//

Hội An- Thành phố sáng tạo thủ công và nghệ thuật dân gian

Thứ sáu - 10/11/2023 08:54

Hội An chính thức gia nhập mạng lưới sáng tạo toàn cầu của UNESCO (UCCN) vào ngày 31/10/2023. Tính đến nay trên cả nước Việt Nam có tổng cộng 3 thành phố gia nhập mạng lưới sáng tạo quốc tế là Thủ đô Hà Nội, Hội An và Đà Lạt. Điều này đã góp phần phát triển mạng lưới thành phố sáng tạo tại Việt Nam nói riêng và khu vực Đông Nam Á nói chung.

z4431811134936 fa0c57b4188939c906f598872d24e38b
1. Thành phố sáng tạo là gì?

Thành phố sáng tạo là nơi đó sự sáng tạo của con người là nguồn tài nguyên quan trọng, cùng với các giá trị lịch sử, văn hóa, tài nguyên thiên nhiên… Những tài nguyên sẵn có của một vùng đất cộng với sự sáng tạo của con người kết hợp lại nhằm tạo ra công ăn việc làm, tạo sinh kế, thu nhập cho người dân.
Thành phố sáng tạo đề cao giá trị sáng tạo của con người nhưng không phủ nhận nhiều giá trị khác bên cạnh. Tài nguyên thiên nhiên, lịch sử, văn hóa, kiến trúc, ẩm thực... của một vùng đất kết hợp với trí tuệ sáng tạo của con người là yếu tố then chốt quyết định sự phát triển.
 Thời đại ngày nay với nhiều chuyển biến và thay đổi lớn, bên cạnh các nguồn tài nguyên sẵn có, phát triển các ngành công nghiệp hiện có cộng với việc đề cao các ngành công nghiệp sáng tạo ở thành phố sáng tạo sẽ góp phần phát triển bền vững, đề cao tiêu chí bảo vệ môi trường, chú trọng đến nâng cao đời sống dân sinh từ thu nhập đến chất lượng cuộc sống, phúc lợi xã hội, chú trọng vào nhóm người yếu thế, trẻ em, người già, phụ nữ.
Giá trị sáng tạo này được cộng hưởng từ tất cả cộng đồng cư dân, người dân bản địa, người từ nơi khác đến cộng cư, tầng lớp trí thức, kỹ sư cho đến công nhân, nông dân, thợ lành nghề... Hội An thành phố sáng tạo là phát huy giá trị sáng tạo trên tất cả các lĩnh vực và tất cả các cộng đồng cư dân sống trên mảnh đất này .
z4483564402926 6bb0041f30a3f3ab72165c0d2413d002
2. Các lĩnh vực của thành phố sáng tạo
Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO được thành lập năm 2004 với mục tiêu tăng cường hợp tác giữa các thành phố đã được công nhận sáng tạo, coi đây là một yếu tố chiến lược để phát triển bền vững trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội và môi trường.
 Tính đến 31/10/2023 mạng lưới thành phố sáng tạo toàn cầu của UNESCO với sự tham gia của 350 thành phố đến từ hơn 100 quốc gia trên thế giới. Có 7 lĩnh vực sáng tạo được xác định để UNESCO xem xét ghi danh, tham gia mạng lưới, bao gồm: Thủ công và nghệ thuật dân gian, thiết kế, điện ảnh, ẩm thực, văn học, nghệ thuật truyền thông đa phương tiện và âm nhạc. Trong đó, Hội An chọn lĩnh vực Thủ công và Nghệ thuật dân gian.
3. Vì sao Hội An chọn lĩnh vựcThủ công và Nghệ thuật dân gian?
Thủ công và Nghệ thuật dân gian là thế mạnh nổi trội và là lĩnh vực được Hội An bảo tồn và phát huy hiệu quả trong thời gian qua. Thành phố hiện có 5 làng nghề truyền thống với gần 50 ngành nghề thủ công đang hoạt động sôi nổi có thể kể đến như: nghề mộc, nghề gốm, nghề làm đèn lồng, nghề làm tre dừa, may mặc, làm đồ da ... Trong đó có 03 làng nghề và 01 nghề truyền thống được công nhận Di sản phi vật thể quốc gia và 02 làng nghề khác đang làm hồ sơ đề nghị công nhận.
Các tập quán, sinh hoạt, tín ngưỡng lâu đời của cư dân địa phương đã góp phần truyền cảm hứng, hình thành và nuôi dưỡng sự phong phú và đa dạng của nhiều loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo. Hát bả trạo, hò khoan, hô hát bài chòi, thơ ca, hò vè, nghệ thuật hát Bội, múa nghi lễ, tạo hình dân gian … phản ánh chân thực, sinh động những đặc điểm văn hóa - xã hội của vùng đất và trở thành một phần thiết yếu trong đời sống tinh thần của người dân Hội An. Trong đó phải kể đến Nghệ thuật Bài Chòi đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (2017).
Đông đảo cư dân Hội An tham gia vào các hoạt động thủ công và nghệ thuật dân gian một cách chính thức hoặc không chính thức gồm các nhóm: lao động tự do và sản xuất, kinh doanh thủ công; nhóm các nghệ sĩ, nghệ nhân, cá nhân thuộc các hiệp hội nghề nghiệp, điều hành các xưởng thủ công sáng tạo; nhóm còn lại gồm các doanh nghiệp và nhà kinh doanh trong lĩnh vực thủ công và nghệ thuật dân gian. Thành phố hiện có tổng cộng 658 doanh nghiệp nhỏ và 1710 hộ kinh doanh hoạt động trong lĩnh vực thủ công và nghệ thuật dân gian. Ước tính có khoảng 4000 người lao động trực tiếp có thu nhập trung bình 3500-4000 USD mỗi năm từ thủ công và nghệ thuật dân gian.
Hội An còn là mảnh đất có sức hút mạnh mẽ và mang lại nguồn cảm hứng cho các chuyên gia, nhà sáng tạo, nghệ sĩ trong và ngoài nước đến sinh sống và sáng tác với đa dạng các loại hình, lĩnh vực sáng tạo cũng như chiều sâu và hàm lượng sáng tạo; làm cho thành phố thân yêu này thành một trong những không gian sáng tạo hấp dẫn của cả nước.
z4483550999750 9229ba06132eee0f3f90aaf455b1ecd0
4. Người dân được hưởng lợi khi sống trong thành phố sáng tạo?
Khi trở thành thành phố sáng tạo lĩnh vực thủ công và nghệ thuật dân gian sẽ mở ra cơ hội cho người dân tiếp cận công nghệ hiện đại, thị trường tiêu thụ sản phẩm được mở rộng, các loại hình nghệ thuật dân gian được duy trì và phát triển, các nghệ sỹ, nghệ nhân có đất để thực hành sáng tạo. Trên các lĩnh vực khác như lĩnh vực may mặc, kinh doanh ẩm thực, hoạt động du lịch… cũng sẽ phát triển và mở rộng.
Chính điều này sẽ góp  phần tăng cường sinh kế và cải thiện đời sống của cộng đồng. Dựa trên các chất liệu của thủ công và nghệ thuật dân gian, thành phố sẽ thu  hút và tổ chức nhiều sự kiện địa phương, quốc gia và quốc tế, mở ra cơ hội giao lưu, sáng tạo thủ công và nghệ thuật dân gian.
Trong 4 năm sau khi chính thức gia nhập, thành phố Hội An sẽ thúc đẩy phát triển các tổ chức xã hội nghề nghiệp, huy động sự tham gia sáng tạo của mọi thành viên trong cộng đồng từ người dân, nghệ nhân, nghệ sĩ, doanh nhân… Mở rộng chương trình khởi nghiệp, khuyến khích giới trẻ phát triển kỹ năng và sáng tạo, kêu gọi sáng kiến hỗ trợ sản xuất thủ công, kết hợp giữa bảo tồn và phát triển, đổi mới theo hướng xanh, có chất lượng, đa dạng hóa và tạo giá trị tăng thêm cho sản phẩm, bắt kịp xu hướng sáng tạo tiên tiến. Phát huy các nguồn lực hợp tác, thúc đẩy, thiết kế các dự án, mô hình, không gian sáng tạo nhằm bảo tồn và phát triển các nghề thủ công và nghệ thuật dân gian, góp phần phát triển kinh tế xã hội một cách bền vững.
Ngoài ra, thành phố Hội An sẽ kết nối với các tổ chức trong và ngoài nước nhằm hỗ trợ phát triển tập trung vào hòa nhập và cải thiện phúc lợi cho các nhóm xã hội yếu thế hoặc dễ bị tổn thương như phụ nữ,  khuyết tật... thông qua hỗ trợ đào tạo nghề làm đồ thủ công bằng vật liệu tái chế.
z4431811187682 5237db6bbc7ee3f6d2cd83a27b65da84
5. Sau khi tham gia thành phố sáng tạo, Hội An sẽ làm gì tiếp theo?
Khi gia nhập vào  mạng lưới thành phố sáng tạo của UNESCO  là cơ hội tốt để thành phố quảng bá sự đa dạng các biểu đạt văn hóa của một vùng đất giàu tiềm năng sáng tạo, bồi đắp uy tín thương hiệu Hội An - thành phố văn hóa, sinh thái, du lịch xanh- sạch- đẹp, an toàn, thân thiện; truyền cảm hứng, nâng cao nhận thức cộng đồng, tiếp nhận sáng kiến và kinh nghiệm từ các quốc gia trong mạng lưới để đổi mới sáng tạo và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn văn hóa, con người và các nguồn tài nguyên khác của Hội An.
Thành phố sẽ thực hiện các sáng kiến và cam kết như đã nêu trong hồ sơ đăng ký với UNESCO và đặt mục tiêu tiếp tục là hình mẫu thực hành tốt trong lĩnh vực thủ công và nghệ thuật dân gian.
Cùng với đó Thành phố chủ động mở rộng giao lưu, hợp tác quốc tế về nghiên cứu khoa học, bảo tồn và phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa, tài nguyên thiên nhiên, tôn tạo cảnh quan, bảo vệ môi trường sống.
Hội An - Thành phố sáng tạo của UNESCO không phải là danh hiệu mà  là mục tiêu phấn đấu, thực hành các cam kết và mang lại các giá trị, lợi ích thiết thực cho cộng đồng khi gia nhập vào mạng lưới sáng tạo toàn cầu.
 
Trung tâm Văn hóa- Thể thao và Truyền thanh- Truyền hình Hội An
 

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn