//

Thương cảng Hội An: Từ thương cảng xưa để nhìn về phát triển kinh tế biển ngày nay

Thứ ba - 26/09/2023 08:50

Những thập niên gần đây, giới khoa học trong nước, quốc tế đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong nghiên cứu về Hội An và hệ thống thương cảng Việt Nam.

Nghiên cứu giao thương biển đã và đang góp phần quan trọng trong việc làm sáng tỏ nhiều chiều cạnh của lịch sử dân tộc. Từ thương cảng xưa để nhìn về phát triển kinh tế biển ngày nay.

Thương cảng Hội An: Từ thương cảng xưa để nhìn về phát triển kinh tế biển ngày nay
TP. Hội An triển khai nhiều giải pháp để người dân chuyển hướng sản xuất. Ảnh: Internet

Vị trí chiến lược của Hội An trong hệ thống thương cảng miền Trung

Trong tâm thức của nhiều cộng đồng cư dân Việt Nam, biển là môi trường sống, không gian sinh tồn, cửa ngõ tiếp giao kinh tế, văn hóa trọng yếu của đất nước.

Theo quan điểm Khu vực học (Area studies), nếu coi biển Việt Nam là một chỉnh thể thì dựa trên các yếu tố địa - kinh tế, có thể phân định thành: Vùng biển đảo phía Bắc, Vùng biển đảo miền Trung và Vùng biển đảo Nam bộ (gồm Đông và Tây Nam bộ). Với biển đảo miền Trung, có thể phân lập thành 3 tiểu vùng: Vùng biển bắc Trung bộ (Thanh Hóa - Thừa Thiên Huế); Vùng biển nam Trung bộ (Quảng Nam - Bình Thuận). Cùng với các đảo, chuỗi đảo ven bờ, biển miền Trung còn có hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa gắn liền với quá trình khai thác, đấu tranh bảo vệ chủ quyền của chính quyền Đàng Trong và vương triều Nguyễn.

Trên bình diện khu vực, nhìn theo trục Đông - Tây, Việt Nam nằm trọn ở vùng phía đông của Đông Nam Á bán đảo. Đây được coi là “cửa ngõ thông ra biển” của nhiều trung tâm kinh tế khu vực. Từ nhiều thế kỷ trước đây, các dòng sông, tuyến đường men theo thung lũng đã tạo thành những giao lộ xuyên Á. Nhờ đó, các thương cảng miền Trung đã nối kết với Cao Nguyên và xa hơn đến Chân Lạp, Ai Lao, Xiêm La, Miến Điện,... Từ đó, nhiều nguồn hàng có thể dồn tập về các cảng thị. Tiềm năng, thế mạnh của Biển Đông không chỉ được biểu đạt bởi sự giàu có về nguồn tài nguyên thiên nhiên mà còn do vị trí địa - kinh tế, địa - chính trị, vai trò nối kết, chuyển giao giữa các tuyến hải trình và không gian biển châu Á.

Trong quan hệ khu vực, chính các “Con đường tơ lụa” hay “Con đường gốm sứ”, “Con đường hương liệu”,... đã góp phần hình thành nên hai tuyến giao thương chính của Đông Nam Á: “Tuyến giao thương duyên hải” và “Tuyến giao thương đại dương”. Hình thành vào đầu Công nguyên, hưng thịnh vào thế kỷ VII-X, cả hai tuyến giao thương được mở rộng, phát triển trội vượt vào Thời hoàng kim của hải thương châu Á thế kỷ XVI-XVIII. Qua các tuyến giao thương, giới thương nhân quốc tế đã thâm nhập vào thị trường khu vực. Là một vùng giàu tài nguyên tự nhiên (với nhiều loại sản vật quý hiếm) và tài nguyên nhân văn (tâm thế hướng biển cao của chúa Nguyễn và cộng đồng cư dân hỗn dung văn hóa Việt - Chăm, Việt - Hoa, Việt - Nhật,...) đã tạo nên thế mạnh cho Đàng Trong. Nằm ở trung điểm của Tuyến giao thương duyên hải lại có thể tiếp cận thuận lợi với Tuyến giao thương đại dương nên nhiều cảng thị miền Trung trở thành điểm đến của các đoàn thương thuyền châu Á. Trong bối cảnh đó, Hội An đã nổi lên giữ vai trò của một quốc cảng và là một trong các cảng trọng tâm trong hệ thống giao thương Đông Á.

Vào thế kỷ XVI-XVII, do đặc tính của điều kiện tự nhiên và những tác động mang tính kích hoạt của hoạt động giao thương quốc tế, trên cả ba miền Bắc - Trung - Nam đã hình thành một số loại thương cảng, đô thị cảng.

Với hệ thống thương cảng miền Trung, trong quá trình “thoát Bắc - Nhập Nam” (thoát ly khỏi sự kiểm soát của chính quyền Lê - Trịnh ở phía Bắc để hòa nhập, quyết chí tiến về vùng đất phương Nam) gây dựng cơ nghiệp, Nguyễn Hoàng cũng như các chúa Nguyễn đều coi trọng vị trí của biển và luôn cho dựng các dinh trấn ở cửa sông, cửa biển. Do tích hợp được nhiều ưu thế vượt trội, Hội An đã sớm trở thành một “cảng thị, một đô thị ở cửa sông và ven biển” và là “một thương cảng nổi tiếng và sầm uất bậc nhất Việt Nam”.

Với các thương cảng miền Trung và Hội An, GS. Trần Quốc Vượng từng cho rằng, từ khoảng 500 năm trước Công nguyên, tiếp nối truyền thống văn hóa Sa Huỳnh, hàng loạt thương cảng của người Chăm đã ra đời. Họ đã vươn lên khai thác sản vật của núi rừng Tây Nguyên (gỗ quý, trầm hương, ngà voi, sừng tê...) để xuất khẩu cho các thương nhân Ấn, Hoa, Ba Tư, Ảrập. Khởi nguyên từ biển, dấn thân với biển, người Chăm có tri thức về biển phong phú. Họ thành thạo nghề đóng thuyền (thuyền chiến, thuyền buôn, thuyền vận tải, thuyền đánh cá,...), khai thác, chế biến hải sản và thực tế đã làm chủ cả một vùng Biển Đông mà trên nhiều bản đồ thế giới ghi chú là “Biển Champa”. Người Chăm cũng đã có những quan hệ mật thiết với các tộc người vùng cao, trao đổi các sản vật giữa núi rừng và sông biển. Trầm hương, vàng (Bồng Miêu), đá quý, hương liệu, quế, mía đường; ngọc trai, san hô, yến sào, vây và vi cá, hải sâm... đều là những sản vật có giá trị cao trên thương trường. Các quốc gia - cảng thị miền Trung hình thành trên nền cảnh đó.

Nhìn lại những nhân tố thành tạo nên một cảng thị lớn như Hội An, có thể khẳng định, Hội An không chỉ là sản phẩm của sông (hệ thống Thu Bồn) mà còn là sản phẩm của biển với hoạt động của các tuyến giao thương và vị trí “tiền cảng” của Cù Lao Chàm. Thực tế (cũng như Thanh Hà, Nước Mặn,...), đến thế kỷ XVI-XVIII, Hội An trở thành nơi Hội thủy - Hội nhân - Hội thương của xứ Quảng và của cả Đàng Trong. Hội An đã tích hợp được nguồn lực của núi rừng - châu thổ (hội tụ ở các nguồn) và sông, biển để tạo dựng nên diện mạo, sự phồn vinh của một thương cảng.

Nghiên cứu quy luật thịnh suy của các cảng thị châu Á, có thể thấy, hầu hết các thương cảng chỉ có thể duy trì sự phát triển trong khoảng 3 đến 4 thế kỷ. Nhưng thương cảng Hội An, nếu tính từ thời đại Sa Huỳnh - Champa, tuy có những thăng trầm nhưng đã có lịch sử khoảng 2.000 năm. Sức sống của Hội An (một số thương cảng Việt Nam, khu vực và thế giới) luôn được hợp tụ bởi nhiều nhân tố trong đó có 5 thành tố cơ bản: 1. Có điều kiện tự nhiên thuận lợi; 2. Có nhiều tiềm năng về kinh tế, nhân văn; 3. Có chủ trương, chính sách đúng; 4. Có tác động của môi trường kinh tế, xã hội trong nước; 5. Có những tác nhân của đời sống kinh tế, chính trị thế giới.

Cảng Hội An - Từ cảng Việt lên cảng quốc tế

Một số nhà nghiên cứu cho rằng, để đánh giá tính chất quốc tế của một trung tâm kinh tế biển, có thể dựa vào sự xuất hiện của một số loại hình gốm sứ xuất hiện ở thương cảng. Khảo cứu các thương cảng Việt Nam và châu Á, theo tôi để xác định tính chất quốc tế của một thương cảng cần có cách tiếp cận và hệ tiêu chí toàn diện hơn.

Một thương cảng đạt yêu cầu (trình độ) của thương cảng quốc tế phải đáp ứng được 6 tiêu chí cơ bản sau: 1. Là thương cảng nằm trên hệ thống giao thương vùng, liên vùng, liên thế giới; 2. Là thương cảng giữ vai trò trung tâm, đầu mối kết nối, luân chuyển hàng hóa của khu vực và thế giới; 3. Có nhiều cộng đồng thương nhân, tập đoàn kinh tế khu vực, quốc tế đến sinh sống, buôn bán thường xuyên; 4. Có nhiều sản phẩm hàng hóa được thương mại hóa, quốc tế hóa; xác lập và thống nhất được các giá trị chuẩn (hàng, tiền, đơn vị đo lường, giá cả...) phù hợp với thị trường thế giới; 5. Giới quản lý, thương nhân ở thương cảng thể hiện tri thức phong phú, tính chuyên nghiệp và năng lực tổ chức cao; có chính sách bảo vệ, khuyến khích các hoạt động kinh tế đối ngoại; 6. Có sự giao lưu văn hóa rộng lớn giữa vùng thương cảng với các nền văn hóa khu vực và thế giới.

Lấy các tiêu chí đó làm hệ quy chiếu, trong trường hợp Hội An có thể thấy: Hội An là thương cảng nằm trên hệ thống giao thương liên Á, liên thế giới; Là thương cảng giữ vai trò trung tâm, đầu mối kết nối, luân chuyển hàng hóa của khu vực và thế giới; Có nhiều cộng đồng thương nhân, tập đoàn kinh tế khu vực, quốc tế đến sinh sống, buôn bán thường xuyên, lâu dài; Có nhiều sản phẩm hàng hóa được thương mại hóa, quốc tế hóa; xác lập được các giá trị chuẩn (hàng, tiền, đơn vị đo lường, giá cả...) phù hợp với thị trường thế giới; Giới quản lý, thương nhân ở thương cảng thể hiện tri thức phong phú, tính chuyên nghiệp và năng lực tổ chức cao; có chính sách bảo vệ, khuyến khích các hoạt động kinh tế đối ngoại; Có sự giao lưu văn hóa rộng lớn giữa vùng thương cảng với các nền văn hóa khu vực và thế giới.

Đô thị cảng Hội An và vùng duyên hải miền Trung có cơ tầng văn hóa biển sâu, truyền thống văn hóa biển phong phú. Bắt nguồn từ thời đại Sa Huỳnh, phát triển nổi bật thời Lâm Ấp - Champa, biển miền Trung đã đạt đến độ thịnh đạt và là quốc cảng thời cầm quyền của chúa Nguyễn. Vào thế kỷ XVI-XVIII, các thương cảng miền Trung không chỉ có sự chuyển hóa từ cảng Chăm sang cảng Việt mà còn được nâng tầm từ cảng Việt lên thương cảng khu vực và cao hơn là một thương cảng quốc tế. Do những động lực của kinh tế đối ngoại, cả hai sự chuyển hóa đó chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn.

Đến thế kỷ XIX, do những tác động của thế giới, đô thị cảng Hội An cùng nhiều thương cảng miền Trung cũng có nhiều thay đổi. Hội An đã nhường bước cho Đà Nẵng, một cảng đa chức năng phát triển theo mô hình cảng cận hiện đại.

Nhìn lại truyền thống biển Việt Nam cũng thấy mối quan hệ mật thiết giữa quá trình dân tộc với quá trình khai thác, mở rộng không gian biển; đấu tranh xác lập chủ quyền trên các vùng biển đảo. Không gian kinh tế miền Trung, với vai trò của các cảng sông, cảng biển đã và đang được nhận thức, đánh giá toàn diện.

Trong nhiều thế kỷ, Hội An đã lan tỏa ảnh hưởng đến nhiều cảng thị khu vực và thế giới. Hoạt động kinh tế đối ngoại đã đem lại sự phồn thịnh cho nền kinh tế trong nước, mở rộng tầm văn hóa, tri thức, đồng thời góp phần củng cố sức mạnh của quốc gia.

Trong lịch sử, không gian biển miền Trung từng là nơi đón nhận nhiều điều kiện phát triển thuận lợi. Cùng với các thành thị chính trị, quân sự truyền thống, vào thế kỷ XVI-XVIII, ở Việt Nam đã xuất hiện Mô hình thành thị kinh tế gắn với các hoạt động giao thương biển. Thực tế, Hội An đã đạt mức phát triển cao nhất của một thương cảng theo logic: cảng bến - cảng thị - đô thị cảng - thương cảng khu vực - thương cảng quốc tế. Trong lịch sử châu Á, một số cảng thị và đô thị cảng (như trường hợp Sakai, Osaka ở Nhật Bản) từng có khuynh hướng thoát ra khỏi sự ràng buộc của thiết chế chính trị Mạc phủ để trở thành những thành thị có sức phát triển trội vượt.

Trong bối cảnh xã hội và tư duy chính trị - kinh tế đặc thù, một số đô thị cảng châu Á (trong đó có Hội An) đã thể hiện một số đặc tính của mô hình Thành thị tự do. Như vậy, cùng với thiết chế tam nông, trong lịch sử, Việt Nam còn có thiết chế tứ thương gồm: Thương nhân - Thương nghiệp - Thương trường - Thương cảng. Đó là thiết chế mở, luôn có những di biến động. Như vậy, cũng nên có cái nhìn khách quan, đa diện hơn về lịch sử, văn hóa Việt Nam. Đó không phải là một xã hội nông nghiệp mà là một bức tranh đa sắc. Năng lực hòa biến, sáng tạo của mỗi vùng miền đã tạo nên đặc tính đa dạng của lịch sử, văn hóa Việt Nam.

Thấu hiểu truyền thống, đánh giá khách quan tiềm năng, thế mạnh của biển và của mỗi không gian biển khiến chúng ta có thêm niềm tin, động lực để thực hiện chủ trương phát triển Hội An trở thành Thành phố sinh thái - văn hóa - du lịch theo định hướng phát triển xanh, bền vững. Hội An - Quảng Nam đang cùng với Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi và cả nước nỗ lực thực hiện thành công Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam.

GS.TS Nguyễn Văn Kim
congthuong

 

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn