn lụt lớn, nước từ thượng nguồn sông Thu Bồn đổ về, mang theo những gốc tre tấp vào bến sông Hoài trước nhà anh. Nhìn những gốc tre có vẻ ngồ ngộ, vốn là thợ điêu khắc gỗ, theo học nghề với những bậc cao niên, danh tiếng trong làng mộc Kim Bồng từ năm 15 tuổi, với những nét đục đẽo đơn sơ, anh Đỏ dễ dàng biến những gốc tre bỏ đi ấy thành những tác phẩm nghệ thuật độc đáo, được du khách trong và ngoài nước đánh giá cao. Thời gian qua, đã có nhiều đoàn khách, trong nước và nước ngoài đến tham quan, mua về lưu niệm. Thậm chí có người còn thuê anh tạc tượng họ bằng gốc tre. Mọi người đều tỏ ra thích thú, ấn tượng trước những tác phẩm tinh xảo này.

Nguồn nguyên liệu để sáng tác tượng gốc tre cũng dễ tìm vì thời gian qua, do chỉnh trang đô thị, di dời giải toả, có gia đình cho anh đào hoặc bán với giá 10.000 đồng/gốc. Những chỗ khó thì thuê máy ủi,  máy đào can thiệp. Mang về, cẩn thận lấy đất  ra  bằng cách dùng máy bơm nước xịt thật mạnh để phần rễ không bị hư hỏng. Sau đó dùng cưa, đục tách ra từng gốc, rửa sạch, để khô. Lúc rảnh rỗi, ngắm nghía, so đo từng gốc tre mà suy nghĩ, cân nhắc gốc này có rễ dài nên khắc ra sao?  gốc kia có rễ ngắn nên khắc thế nào... Người xem rất ấn tượng bởi những tượng gốc tre có đủ cả tóc, râu, thậm chí cả lông mày... Không có bức tượng nào giống nhau do hình dáng các gốc tre khác nhau. Tuy nhiên, thần thái nhân vật được tạc tượng luôn được thể hiện nhất quán.
Không những có năng khiếu giỏi về điêu khắc, anh Đỏ đạt Huy chương vàng giải cờ tướng truyền thống "Gia đình chính sách" TP. Hội An. Ngoài ra, anh còn có tấm lòng từ thiện. Những năm qua, anh đã dạy nghề miễn phí cho khoảng 70 thanh niên. Vừa qua, một khách sạn lớn ở TP. Hồ Chí Minh đã vào Hội An đặt anh làm 4 con rồng bằng gốc tre, mỗi con dài 25 mét với số tiền 100 triệu đồng.
 
Anh Đỏ đang giới thiệu một tác phẩm bằng gốc tre.
Anh Đỏ đang rửa gốc tre. ẢnhT.S

Anh Đỏ cho hay, cứ mỗi ngày cơ sở anh sản xuất ra khoảng 10 tác phẩm tượng gốc tre. Hiện nay, ở Hội An, cơ sở anh  sản xuất 80% tác phẩm từ gốc tre. Trung bình mỗi tháng, anh bán từ 300 - 400 sản phẩm. Gíá cả tuỳ độ tinh xảo của từng tác phẩm, trung bình từ 150.000 đồng đến 250.000 đồng/sản phẩm. Tượng gốc tre của anh đã theo chân khách du lịch quốc tế về các nước Âu Tây, góp phần làm phong phú sản phẩm du lịch, thu hút khách đến phố cổ Hội An.  Trong "kho tàng nghệ thuật dân gian" của anh Đỏ đã lên đến 200 tác phẩm tượng gốc tre. Đó là các tác phẩm như: Chư vị Thập bát La hán, Quan Vân Trường, Trương Phi, Phước Lộc Thọ, Thập bát La hán, Đạt Ma tổ sư, Hải Thượng Lãn Ông, Bùi Giáng... với những kiểu dáng khác nhau.

Tác giả bài viết: Tùng Sơn

Nguồn tin: VietnamNet


 

 Từ khóa: bát la, khác nhau, khách
Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá
Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật