//

Nông dân làm giàu từ du lịch

Thứ sáu - 04/11/2011 10:09

Nhiều nông dân ở TP. Hội An đã mạnh dạn đầu tư những mô hình kinh tế phục vụ dịch vụ - du lịch, đem lại hiệu quả cao.

Trong 2 năm 2009 - 2011, TP. Hội An có gần 3.000 hộ nông dân đạt danh hiệu Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, chiếm 27% so với tổng số hộ nông dân toàn thành phố. Nhiều nhà nông đã biết gắn sản xuất với du lịch dịch vụ để làm giàu. Là ngành kinh tế phụ nhưng giá trị sản xuất nông - ngư nghiệp đạt khoảng 535 tỷ đồng/năm, chiếm hơn 15% GDP toàn thành phố. Ông Phan Văn Liêu - Chủ tịch Hội Nông dân TP. Hội An cho biết: “Bám định hướng phát triển kinh tế của đảng bộ và chính quyền, các cấp Hội Nông dân thành phố hướng dẫn cán bộ, hội viên tổ chức các hoạt động sản xuất dựa vào thế mạnh của kinh tế du lịch, theo xu thế ngành nông nghiệp đô thị, tăng nhanh giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích...”.

alt
Lưới, thuyền... là dịch vụ trong mô hình phát triển du lịch đồng quê.

Thời gian qua, tại Hội An đã hình thành ngày càng đông một lớp nông dân tre, năng động, đầy khát vọng. Trong sản xuất hoa, cây cảnh, người dân thường xuyên áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để thâm canh, chăm bón các loại cây có giá trị kinh tế cao và chủ động du nhập các giống mới để nâng cao thu nhập. Cây cảnh, quật chậu Hội An dần khẳng định được chỗ đứng trên thị trường cả nước vào những dịp tết đến, xuân về. Những làng hoa, cây cảnh An Phong (phường Tân An), An Mỹ (phường Cẩm Châu), Trảng Kèo, Cửa Suối (xã Cẩm Hà)... bây giờ đã trở thành địa chỉ quen thuộc của những người yêu sinh vật cảnh cũng như du khách quốc tế. Bên cạnh những hộ như Nguyễn Văn Liêm (phường Thanh Hà), Mai Trinh (Tân An), Đinh Phú Châu, Võ Viết Bảo (Cẩm Châu)... thu hàng trăm triệu đến cả tỷ đồng từ tiền bán hoa, cây cảnh hằng năm, còn nổi lên nhiều hộ tăng thu “đột biến” nhờ trồng hoa trái vụ, phục vụ nhanh nhạy nhu cầu tiêu thụ trong và ngoài thành phố. “Cúc vàng, vạn thọ... là các loại hoa trái vụ thường bán rất chạy trong các dịp rằm, mồng một và phục vụ trang trí trong các nhà hàng, khách sạn, được vợ chồng chúng tôi mua giống tận Đà Lạt. Nhờ đảm bảo chất lượng nên giá bán hoa đạt cao hơn so với nhiều hộ khác” - anh Bùi Ngọc, một nông dân trồng hoa, cây cảnh ở Cẩm Hà nói.

Trong sản xuất tiểu thủ công nghiệp, nông dân các làng nghề truyền thống tiếp tục phát huy khả năng sáng tạo, cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm phục vụ du lịch. Các sản phẩm mộc Kim Bồng, gốm Thanh Hà, đèn lồng, túi xách, giày da Phố Hội... tiếp tục phát triển, dần khẳng định được thương hiệu. Cùng với ông Huỳnh Sướng (xã Cẩm Kim), Nguyễn Ngọc Châu, Nguyễn Thị Thúy Phượng (phường Cẩm Nam), Trần Hà, Nguyễn Đức Thành (Cẩm Châu)... phải nói đến Lê Quốc Tuấn (khối 6, phường Thanh Hà). Sinh ra và lớn lên tại làng gốm truyền thống danh tiếng, Tuấn mang cả tình yêu của “đất và lửa” thổi hồn vào các sản phẩm quê nhà. Các loại mặt nạ, phù điêu, tượng, hộp đèn trang trí... các công trình dân dụng hay nghỉ dưỡng du lịch, các mẫu quà lưu niệm do Tuấn chế tác được rất nhiều khách hàng ưa chuộng, đặt mua với số lượng lớn. “Cùng với các nghệ nhân và bà con trong làng, Lê Quốc Tuấn đã đóng góp một phần không nhỏ để “giữ lửa” nghề cho quê hương. Với niềm say mê và sự sáng tạo nhiều năm qua, Tuấn xứng đáng là nông dân sản xuất giỏi tiêu biểu của Hội An thời hội nhập, phát triển du lịch” - ông Phan Văn Liêu, Chủ tịch Hội Nông dân TP. Hội An nhận xét.

alt
Du khách thích thú khi cùng nông dân thu hoạch lúa.                            Ảnh: Đ.H

Cũng có thể kể thêm gương nông dân trẻ Lê Công Thắng với nghề làm tre, tranh dừa truyền thống ở thôn 3, xã Cẩm Thanh. Nhờ có nguồn vốn từ chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, anh Thắng đã mạnh dạn đầu tư vừa mở mang sản xuất vừa dạy nghề cho các lao động trẻ của địa phương. Với phương châm vừa học vừa làm, lấy thực hành làm thước đo hiệu quả, chỉ trong một thời gian ngắn anh Thắng đã đào tạo thạo việc cho 20 lao động, doanh thu sản xuất mỗi năm  của cơ sở đạt hơn 500 triệu đồng, riêng anh thu nhập hơn 150 triệu đồng. Hơn thế, Thắng đang góp phần nhỏ bé của mình làm sống lại một loại nghề đặc thù ở vùng du lịch sinh thái Cẩm Thanh.

Về với nông thôn, với những vùng ngoại ô như Trà Quế (Cẩm Hà), Thanh Nam, Hà Trung (Cẩm Nam), Thượng Phước (Cẩm Kim), rừng dừa Cẩm Thanh hôm nay... rất dễ nhận thấy những đổi thay, chuyển biến của lớp nông dân mới phố Hội. Họ đang trở thành những nhà nông làm du lịch với nhiều dịch vụ phong phú, đa dạng. Chiếc thuyền, vườn cây, ao cá... đối với họ không chỉ là nơi sản xuất, chăn nuôi đơn thuần mà còn là một phần quan trọng trong mô hình phát triển các dịch vụ du lịch, làm nên sản phẩm sinh thái đồng quê.

Tác giả bài viết: ĐỖ HUẤN

Nguồn tin: www.zing.vn


 

 Từ khóa: nông dân, hoa cây, trong, thanh
Tổng số điểm của bài viết là: 20 trong 4 đánh giá
Xếp hạng: 5 - 4 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật