//

Đa dạng du lịch cộng đồng Hội An

Thứ năm - 18/01/2018 21:09

Trong những năm qua, mô hình du lịch cộng đồng ở Hội An đã góp phần cải thiện sinh kế, mang lại lợi ích cho người dân. Lãnh đạo thành phố đang chủ trương đa dạng các điểm du lịch này để đẩy mạnh phát triển du lịch Hội An trong thời gian đến.

Du khách thích thú xem ngư dân lắc thúng chai khi khám phá đời sống sông nước ở rừng dừa Cẩm Thanh. Ảnh: ĐỖ HUẤN
Du khách thích thú xem ngư dân lắc thúng chai khi khám phá đời sống sông nước ở rừng dừa Cẩm Thanh. Ảnh: ĐỖ HUẤN

Người dân hưởng lợi

Hình thành sớm và tạo được sản phẩm đặc sắc là mô hình du lịch cộng đồng ở các làng nghề truyền thống như: rau Trà Quế, gốm Thanh Hà, mộc Kim Bồng. Du khách rất thích thú khi được đến những nơi này, hòa vào cuộc sống thực tại của người dân, được xới đất trồng rau, nhào đất chuốt gốm, cưa xẻ gỗ... và tìm hiểu nét đẹp văn hóa làng nghề như nếp ăn ở, truyền dạy nghề, các ngày hội lễ tổ nghề, lễ cầu mùa, cầu an... Ở Cù Lao Chàm, loại hình này bắt đầu triển khai từ năm 2009 với mô hình lưu trú cùng dân (homestay) ở Bãi Hương, đến nay đã lan rộng đến các cụm dân cư trên đảo. Hơn 3 năm qua, mô hình du lịch cộng đồng tiếp tục mở rộng đến 2 thôn Vạn Lăng và Thanh Tam Đông (xã Cẩm Thanh) với loại hình du lịch sinh thái gắn với rừng dừa nước và hệ sông lạch vùng hạ lưu Thu Bồn cùng một số khu vực khối Thanh Tây, An Mỹ, Sơn Phô 2 (phường Cẩm Châu)…

Ông Trần Ánh - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.Hội An cho biết: “Những năm gần đây, thành phố có chủ trương đẩy mạnh du lịch cộng đồng. Thay vì phát triển du lịch cao cấp như trước đây, những năm qua Hội An cho phát triển rất nhiều loại hình lưu trú trong dân, homestay rất phát triển, kể cả biệt thự du lịch ở các vùng ven”. Thời gian qua, UBND TP.Hội An và các ngành đã xây dựng nhiều chương trình, đề án, kế hoạch về phát triển cơ sở lưu trú, quản lý và khai thác tiềm năng du lịch trên địa bàn. Trên cơ sở đó, ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng du lịch cho khu vực biển - đảo - làng quê; chú trọng bảo tồn, phát huy các giá trị sinh thái - nhân văn của từng địa phương, gắn với đẩy mạnh phát triển loại hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, tạo điều kiện cho nhân dân tham gia và được hưởng lợi từ du lịch. “Trước đây, với bản chất của người nông dân, bỏ tiền ra đầu tư người ta cẩn thận suy tính từng đồng, nên vấn đề tiếp cận du lịch có bước chậm nhất định. Nhưng đến hôm nay, xác định được tiềm năng lợi thế và nguồn lợi thu nhập từ lĩnh vực du lịch, dịch vụ, thương mại, người dân đã mạnh dạn đầu tư vốn tự có và các vốn tín dụng khác để làm du lịch và một số dịch vụ khác phụ trợ cho lĩnh vực lưu trú, rồi kết hợp với nhau để tổ chức tour tuyến. Đặc biệt Cẩm Thanh đã hình thành các tổ du lịch cộng đồng để nâng cao thu nhập cho người dân” - ông Lê Thanh, Chủ tịch UBND xã Cẩm Thanh, chia sẻ.

Khơi dậy nguồn lực tại chỗ

Song song với phát triển mô hình du lịch cộng đồng, thời gian qua chính quyền TP.Hội An tập trung tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức của cộng đồng trong công tác bảo tồn tài nguyên, bởi đây là vốn quý để sinh lợi. Đồng thời tiến hành các hoạt động hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ để cộng đồng dân cư thực sự là chủ thể các hoạt động du lịch tại chỗ. Ngoài ra, chính quyền còn khuyến khích cộng đồng dân cư xây dựng mô hình lưu trú homestay và các cụm homestay, đặc biệt là ở các làng nghề, làng quê sinh thái; khuyến khích gắn kết tổ chức chương trình du lịch với các dịch vụ cộng đồng nhằm tạo việc làm, thu hút lao động và cải thiện thu nhập ngay tại cộng đồng. “Kể từ khi có chính sách, gia đình tôi đã mở homestay được 4 năm. Cuộc sống so với trước đây làm nghề biển thì được trang trải thoải mái hơn, công ăn việc làm cũng nhẹ nhàng hơn, lại có thể tạo việc làm cho lao động trong khu dân cư” - ông Trần Văn Tài, chủ một cơ sở homestay ở An Bàng nói.

Tiềm năng, thế mạnh du lịch cộng đồng ở Hội An không chỉ dừng lại như hiện tại và sức hấp dẫn còn lớn hơn khi biết khơi dậy nguồn lực tại chỗ, phát huy bản sắc. Lãnh đạo thành phố đã và đang tạo cơ chế phù hợp để hình thành thêm và đa dạng hóa các điểm du lịch cộng đồng theo đặc trưng của địa phương như: làng du lịch biển An Bàng (Cẩm An), làng nông nghiệp An Mỹ (Cẩm Châu), làng nghề sông nước Vạn Lăng, làng rau hữu cơ Thanh Đông, làng dừa nước Thanh Nhứt, Thanh Nhì (Cẩm Thanh), làng chài Bãi Hương (Tân Hiệp), làng cá Cửa Đại, làng bắp Cẩm Nam, làng vườn phố Thanh Nam Đông, Thanh Nam Tây (Cẩm Nam), làng cây cảnh An Phong (Tân An), làng hoa, quật cảnh Cẩm Hà... “Sắp tới, thành phố sẽ mở rộng những quy định để tạo điều kiện tối đa cho các chủ hộ kinh doanh cũng như doanh nghiệp đầu tư phát triển mạnh hơn nữa nhằm đem lại lợi ích cho nhiều người dân nhất” - ông Trần Ánh, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hội An nói.

Tuy vậy, để phát triển bền vững, du lịch cộng đồng ở Hội An cần gắn kết hài hòa giá trị nguồn tài nguyên nhân văn và tài nguyên văn hóa vốn dồi dào và phong phú. Đồng thời chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trình độ dân trí của cộng đồng dân cư - chủ thể hoạt động của loại hình du lịch này. Bên cạnh đó, các cấp chính quyền và ngành chức năng cần tạo ra mối liên kết, hợp tác chặt chẽ giữa các doanh nghiệp với cộng đồng dân cư trong việc giới thiệu thị trường, quảng bá sản phẩm, đào tạo nghề, hướng dẫn kỹ năng hoạt động, khắc phục tình trạng tự phát, cục bộ, chạy theo lợi nhuận mà bất chấp môi trường sinh thái và văn hóa.

ĐỖ HUẤN

Nguồn tin: baoquangnam.vn


 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn