//

Nợ nần một gánh hàng rong

Thứ tư - 22/06/2016 21:17

Một ngày nào đó, nếu các con phố nhỏ ở Hội An không còn bóng dáng những gánh hàng rong, và tiếng rao khuya cũng im bặt, thì hẳn con phố ấy sẽ rất vô hồn…

Tháng 7.1966, nhà văn quê gốc Bình Định - Đoàn Thế Nhơn tìm đến Hội An và lấy tên phố cổ để đặt cho một tùy bút dài hơn 10.000 chữ dưới bút hiệu Tràng Thiên. Ngày đó, tác giả Tràng Thiên đã nhìn ra Hội An “như một cụ già lẩm cẩm, thui thủi một mình, ngày ngày lơ mơ nghiền ngẫm các kỷ niệm cũ và kiểm điểm các kỷ vật xưa”. Ông không nói rõ các “kỷ vật xưa” ấy gồm những thứ gì, nhưng lại nhắc chuyện một nhà văn người Bắc đến thăm Hội An lần đầu tiên đã nhận xét rằng trọn cả thành phố này là một viện bảo tàng. “Đường của nó hẹp quá, nhà của nó xưa cũ quá, mà mỗi sửa sang là động đến những di tích không ai nỡ xóa bỏ” - Tràng Thiên viết.

Đầu tháng 6 năm nay (2016), “cụ già lẩm cẩm” Hội An lại tự đánh thức mình bởi một “kỷ vật” quen thuộc: những gánh hàng rong. Ấy là khi có tin chính quyền thành phố “siết” trật tự kinh doanh. Kẻ ngoài cuộc ngơ ngác hỏi nhau thật thế không, còn người trong cuộc như ông chủ tịch thành phố thì cũng tha thiết: “Đó là linh hồn của phố cổ, chúng tôi đâu đến nỗi cực đoan dẹp sạch!”.

images1275162 2 HANG RONG hxh
Tảo tần một gánh hàng rong. Ảnh: H.X.H

1.Hồi giữa tháng 5.2016, UBND TP.Hội An phát đi bản thông báo trong đó có nội dung yêu cầu các xã phường kiểm tra quản lý tốt và “chỉ cho phép kinh doanh buôn bán trên vỉa hè, nhất là trong khu phố cổ trong khoảng thời gian đã được quy định, không phát sinh hộ kinh doanh mới”.  Sau này, ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch UBND TP.Hội An giải thích thêm với chúng tôi về “khoảng thời gian đã quy định”: buổi sáng, các vị trí bán hàng cố định kéo dài đến 9 giờ sáng, buổi chiểu từ khoảng 16 giờ cho đến 20 giờ tối. Bắt đầu từ đó, có ý kiến ra vào về chuyện Hội An “dẹp” hàng rong.

images1275163 4 HANG RONG hxh
Một thoáng quang gánh xưa ở Hội An. (chụp lại ảnh tư liệu của Trung tâm BTDSVH Hội An)

Thực ra từ 4 - 5 năm nay, Hội An hạn chế dần những xe chở hàng vào bán dọc các tuyến phố cổ. Ông Dũng đặt trong dấu ngoặc kép chữ “hàng rong” khi nói về những xe đẩy trái cây, và một vài chiếc xe như thế đã chặt chém du khách. Chỉ 4 trái chuối thôi mà đòi lấy của khách 80.000 đồng. Một ký chôm chôm cũng hét giá đến 300.000 đồng. Mà khổ, nào có phải là người dân Hội An. Họ ở đâu đó tràn về: những người bán tranh 3D, những họa sĩ ký họa dạo, những “gánh” hàng lưu niệm di động… Hiểu cho đúng nghĩa, hàng rong là phải di động. Nhưng lối “di động” của những chiếc xe đẩy chiếm ngót 2-3 mét vuông diện tích mặt đường phố vốn chật hẹp đang khiến nhiều người lo lắng. Hội An chấp nhận kinh doanh vỉa hè và tiếp tục cho bán hàng rong, dù có chỗ không phù hợp với Luật Giao thông đường bộ. Đó là cả câu chuyện mưu sinh dằng dặc của những người dân ở sâu trong kiệt, hẻm. “Nên có muốn dẹp cũng đâu có được, và thậm chí hàng rong làm nên di sản văn hóa phi vật thể cho phố cổ. Nhưng phải kiểm tra lại. Vận động bà con chỉ dừng “xe hàng” chừng 5 - 10 phút. Các tuyến phố chính cứ ê hề các loại hàng hóa vô tội vạ, lấn chiếm vỉa hè. Chớ đâu còn hình ảnh quá đẹp của gánh hàng rong xưa” - vị chủ tịch thành phố phân trần.

2.Nhà nhiếp ảnh lão thành Thái Tế Thông, chủ hiệu ảnh Vĩnh Tân danh tiếng, cũng đang rất bực mình vì chuyện hàng rong.  Ông bảo không có gánh hàng rong thì không ra phố cổ, nhưng giờ thì quá nhiều “gánh hàng đi rong” từ bên ngoài tràn vào, xô bồ và biến dạng.

images1275164 3 HANG RONG hxh
Ẩm thực đường phố luôn là trải nghiệm thú vị của du khách khi đến Hội An.Ảnh: H.X.H

Ở tuổi ngoài 80, ông lão họ Thái vẫn nhớ như in nếp sinh hoạt xưa. Lạ thay, chính những nhộn nhịp quang gánh bên ngoài vỉa hè lại có thể phác họa tính cách khoáng đạt của người dân phố cổ khuất sau cánh cửa. “Này nhé, các gánh hàng rong dừng ngay trước thềm nhà người ta, thực khách ăn uống ồn ào lắm chớ phải! Nhưng người ở phố cổ tốt lắm, họ vẫn để nguyên cho bán”. Tất nhiên là ông nhắc chuyện của nửa thế kỷ trước. Thì gánh bún bà Dần vẫn thường đặt ngay trước nhà ông đó thôi, chỗ số nhà 75 Nguyễn Thái Học bây giờ. Gánh chè đậu ván của bà Mai cũng cách không xa, cùng với mấy rổ bánh đập. Thực khách là dân lao động ít tiền thì quen ăn ở gánh bún bà Dần. Giới nhà giàu chỉ ghiền bún bà Chỉ ở dưới Sơn Phong…

Trong di sản đồ sộ của người vào nghề từ năm 17 tuổi như Thái Tế Thông, đôi khi bắt gặp những góc ảnh đời thường mà chính tác giả khi xem lại cũng xúc động. Đoạn vỉa hè nào, bà bán hàng rong nào từng ngồi đó rồi lọt vào ống kính của mình, giờ ông có thể kể vanh vách. Bức “Đậu bắp hầm”, “Mì Quảng”, “Hàng xén”, “Hàng thịt”… ông chụp từ năm 1950 hay loáng thoáng gánh hàng rong qua bức ảnh đường Trần Phú, đường Nguyễn Thái Học cách đây ngót 60 năm đã trở thành một phần ký ức của phố cổ. Còn đó bà cụ bán mì Quảng với nụ cười hiền lành, bà già ngồi chăm chú quạt than nướng bánh tráng, hay người khác đăm chiêu bên mẹt thuốc lá… Những bức ảnh đen trắng này vừa được đặt cạnh tác phẩm của Jochen Voigt (Đức), Akimi (Nhật Bản) trong cuốn Hội An – Last moments (Hội An ngày ấy) như một đối sánh thú vị về độ lùi thời gian và sự lóe sáng của khoảnh khắc.

Chúng tôi gọi hỏi thêm ông Thái Tế Thông lần nữa về bức ảnh chụp trước Hội quán Ngũ Bang trong bộ sưu tập của Vĩnh Tân. Chỉ vì để thỏa trí tò mò về hình ảnh cô gái thong thả gánh hàng rong đi dọc mép đường Hoàng Văn Thụ, sau lưng là cổng hội quán (thuộc đường Trần Phú). Hóa ra bức này do một người Pháp chụp. Năm 1960, có 3 người Pháp mang cuốn tạp chí có in bức ảnh đến Hội An dò tìm. “Họ đến Hội quán Phúc Kiến, mời ba tôi xuống để nhờ chỉ giúp “ngôi chùa có 2 cánh cổng bằng vàng”. Lật cuốn tạp chí ra nhìn, ba tôi biết ngay đó là Hội quán Ngũ Bang. Ông rất thích, nhưng xin mãi không được, liền nhắn tôi mang gấp máy ảnh xuống để chụp lại làm tư liệu. Cuốn tạp chí đó in năm 1904, nên tôi đoán bức ảnh được chụp khoảng năm 1900” - ông Thái Tế Thông kể.

3.Gánh hàng rong, có thể chỉ là “chuyện nhỏ” ở các đô thị lớn, nhưng giữa lòng di sản thế giới như Hội An lại khiến rất nhiều người bận tâm. Gánh cốm làng Vòng từng đi vào trang viết của Vũ Bằng đó thôi, khi ông ngồi viết “Món ngon Hà Nội” mà lẩn thẩn tự hỏi: “Có ai, một buổi sáng mùa thu, ngồi nhìn ra đường phố, thấy những cô gái làng Vòng gánh cốm đi bán mà không nghe thấy lòng rộn rã yêu thương?”. Tương tự, lần nào đến Hội An, chúng tôi cũng bị hút vào góc ảnh bình dị tảo tần ấy. Tản bộ qua các con phố, thi thoảng lại nhìn thấy quang gánh chợt hiện ra đâu đó ở góc đường. Một cảm giác đối nghịch giữa cái nhỏ bé nghèo nàn với sự sầm uất vang bóng. Dường như giữa phận người và đời phố đang nợ nần nhau. Nhưng không, tất cả đang dựa vào nhau để vẽ linh hồn cho phố và làm nên thanh âm da diết của tiếng rao khuya.

Ông Nguyễn Sự, nguyên Bí thư Thành ủy Hội An, trong những năm tại vị đã nhiều lần nói với chúng tôi rằng vỉa hè phố cổ là nơi chốn dành sẵn cho quang gánh. Có thể đâu đó nổi lên “phong trào” dẹp vỉa hè, nhưng Hội An thì không thể. Những người Hội An yêu quý phố như ông muốn mãi mãi nhìn thấy những gánh xí mà, chè đậu ván, mì Quảng chậm rãi men theo hè phố, hễ nghe gọi thì dừng lại bán. Còn gì bình yên hơn... Để rồi mới hôm qua, ông Sự lại gọi điện thoại cho chúng tôi thật sớm để trải lòng về gánh hàng rong phố cổ đang trở thành đề tài mới trên một vài trang báo. Ông bảo, đại loại có gánh hàng rong trở thành di sản, trở thành một kiểu dáng để ngắm nhìn. Nhưng cũng có những “gánh” làm nhếch nhác đô thị… Dung hòa cho được câu chuyện mưu sinh nóng bỏng với nét văn hóa cố hữu đang là lời thách đố cho chính những người con của phố và của những người yêu phố.

Theo thời gian, Hội An không thể từ chối tuổi tác và vóc dáng của “cụ già lẩm cẩm” như cách gọi của nhà văn Tràng Thiên. Cũng theo thời gian, phố cổ tự biết mình nên giữ lại những kỷ vật gì cho riêng mình trong đống hành trang ngày một ngồn ngộn. Và còn gì tha thiết hơn một gánh hàng rong…

HỨA XUYÊN HUỲNH

Nguồn tin: baoquangnam.vn


 

 Từ khóa: bóng dáng, im bặt
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn