Nhưng lần này, xen lẫn trong những điệu hô Bài chòi thân thuộc là cảm xúc bồi hồi, xúc động và niềm vui khi Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ Việt Nam vừa chính thức được UNESCO ghi danh trong Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào ngày 7.12 vừa qua.
Sức sống của Bài chòi ở Hội An
Tại Hội An, hơn 10 năm nay, loại hình nghệ thuật Bài chòi đã âm thầm được nhen nhóm, nuôi dưỡng và trở thành sản phẩm văn hóa-du lịch “đặc sản” của phố cổ để chiêu đãi du khách. Câu chuyện “hồi sinh” Bài chòi tại Hội An là một minh chứng mạnh mẽ cho việc bảo tồn, phát huy loại hình nghệ thuật dân gian trên mảnh đất miền Trung nói chung, Quảng Nam nói riêng.
Trước thời điểm Hội An trở thành Di sản văn hóa thế giới (DSVHTG), trò chơi dân gian này tưởng chừng đã trở thành ký ức, chỉ còn diễn ra vào mỗi dịp xuân về ở vùng ven Hội An. Nhưng lạ kỳ thay, từ năm 1999, khi Hội An được công nhận là DSVHTG, Bài chòi đã hồi sinh mãnh liệt. Khi ấy, chính quyền Hội An mong muốn khôi phục lại các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống như Bài chòi, hò khoan đối đáp, tuồng... để tạo thành những sản phẩm văn hóa-du lịch phục vụ du khách. Bài chòi - vừa là một trò chơi dân gian - vừa là một loại hình nghệ thuật truyền thống của cư dân ven biển miền Trung - đã được chọn để tổ chức tại một điểm gần chùa Cầu.
Trong dân ca, cũng như Bài chòi, khó nhất và căn bản nhất cũng chính là ở 4 làn điệu xuân nữ, xàng xê, cổ bản và hò quảng. Kết hợp với các điệu hát ru, lý, hò khoan, cùng với việc xây dựng nội dung kịch bản sao cho gần gũi với cuộc sống, có chủ đề sâu sắc, đội ngũ diễn viên đào tạo bài bản, chú ý nhiều hơn đến trang phục, đạo cụ, sân khấu…
Bài chòi trở thành một sản phẩm nghệ thuật tuy cũ mà mới lạ trong một không gian nghệ thuật mở, có khả năng thu hút khách du lịch rất cao.
(Ông Đinh Hài- Giám đốc Sở VHTTDL Quảng Nam)
Ông Võ Phùng - Giám đốc Trung tâm VHTT Hội An, đơn vị được giao tổ chức các sự kiện văn hóa cho đêm phố cổ - nhớ lại: Từ việc tổ chức mỗi tháng một lần vào đêm rằm, dần dần Bài chòi lại trở thành điểm sinh hoạt thường kỳ hằng đêm của cư dân và du khách đến Hội An. Bài chòi bén rễ và có duyên lạ kỳ với không khí của đêm phố cổ. Nó hợp với không gian yên tĩnh của phố cổ trầm mặc, ở đó, tiếng hô Bài chòi duyên dáng của anh hiệu hòa với tiếng trò chuyện khe khẽ của những cụ ông, cụ bà, của những cô cậu thanh niên mới lớn và cả tiếng ô, a ngạc nhiên, phấn khích của những du khách lần đầu được tham gia trò chơi nghệ thuật này. Các anh, chị hiệu hô Bài chòi của Hội An ngày càng trẻ hóa, họ kỳ công sưu tầm, sáng tạo hình thức hô hát sao cho phù hợp với hơi thở đương đại, để không trở nên nhàm chán và trở thành món ăn tinh thần của cộng đồng.Chị hiệu Thu Hương - người đã gắn bó với hội Bài chòi ở phố cổ Hội An gần 10 năm qua cho biết: Không phải ai cũng đủ duyên để hô cho cuốn hút người chơi. Hô thế nào mà người đang đi buộc phải dừng lại, buộc phải lắng nghe và buộc phải tham gia vào cuộc chơi là cái tài của anh hiệu - người cầm trịch mỗi ván chơi Bài chòi.
Đêm Bài chòi tổ chức vào cuối tuần qua tại phố cổ Hội An chào mừng tin vui khi Bài chòi trở thành DSVH phi vật thể đại diện của nhân loại
Đào tạo đội ngũ kế cận để nuôi sống Bài chòi
Điều mà ngành văn hóa Quảng Nam luôn quan tâm là công tác đào tạo đội ngũ diễn viên hát Bài chòi kế cận như đưa Bài chòi vào hoạt động đào tạo trong trường học. Có các chính sách, cơ chế ưu đãi cho các đội ngũ diễn viên Bài chòi để họ yên tâm gắn bó với nghề. Tổ chức các cuộc thi sáng tác kịch bản, biểu diễn Bài chòi để phát hiện, đào tạo những nhân tố mới.
Ở Hội An, bên cạnh những tên tuổi như Lương Đáng, Ngọc Huệ, Lệ Nga, Thu Hương, Thu Sang, Minh Nhanh, Văn Quý,… thì hiện nay nhiều bạn trẻ cũng đã say mê tìm hiểu và tham gia các lớp học Bài chòi, dân ca do Trung tâm Văn hóa Thể thao Hội An tổ chức hằng đêm. Có những gia đình, như gia đình anh hiệu Văn Quý, cả 3 cha con đều trở thành những người trình diễn, hô Bài chòi rất dễ thương và được du khách ưa thích mỗi khi xem họ trình diễn.
Bài chòi được biểu diễn hằng đêm tại phố cổ Hội An và trở thành điểm dừng chân không thể thiếu của bất cứ du khách nào đến Hội An
Nghệ nhân Lương Đáng - nghệ nhân Bài chòi Hội An - là một trong những nhân chứng, kho tàng sống về loại hình nghệ thuật này, tâm sự: Muốn Bài chòi sống và được lớp trẻ yêu thích thì không thể bám riết lấy những câu hát hô ngày trước. Làm sao để nội dung của những câu hát hô ấy vừa hiện đại, nhưng vẫn không mất đi hồn cốt truyền thống là điều rất khó. Nó đòi hỏi anh hiệu phải ứng phó linh hoạt, phải sáng tạo để nội dung dù mang tính giải trí nhưng vẫn phải giữ được sự hóm hỉnh duyên dáng, ý nhị, sâu sắc, người nghe dễ hiểu nhưng vẫn không làm mất đi cái hồn duyên dáng của Bài chòi.
Không chỉ riêng ở Hội An, mà tại nhiều địa phương khác tại Quảng Nam, nghệ thuật Bài chòi cũng được quan tâm, có đất sống. Trong rất nhiều chương trình nghệ thuật lớn của Quảng Nam, những người viết kịch bản bao giờ cũng cố gắng xây dựng những tác phẩm có chất liệu từ Bài chòi, dân ca xứ Quảng vì đấy chính là “đặc sản nghệ thuật” của Quảng Nam.
Ông Đinh Hài - Giám đốc Sở VHTTDL Quảng Nam - cho biết: Trong những năm gần đây, đoàn dân ca kịch Quảng Nam cũng đã đầu tư dàn dựng những vở ca kịch Bài chòi như “Những đứa con oan nghiệt”, “Nỗi đau tình mẹ”, “Trái tim trong trắng”,… để đem lại cho khán giả một hương vị mới khi kết hợp giữa loại hình kịch với dân ca Liên khu 5 và Bài chòi.
Trong dân ca cũng như Bài chòi, khó nhất và căn bản nhất cũng chính là ở 4 làn điệu xuân nữ, xàng xê, cổ bản và hò Quảng. Kết hợp với các điệu hát ru, lý, hò khoan, cùng với việc xây dựng nội dung kịch bản sao cho gần gũi với cuộc sống, có chủ đề sâu sắc, đội ngũ diễn viên đào tạo bài bản, chú ý nhiều hơn đến trang phục, đạo cụ, sân khấu… Bài chòi trở thành một sản phẩm nghệ thuật tuy cũ, mà mới lạ trong một không gian nghệ thuật mở, có khả năng thu hút khách du lịch rất cao. Tuy mới mẻ và chưa hẳn đều được mọi người cảm nhận, ủng hộ, nhưng việc làm mới Bài chòi bằng cách kết hợp với các loại hình nghệ thuật dân gian, loại hình sân khấu khác cũng là một ý tưởng hay, đáng khuyến khích để Bài chòi có thể đi vào lòng công chúng nhiều hơn.
Khánh Chi
Nguồn tin: www.baovanhoa.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn