Sân khấu hát tuồng đơn sơ ở một khoảnh sân nhỏ.
Chữ “duyên”
Bà Hồ Thị Ánh Hoa, 53 tuổi, vốn là người gốc Đà Nẵng. Cái duyên hát bội đến với bà khá sớm, từ khi lên 9, lên 10 tuổi. Sở dĩ sớm như vậy là vì bà may mắn được sinh ra trong gia đình có mẹ là nghệ sĩ hát bội, thuộc lớp nghệ sĩ những năm 60. Gia đình hết thảy 9 người con, một mình bà Hoa nối gót mẹ theo nghề. Bà kể: “Tôi học hát bội không có được đào tạo qua trường lớp nào cả, chủ yếu là đi theo những nghệ sĩ tên tuổi, rồi nghe, rồi “học lỏm” hát theo. Hồi đó có thầy Bốn Hảo ở Nha Trang ra, bày cho chút ít, cũng lấy làm sung sướng”.
Chữ “duyên” đến với bà Hoa một lần nữa khi bà gặp và kết hôn với ông Lê Phú Hải. Ông Hải là người con của đất Hội An, từng đi bộ đội năm 1967, tham gia Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam và được đứng vào hàng ngũ đảng viên. Và thật trùng hợp, ông Hải cũng được sinh ra trong gia đình có truyền thống và niềm đam mê với ngành sân khấu cổ truyền của dân tộc. Ông cũng mê hát, mê diễn trên sân khấu tuồng từ nhỏ. Hai con người chung niềm đam mê gặp nhau, bà Hoa theo chồng về Hội An và cùng ông lập nên CLB tuồng Hội An. CLB lúc mới thành lập có hơn 10 người, nhưng đến nay vì điều kiện khó khăn, vài người đã bỏ nghề, chỉ còn lại 8. Họ đến từ nhiều nơi, thuộc nhiều lứa tuổi khác nhau, có người nay đã 70 tuổi vẫn còn giữ trọn lửa đam mê với nghề. Bà Hoa chia sẻ: “Khi hai vợ chồng tôi mới về Hội An, ông Võ Phùng (Giám đốc Trung tâm văn hóa – thể thao Hội An) chỉ mời diễn vào đêm 14 âm lịch hằng tháng. Sau này, để giới thiệu loại hình nghệ thuật này đến đông đảo du khách hơn, mới đổi thành các tối thứ bảy”.
Hát bội ở phố đi bộ là một hình thức lạ, khi mang nghệ thuật tuồng cổ ra biểu diễn giữa phố cổ Hội An. Sân khấu chỉ đơn giản là một khoảnh sân nhỏ ngay trước Văn phòng hướng dẫn tham quan, tại số 106-Bạch Đằng, bên chân chùa Cầu lấp lánh ánh điện. Một lá cờ ngành lớn treo ở giữa, một dàn âm thanh nhỏ gọn, một trống chầu, một đờn cò... Không có thảm đỏ, không có màn nhung, chỉ có những vở tuồng nổi tiếng được biểu diễn bằng tất cả tâm huyết và lòng yêu nghề. Mọi khó khăn về vật chất: sân khấu, cảnh trí, phục trang... đều là những người đi hát tự lo toan. Bởi với thù lao cộng tác viên cho Trung tâm văn hóa là 200 ngàn đồng/người một đêm diễn, không thể nào trang trải được. Với những phục trang biểu diễn, đội tuồng chỉ đặt may áo quần, còn phần kết cườm, làm họa tiết, một tay các thành viên nữ đảm đương, để tiết kiệm chi phí cho CLB. Bà Hoa, ông Hải, hay bất cứ ai là thành viên của CLB tuồng Hội An, đều phải làm nghề tay trái, bởi hát tuồng không đủ để nuôi sống gia đình. Thế nhưng khi trả lời cho câu hỏi vì sao vẫn không bỏ ngành hát bội, họ đều đáp lại ngay: “Đó là nhờ vào tình yêu”.
Bà Hồ Thị Ánh Hoa cùng con gái chuẩn bị phục trang trước giờ diễn.
Vực dậy nghệ thuật tuồng cổ
Theo giáo sư Hoàng Châu Ký, một nhà hoạt động văn hóa, nhà nghiên cứu sân khấu dân gian, một cây đại thụ tuồng cổ Việt Nam, hát tuồng là loại hình nghệ thuật mặn mà, mang tính nhân nghĩa, đạo đức làm người. Tuồng lấy chính nghĩa chống tà gian, lấy trí nhân thay cường bạo. Hiểu được điều đó một cách sâu sắc, ông Lê Phú Hải luôn ấp ủ trong lòng một niềm hy vọng cho thế hệ tiếp nối sau này. Ông Lê Phú Hải nói: “Kỳ lạ lắm, cả một bối cảnh xã hội rộng lớn được thu lại trên sân khấu nhỏ hẹp. Chế độ phong kiến phơi bày trên sân khấu, bọn quan tham hà hiếp nhân dân... Vì thế mà ngày mới ra đời, tuồng cổ cũng gặp không ít trở ngại. Nhưng đến nay, việc gìn giữ và bảo tồn tuồng cổ cũng đang là một vấn đề đáng lưu tâm”.
Nỗi trăn trở của ông Lê Phú Hải quả đúng là nỗi lo của toàn xã hội, khi mà giữ cho được bộ môn hát tuồng đã khó, đưa nó đến gần với con người càng khó hơn. Khán giả xem hát tuồng ở Hội An có người vì am hiểu, thích thú, có người lại vì tò mò, lạ mắt. Nhưng dường như, không ai nán lại xem hết một trích đoạn, dù chỉ một tiếng đồng hồ. Với mong ước vực dậy bộ môn nghệ thuật của cha ông, vợ chồng ông Hải đã bắt đầu từ việc truyền lại cho cô con gái Lê Hồ Hoàng Yến, đang là học sinh lớp 7. Bé Yến với sự chỉ dạy của cha mẹ, cùng với đam mê có sẵn trong người, đã đi hát được một năm nay. Em chia sẻ: “Vì em mê nên em thấy hát tuồng cũng dễ học. Theo ba mẹ đi diễn hoài, thành quen”.
Một tín hiệu đáng mừng nữa, theo ông Võ Phùng (Giám đốc Trung tâm văn hóa – thể thao Hội An), hiện nay Trung tâm dự kiến tiếp quản quỹ Giáo sư Hoàng Châu Ký, với số tiền khoảng 300 triệu đồng, để mở một lớp học hát tuồng cho trẻ em ở Hội An. Hai vợ chồng ông Lê Phú Hải sẽ chịu trách nhiệm đứng lớp giảng dạy. Đây là một hoạt động ý nghĩa, vừa thực hiện được ước mơ dạy trẻ em Hội An hát tuồng của ông Hải, vừa bảo tồn được nghệ thuật tuồng cổ dân gian. Đến thời điểm này, kế hoạch mở lớp gần như đã hoàn tất, đã có giáo trình giảng dạy, công tác tuyển sinh đang tiến hành, chỉ còn chờ quyết định cụ thể về việc chọn địa điểm và thời gian.
Trong bối cảnh xã hội mỗi ngày một hiện đại, vẫn còn rất nhiều những con người dành niềm đam mê và tâm huyết với giá trị truyền thống. Vợ chồng ông Lê Phú Hải và bà Hồ Thị Ánh Hoa vẫn mỗi ngày mong mỏi được truyền lại, lưu giữ và bảo tồn ngành nghệ thuật cổ cho thế hệ mai sau. Chính bởi vì lẽ đó, thiết nghĩ, rất cần một sự lưu ý, quan tâm, tạo điều kiện từ các cơ quan, ban, ngành tại thành phố Hội An dành cho những người đang sống chết với nghề hát tuồng, đặc biệt là những người lớn tuổi, để như ông Lê Phú Hải tâm sự: “Sau này, khi không còn được đứng trên sân khấu, không còn hát được nữa thì vẫn còn chút tình lưu lại với đời”!
Phương Dung
Nguồn tin: www.cadn.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn