Sân khấu nổi trên sông Hoài với thiết kế biểu trưng chùa Cầu được sử dụng đầy đủ “công năng” như cảnh thực đã làm đầy thêm phong vị, cảnh sắc của phố cổ. Với hiệu quả kỹ thuật ánh sáng, sân khấu vừa lung linh vừa huyền ảo như một Hội An thu nhỏ và không gian sân khấu ấy như “cộng hưởng” với các tiết mục biểu diễn khiến cho phần biểu diễn càng thêm sinh động, rực rỡ.
|
Sau phần lễ với nghi thức thượng cờ của các nước có đoàn tham dự cuộc thi, chương trình nghệ thuật mở đầu với tiết mục hợp xướng và múa Ta tự hào đi lên, Ôi Việt Nam (sáng tác nhạc Chu Minh, lời thơ Hoàng Trung Thông) với giai điệu, tiết tấu mạnh mẽ đậm chất anh hùng ca. Những ca từ “Ôi Việt Nam anh dũng những đoàn quân/Vượt lên bão táp đã trăm lần/ Mang cả bốn ngàn năm vào trận thắng/Cho Việt Nam tươi sáng mãi những mùa Xuân...” được dàn hợp xướng ngân lên thể hiện khí thế và sức mạnh của dân tộc Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử.
Phố cổ Hội An được tôn vinh liên tiếp qua hai tiết mục, một của dàn hợp xướng Việt Nam với tiết mục Chiều về Hội An và một của những nghệ sĩ múa Thụy Điển với múa Trái tim tơ lụa. Có thể thấy qua màn múa Trái tim tơ lụa một Hội An đẹp lung linh huyền ảo trong đêm rằm phố cổ được tạo nên từ hàng ngàn chiếc đèn lồng với nhiều màu sắc, kích cỡ. Biên đạo múa Pontus đã dựa trên nền âm nhạc kinh điển của J.S. Bach để sáng tạo tác phẩm múa Trái tim tơ lụa.
9 tiết mục hợp xướng lần lượt được trình diễn trong đêm khai mạc. Do do trời mưa nên đoàn hợp xướng Philippines phải “mặc áo mưa” lên sân khấu. Ấn tượng nhất ở màn kết thúc của chương trình với tiết mục đại hợp xướng có sự tham gia của hàng trăm ca sĩ từ các đoàn tham gia cuộc thi này.
Cuộc thi sẽ kết thúc và trao giải vào ngày 20/3 tới.
Nguồn tin: vovgiaothong.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn