//

Lấy di tích “nuôi” di tích

Chủ nhật - 26/12/2010 21:51

Vừa tổ chức hướng dẫn tham quan vừa xây dựng nhiều sản phẩm văn hóa - du lịch mới, đấy là cách làm mới góp phần quảng bá di sản hiệu quả tại Hội An…

 

Từ năm 1995, khi Hội An chưa được công nhận là Di sản văn hóa thế giới, nhưng phương thức mới về việc phát hành vé cùng các biện pháp tổ chức hướng dẫn tham quan khu phố cổ đã được tính đến. Mục đích đặt ra là khai thác thế mạnh du lịch để có nguồn kinh phí góp phần trùng tu di tích và quản lý các hoạt động tham quan, du lịch… 

alt
Văn phòng Hướng dẫn tham quan tổ chức nhiều hoạt động ngoại giao.          Ảnh: Q.HẢI

Ông Trần Văn Nhân (Phó Trưởng phòng Thương mại - du lịch Hội An, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm VH-TT Hội An) nhớ lại: “Việc triển khai thực hiện phương án mới ban đầu cũng gặp nhiều khó khăn do người dân và du khách có nhiều ý kiến trái ngược nhau. Lúc đó, giá vé tham quan khu phố cổ là 5.000 đồng/lượt đối với khách Việt Nam, 50.000 đồng (tương đương 5 USD/lượt khách quốc tế). Điều thực sự ý nghĩa tại thời điểm ấy: Ngay trong ngày đầu tiên (15-10-1995), Văn phòng Hướng dẫn tham quan đô thị cổ trực thuộc Trung tâm VH-TT Hội An đã phát hành được 324 vé, trong đó có 199 dành cho du khách nước ngoài, doanh thu gần 11 triệu đồng. Trong năm đầu tiên, Hội An đã phát hành hơn 100 nghìn lượt vé, có gần 26 nghìn vé nước ngoài, thu được gần 3 tỷ đồng”. 

alt
Hội An thu hút nhiều du khách bằng những “sản phẩm” mới lạ.

UNESCO châu Á - Thái Bình Dương đã đánh giá cao phương án này và cho đây là “mô hình mang nhiều ưu điểm” vì quản lý được nguồn vé, tránh những tiêu cực xảy ra tại điểm di tích, nhất là kiểm soát được số lượng khách tham quan. Đặc biệt, nguồn thu từ vé đã đóng góp phần lớn cho việc trùng tu các di tích. 15 năm qua, đã có hơn 4 triệu lượt khách mua vé tham quan khu phố cổ; trong đó có 1,5 triệu khách Việt Nam và 2,5 triệu khách nước ngoài. Tổng số tiền vé bán được trên 192 tỷ đồng, nộp vào Quỹ bảo tồn, trùng tu di tích hơn 144 tỷ đồng.

Văn phòng Hướng dẫn tham quan đô thị cổ Hội An hiện có trên 60 nhân viên gồm các bộ phận bán vé, hướng dẫn và kiểm soát. Các tổ chuyên môn hoạt động trên địa bàn rộng, đứng độc lập, làm việc theo 2 ca 3 kíp, từ 7 đến 21 giờ 30 hoặc 6 giờ 45 đến 21 giờ hằng ngày. “Văn phòng đã góp phần rất lớn trong việc tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá các giá trị văn hóa, lịch sử độc đáo của Hội An đến với du khách trong nước và quốc tế” - ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND thành phố đánh giá.

Sản phẩm mới

Tháng 10-2001, làng gốm Thanh Hà chính thức được đưa vào chương trình tham quan với tư cách là một sản phẩm du lịch văn hóa. Đây được xem là hướng khai thác phù hợp với bối cảnh phát triển du lịch, đáp ứng được nhu cầu loại hình tham quan mới của du khách, tạo công ăn việc làm cho người lao động và bảo tồn làng gốm truyền thống trước nguy cơ bị thất truyền. Bà Nguyễn Thị Nhung - Trưởng Văn phòng Hướng dẫn tham quan đô thị cổ Hội An cho biết: “Bên cạnh các tuyến du lịch cảnh quan sông nước, các làng nghề Hội An, du lịch sinh thái Cù Lao Chàm và xưởng sản xuất thủ công - mỹ nghệ, dự án “Đêm phố cổ” được tổ chức lần đầu tiên vào ngày 9-8-1998 (đêm 14 âm lịch) đã có được sự đồng thuận cao của người dân”.

alt

Giờ đây, “Đêm phố cổ” đã trở thành sự kiện văn hóa, một thương hiệu du lịch nổi tiếng trong nước và thế giới, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa Hội An, tăng thu nhập cho cộng đồng qua các hoạt động du lịch dịch vụ. Mỗi dịp diễn ra hoạt động “Đêm phố cổ” (vào 3 đêm 13, 14 và 15 âm lịch hằng tháng), lượng khách tăng đột biến, tăng bình quân mỗi đêm là 571 lượt khách so với những ngày không có hoạt động này.

Không dừng lại ở đó, đề án “Khu phố cổ Hội An không có tiếng động cơ” (bắt đầu từ cuối tháng 7-2004) hiện triển khai 4 ngày và 7 đêm trong tuần với tên gọi “Phố dành cho người đi bộ và xe thô sơ”. Du khách rất thích thú khi đến tham quan khu phố cổ trong một không gian tĩnh lặng; thoải mái tản bộ ngắm cảnh trong tiếng nhạc; không bị ô nhiễm bởi tiếng ồn, khói bụi và không phải nhìn thấy cảnh trưng bày hàng hóa, xe cộ lấn chiếm lề đường.

Ngày 16-1-2010, đề án “Thử nghiệm mở rộng thời gian và nội dung phục vụ khách tham quan khu phố cổ Hội An vào ban đêm” cũng đã được triển khai. Ông Võ Phùng, Giám đốc Trung tâm VH-TT Hội An, nói: “Đây là một sản phẩm du lịch văn hóa mới ra đời và ngày càng thu hút du khách. Đề án đã giải quyết kịp thời cho các đoàn khách có chương trình tham quan khu phố cổ vào ban đêm và khách lưu trú qua đêm; tạo sự công bằng đối với tất cả du khách đến Hội An phải mua vé tham quan theo đúng Quy chế quản lý hoạt động tham quan du lịch trên địa bàn thành phố”.

Tháng 4 vừa qua, thêm phương án tổ chức ô vé tham quan tự chọn cho du khách cũng đã được áp dụng và tạo ra sự công bằng cho các điểm di tích, giải quyết nhu cầu tham quan của du khách.

Tác giả bài viết: QUỐC HẢI

Nguồn tin: www.zing.vn


 

 Từ khóa: n/a
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật