//

Du lịch làng quê, làng nghề của Hội An

Thứ ba - 27/02/2018 08:50

Trước Tết Mậu Tuất (ngày 3/9/2017), tại khu vực sông Đình, mương Xã Tiếp và các đồng ruộng cận kề thuộc khu vực thôn Võng Nhi, xã Cẩm Thanh đã diễn ra sự kiện đêm gala dinner “Chợ ẩm thực nông nghiệp thế kỷ 19” do Công ty TNHH Emic Hospitality tổ chức với sự tham dự của hơn 60 du khách đa quốc tịch trên thế giới. Đây là lần thứ 2 sự kiện được tổ chức và đã để lại những dư vang tốt đẹp. Lần thứ nhất vào ngày 7/3/2013, sự kiện cũng diễn ra tại khu vực này với sự trải nghiệm của 100 vị khách thuộc một số công ty lữ hành trong và ngoài nước. Sự kiện diễn ra trong một không gian “sống” mang đậm nét văn hóa và kiến trúc làng quê với những phong tục cổ truyền đặc sắc của người Hội An xưa.

DLQUE1602182

Du khách trải nghiệm đời sống người dân tại làng An Mỹ (Cẩm Châu)- Ảnh: Đỗ Huấn

Một phiên chợ quê xuất hiện giữa những đồng lúa đang trổ đòng xanh và những con đường nhỏ với cầu tre gập ghềnh, rơm vàng quẩn chân người. Bốn bề ngát thơm khói rạ gợi nhớ mùa đốt đồng, quyện hoà với mùi hương lúa là lạ nao lòng. Rồi thấp thoáng bóng những nông dân làm cỏ lúa, thăm đồng, văng vẳng tiếng hò khoan, hát dân ca nghe lắng sâu, diệu vợi tạo nên bức tranh đượm hồn quê hương, dân tộc... Sự kiện đã mang lại hiệu quả tích cực trong việc quảng bá và phát huy giá trị văn hóa ẩm thực và văn hóa nông nghiệp truyền thống của người dân Hội An, nhận được sự hưởng ứng của cộng đồng địa phương cùng tham gia và hưởng lợi từ việc phát triển du lịch. Thành công của sự kiện không chỉ mang lại niềm vui cho doanh nghiệp mà cho cả cộng đồng dân cư. Ông Phan Xuân Thanh – Tổng Giám đốc Công ty Emic Hospitality nói: “Hiện nay, hỗ trợ lớn nhất cho du lịch là từ nông nghiệp, ngư nghiệp. Cho nên chúng ta làm thế nào để cố gắng giữ lại nghề của người dân vì du lịch khám phá đời sống văn hóa xã hội là du lịch quan trọng nhất”

Theo ý kiến của một số nhà nghiên cứu văn hóa, khách du lịch nhất là khách phương Tây sống ở các nước phát triển, công nghiệp hoá đã lâu đời, ít có dịp ở nông thôn, càng không có cơ hội để hiểu biết về hoạt động công nghiệp thời xa xưa nên cuộc sống nơi những làng quê, làng nghề truyền thống đã cho họ những kiến thức sống động về lịch sử văn hoá bổ ích và thú vị. Ở xứ họ, mọi hàng hoá đều được sản xuất hàng loạt với các dây chuyền máy móc nên họ có tâm lý chuộng các sản phẩm thủ công do bàn tay khéo léo của con người làm ra.

Những năm qua, thành phố chủ trương mở rộng không gian du lịch ra những làng quê, phát triển các dịch vụ du lịch ở nông thôn trên cơ sở phát huy tài nguyên văn hóa và giá trị nhân văn kết hợp khai thác tài nguyên sinh thái. Các tour du lịch sinh thái, du lịch làng nghề ở Trà Quế - Cẩm Hà, gốm Thanh Hà, mộc Kim Bồng, sông nước Cẩm Thanh, biển đảo Cù Lao Chàm, hoa cây cảnh Cẩm Châu… được đa dạng hóa với nhiều loại hình dịch vụ như: lưu trú, mua sắm, ẩm thực, trải nghiệm, khám phá… Có lẽ mới hơn hết là “Ngày hội cây quật cảnh xã Cẩm Hà” được tổ chức vào dịp giáp tết nguyên đán 3 năm gần đây. Từ thành công của 3 lần tổ chức, ông Mai Kim Phương – Chủ tịch UBND xã Cẩm Hà cho biết: “Ngày hội cây quật cảnh tổ chức ra thứ nhất là để khơi dậy giá trị truyền thống của làng hoa, cây cảnh. Thứ hai bước đầu tạo thị trường tiêu thụ ngay trên địa bàn xã Cẩm Hà. Thứ ba là tạo sản phẩm du lịch mới đối với du khách, kể cả du khách nước ngoài cũng như du khách trong nước đến tham quan giá trị làng nghề hoa, cây cảnh”

DLQUE160218

Du khách tham quan, khám phá bằng xe đạp đến làng rau Trà Quế- Ảnh: Đỗ Huấn

Một số chuyên gia ngành du lịch chia sẻ, đừng nghĩ rằng nông dân – “nhà quê” là không làm được du lịch mà ngược lại, càng giữ được chất “quê mùa”, đời thực chừng nào thì càng có giá trị chừng ấy. Du khách ở các nước phát triển không thể có những hình ảnh thực tại “đời thật” như vậy, họ đến Việt Nam là muốn hòa nhập, khám phá cuộc sống người dân, nhất là người nông dân, người dân quê “chân lấm tay bùn”. Không ít trong số họ còn ước ao được làm một chút, một ít, hoặc một việc nhỏ nào đó do những “bậc thầy” nông dân thực thụ truyền đạt, chỉ bảo ngay tại chỗ.        

Trong thực tế, các tour du lịch như “Một ngày làm cư dân Trà Quế”, “Một ngày làm cư dân sông nước Cẩm Thanh”, “Làm thợ gốm Thanh Hà”, “Cày ruộng cùng nông dân”, các tuyến du lịch khám phá làng quê – sông nước – biển đảo, các loại hình du lịch cộng đồng... đang ngày càng hấp dẫn du khách đến với Hội An bởi những giá trị đời thường ấy, đặc biệt là các du khách đến từ các nước Châu Âu, Châu Mỹ… Ông Kiều cư – Bí thư Thành ủy cũng đã khẳng định hướng phát triển loại hình du lịch và thị trường khách trong thời gian tới là như vậy. “Tiếp tục phát triển theo hướng đa dạng hóa các nguồn khách song vẫn chú trọng xây dựng các sản phẩm để thu hút dòng khách truyền thống, nhất là khách Châu Âu và khách có mức chi tiêu cao. Vấn đề nữa là thiết lập các tuyến tham quan mới trên cơ sở phát huy các tiềm năng về sông nước, di tích lịch sử văn hóa, về cảnh quan làng quê, làng nghề truyền thống, ưu tiên phát triển du lịch cộng đồng và đầu tư các khu du lịch vùng ven, tạo điều kiện để nhân dân tham gia và hưởng lợi”, ông Kiều Cư nói.

Với đặc thù là đô thị thương cảng cổ xưa, làng quê, làng nghề ở Hội An mang trong mình nhiều giá trị văn hoá đặc sắc mà hiếm nơi nào có được. Đó là mối tương quan với “vẻ đẹp không trùng lắp” của quần thể kiến trúc đô thị cổ. Trong bối cảnh gắn bó và đồng hành cùng sự phát triển đô thị sinh thái – văn hoá – du lịch, ruộng vườn, hồ ao, sông nước, biển đảo Hội An... không chỉ là nơi sản xuất, canh tác của người dân mà còn là nơi tổ chức, làm ra các sản phẩm du lịch độc đáo để thu hút du khách đến tham quan, thưởng ngoạn, trải nghiệm và khám phá. Tin rằng, nơi ấy cũng là điểm đến bình yên, giàu giá trị văn hóa của vùng đất có đến 2 di sản: văn hóa và thiên nhiên của thế giới.

Đỗ Huấn

Nguồn tin: Đài Truyền thanh - Truyền hình Hội An


 

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn