Ông Lê Khuê hiện tại. Ảnh: SONG ANH |
Tôi ngồi lặng nghe ông ve vuốt từng thể điệu cũ. Dưới kia, phố xá một ngày thật hiền. Không có bóng dáng của đông đúc, ồn ào. Chỉ có nắng nhảy nhót trên những mái ngói nhuốm màu cũ kỹ. Và ông, người chơi vĩ cầm nghiêm cẩn, lớp người già đi cùng nhiều chặng đường phố thị, lặng lẽ trong nỗi cô đơn của mình. Thầy Lê Khuê – cách một lớp người có tuổi phố Hội gọi ông, như một vệt nắng xưa ân cần gieo rắc vào lòng người những hoài cảm buồn… Một nỗi buồn trong suốt của người nghệ sĩ già đi qua bao thăng trầm cuộc đời.
1. Căn gác nhỏ. Đủ để một bầy chim sẻ trong buổi chiều nhạt nắng sà vào ríu rít. Hay đủ, để những sớm mai sương giăng ân cần ẩm ướt một khoảnh dạ lý đã trút hương vào đêm qua. Đôi khi, trong những nghiêng ngó xa xăm, người đàn ông tóc đã sương trắng cứ hư hư thực thực lạc lõng mình giữa miền quá khứ và đau đáu thường nhật. Những lúc ấy, lại nhớ về từng bóng dáng đã cùng mình đi con đường huyền ảo của âm nhạc. “Có những sáng nghe lá thu rơi âm thầm trên mái ngói âm dương mỏi mòn thiên cổ, mơ mơ buổi học mùa đông khi trời chưa sáng. Cũng có lúc nhớ nét bàng bạc phảng phất trong những thính phòng, nơi từng rất nhiều bạn bè phiêu lưu” - ông gợi chuyện. Đời sống âm nhạc phố Hội những thập niên cũ luôn là ao ước của nhiều thế hệ người Hội An sau này. Và cụ ông Lê Khuê nói mình may mắn, khi được dự phần trong khoảng đời sống động ấy. Từ ban nhạc học trò của một ngôi trường, đến lúc dự lớp ký âm của nhạc sĩ La Hối, và tiếp tục học hành bài bản từ vị chỉ huy trưởng của dàn nhạc thính phòng quốc tế Pháp ở Nha Trang, trở về Hội An và là một thầy giáo, một nhạc công vĩ cầm. Hơn 80 năm cuộc đời mình, ông chỉ kể vắn tắt vậy. Mọi xúc cảm khác, ông để dành cho câu chuyện âm nhạc, với những ân phước mà ông nói, Chúa Trời đã dành cho mình. Đó là dầu bao nhiêu lần chia ly, loạn lạc, đứt đoạn, ông vẫn nguyên vẹn mê đắm dành cho những “phím cầm chiều”.
Nhạc công Lê Khuê khi còn trẻ. |
Cây vĩ cầm bây giờ đã ngưng cất tiếng giữa phố đông, chừng hai năm nay. Hai năm nhìn phố qua một vuông cửa, người xe nhập nhòe trong ánh mắt trầm đục. Ở căn gác nhỏ nhoi ấy, có một nhạc công vĩ cầm ngày ngày trở mình thương nhớ Cung đàn xưa. Bạn vong niên đã về Trời gần hết, hoặc đi xa đến nửa vòng Trái đất, chỉ còn ông và nhạc sĩ Hoàng Tú Mỹ trụ lại Hội An, dăm tuần vài tháng gặp nhau, để cắc cớ với nhau rằng hơi thở này liệu còn mạnh mẽ đến bao giờ? Trong hình dung người đàn ông đã từng một thời hào hoa phố thị, trên mỗi bước chân xuống phố của mình, bây giờ, đã ngừng vang những cung tơ. Vết chân chim đời thường đã kịp hằn mòn trên gương mặt hoa niên. Thoáng nét cười cũng trở nên khó nhọc. Thì biểu sao những nỗi buồn xưa nay không trở nên trong vắt lạ thường. Buồn để biết mình còn chỗ ẩn trú an toàn. Để từ tiềm thức còn nhận thấy nhiều xúc cảm thâm sâu…
Từng người một ở Cung đàn xưa rời bỏ cuộc chơi chốn nhân gian. Trước rất lâu khi Cung đàn xưa xuất hiện, Lê Khuê cùng La Gia Quảng, Võ Văn Thọ, Huỳnh Nhâm, Hoàng Tú Mỹ, Trần Thanh, Thái Xuân Đình chơi trong ban nhạc Hội An, tồn tại từ 1959 – 1963. Bức ảnh cả ban nhạc được một người Mỹ chụp lại và gửi tặng các thành viên. Và suốt quãng thời gian sau đó, mỗi sớm mai nghe tin bạn bè, là nghe cả tiếng thở dài của mình.
2. Không thể tròn vẹn với cuộc hôn nhân, Lê Khuê chọn đi một mình đã hơn 50 năm. Mà không phải vậy, ông đi cùng niềm yêu tiếng vĩ cầm. Nhìn cách ông ngồi giữa buổi hoàng hôn, nắng xiên chéo ô voan qua từng kẽ lá, không dưng lại nghĩ tới Le Petit Prince – hoàng tử nhỏ trên tinh cầu cô độc. Liệu Hoàng tử bé có kịp tìm về bên bông hoa của cậu, khi đêm lạnh lùng buông xuống, như lâu nay bạn đọc vẫn hình dung? Hay người ta lại chỉ tưởng tượng và thoạt tin bằng cái nhìn trực diện vào nụ cười và hành động lạc quan? Như người nhạc công Lê Khuê sau mỗi bận ôm violon và gẩy lên những khúc valse, tango dìu dặt, hay cả khi ông mong manh rơi vỡ với những khúc tình buồn, bằng gương mặt lặng thinh như một dòng nước, người ta tin ông sống một đời bình lặng. Một người đàn ông gom góp thu nhặt để nuôi lớn 4 người con, và vẫn dành chỗ để âm điệu vĩ cầm thăng hoa. Ông Khuê còn có cả học trò. Nhưng cuộc đời âm nhạc tài hoa không thể tìm thấy truyền nhân đủ say mê và sống chết với vĩ cầm, như cụ. Nên những tay tài tử cứ lướt qua căn gác nhỏ này, vài ba bữa, rồi biền biệt…
Ban nhạc Hội An năm 1959 - 1963. |
Lớp người phố Hội bây giờ còn nhắc chuyện ban hợp ca Tuổi thơ – ban nhạc do thầy Lê Khuê sáng lập, nhằm phát hiện và bồi dưỡng những năng khiếu âm nhạc thuở ấy. Một Ánh Tuyết, Băng Thanh, Mỹ Phương, Mỹ Hiệp… đã lớn lên từ môi trường này. Và nhắc chuyện âm nhạc của phố Hội hiện tại, hỏi đời sống văn nghệ này đang đi lên hay xuống, người chơi vĩ cầm xưa trả lời rất hay, rằng: “Lấy gì làm chuẩn mực để nói nó đi lên hay xuống. Chỉ có thể nói rằng đời sống, môi trường âm nhạc thay đổi rất nhiều, có sự khác biệt rất lớn, nhất là thẩm mỹ âm nhạc. Ngày xưa chơi vì đam mê, cố tìm mọi cách để chơi nhạc và thưởng thức âm nhạc. Giờ thì mọi thứ đã mở sẵn ra đó. Nhưng cũng vì dễ quá, sự khắt khe, nghiêm cẩn không có, nên đâm ra không có nhiều màu sắc ấn tượng”.
Sinh ra và lớn lên ở nhà cổ Tấn Ký - một di tích quá ư nổi tiếng của phố Hội, người đàn ông này vẫn chưa yên câu chuyện với tuổi tên của ngôi nhà mình. Ông vẫn mải mê nhắn nhủ với từng người một, mỗi lần nghe chuyện ông nói, rằng Tấn Ký chỉ là tên một hiệu buôn, đã nghỉ rất lâu rồi, đó phải là từ đường tộc Lê - một họ tộc lớn nhất nhì phố Hội. Nhưng biết sao được, khi người ta cần một cái tên ấn tượng cho đời sống du lịch, và dành sự quan tâm ít hơn cho bản chất văn hóa nó chứa đựng, cho xuất thân của một nơi chốn đi về.
Nắng chiều muộn mằn. Những nét trầm ngâm xô lệch gương mặt già nua. Như có chút se thắt lại khi ông cố rướn cổ để giữ lấy cây đàn. Bàn tay dẫu nhẹ tênh nhưng đã khó nhọc để kéo đàn ngân rung. Có lẽ đã cạn cùng để cô đơn và nỗi buồn tìm thấy nhau, trong thinh lặng. Và cũng từ nay, cuối phố thưa vắng dần tiếng vĩ cầm…
SONG ANH
Nguồn tin: baoquangnam.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn