MUỐN về Trà Quế trồng rau/ Sợ e gánh nước hai gàu không quen. Câu ca tuy bình dị gần gũi nhưng thật sâu sắc đủ đầy. Rau sống Trà Quế từ lâu đã nổi tiếng trong Nam ngoài Bắc nhưng những người thưởng thức rau sống Trà Quế lại chưa thấu hiểu hết nỗi cực nhọc, gian truân của người trồng rau ở đây.
|
Du khách tham gia chế biến tôm hữu – món ăn truyền thống của làng rau. Ảnh: M.H |
Làng rau Trà Quế dường như nằm cách biệt với vùng nội ô TP. Hội An. Đất Trà Quế không rộng, người không đông. Khu dân cư này được bao bọc bởi đoạn cuối con sông Đế Võng, có đầm Trong và đầm Ngoài là 2 nguồn dự trữ nước cần thiết vào mùa nắng nóng. Người dân làng rau Trà Quế kể, những năm trước đây khi điện thắp sáng chưa về tới nơi này, dù phải lam lũ sớm khuya để gánh hàng trăm đôi nước tưới cho một sào rau, người dân Trà Quế vẫn lạc quan bảo rằng “cát trắng và nước ngầm đã nuôi sống chúng tôi!”. Còn bây giờ khi điện đã về đến từng nhà, sáng rực ngõ xóm đường quê thì công việc chăm bón hàng ngày của họ có phần thư thả hơn. Đôi vai gân guốc chịu đựng đã được giải phóng khỏi sức nặng của hàng trăm đôi gàu nước. Nhưng để có được một mùa rau bội thu, những mớ rau như ý, người dân Trà Quế cũng phải đổ không biết bao nhiêu mồ hôi, tốn không biết bao nhiêu công sức.
Tưới rau cũng lắm công phu, khi tưới phải rây đều đặn, nhịp nhàng, vừa phải. Nhẹ tay, yếu nước thì không đủ thấm nuôi rau. Mạnh tay, nặng nước thì cát xói, gốc trốc, ngọn bay… Những năm gần đây, mặc dù người dân Trà Quế đã phát triển mạnh nghề chăn nuôi, tận dụng thêm nguồn phân chuồng để bón thúc nuôi rau nhưng nguồn phân tại chỗ vẫn chẳng thấm tháp vào đâu. Người trồng rau Trà Quế cho biết, vì nhu cầu phân bón rất lớn nên họ phải lặn lội tìm mua thêm phân chuồng tận những nơi xa xôi như Duy Vinh, Duy Nghĩa (huyện Duy Xuyên), Điện Dương, Điện Nam (huyện Điện Bàn)… và rong ruổi đến vùng cuối hạ lưu sông Thu Bồn để vớt rong làm bổi bón lót cho rau. Còn việc sử dụng các loại phân hóa học và thuốc trừ sâu là việc rất hãn hữu và dường như không phù hợp với tập quán sản xuất ở nơi này. Họ lý giải đơn giản rằng như thế cây rau sẽ không thơm. Có lẽ vì thế người dân phố Hội hoàn toàn yên tâm khi ăn rau sống Trà Quế. Và thực tế nhiều năm qua, rau Trà Quế đã khẳng định được chỗ đứng trên thị trường, tạo được niềm tin cho du khách.
Thật thú vị và ngon miệng biết bao khi trong bữa ăn hằng ngày của gia đình, nhất là trong ba ngày tết có được dĩa rau sống tươi xanh, sạch sẽ và thơm ngon mang về từ làng rau Trà Quế. Thử hình dung, nếu trong những tô cao lầu, mỳ Quảng, phở… những món ăn quen thuộc của người Hội An, những món đặc sản ở phố cổ mà không có những cọng quế thơm, giá trắng, xà lách, hành hương… thì còn gì là hương vị quê nhà. Không như rau sống ở các nơi khác, rau sống Trà Quế vừa đa dạng vừa bảo đảm chất lượng. Một dĩa rau cũng có đủ é, hẹ, hành, cải, quế, húng, rau thơm, tần ô, bắp chuối…
Nhìn vào dĩa rau sống Trà Quế dễ dàng bắt gặp bên những lá rau răm màu xanh tía là những lá xà lách mỏng, xanh non xen lẫn những cọng giá trắng đục, vài sợi bắp chuối loăn xoăn tim tím… quyện hòa vào nhau. Về hình khối, có thể thấy hình đồng tiền của lá rau má, na ná hình thoi của rau răm, rau quế, hình que của lá hành, lá hẹ... Tất cả khối hình, sắc màu ấy góp phần thu hút, kích thích khẩu vị người thưởng thức. Song quan trọng nhất vẫn là hương thơm của rau sống Trà Quế. Ăn rau Trà Quế rất dễ nhận ra vị đắng của rau đắng, vị cay nồng của hành hương, hành ca - rô, vị cay the của rau răm, rau quế, vị ngọt của giá đậu các loại… Du khách và những thương gia chuyên kinh doanh rau còn công nhận rau sống Trà Quế có hương vị khá đặc trưng, không lẫn vào đâu được. Còn người dân làng rau thì tự hào nói rằng đó là cái phước của tổ tiên, ông bà để lại! Điều ấy luôn được mọi người nhắc đến trong mỗi dịp giỗ đất đai, làm lễ cầu mùa tổ chức vào mùng 7 tháng giêng hằng năm. Và cứ mỗi lần nhắc đến là thêm một lần họ khắc sâu niềm tin cho lớp cháu con lớn lên từ vùng cát này…