Những sản phẩm mang bản sắc từ tre
Trong các chủ đề mà “Việt Nam đa sắc” đưa tới cho khán giả, văn hóa làng nghề là một trong những nội dung được ê kíp thường xuyên khai thác, góp phần quảng bá hình ảnh của các làng nghề truyền thống của Việt Nam. Trong tập mới đây nhất vào tối 15/11, khán giả có dịp gặp gỡ anh Võ Tấn Tân - quê tại xã Cẩm Thanh thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam - là nghệ nhân có công góp phần đưa tre Việt đến với thế giới.
Theo chia sẻ của anh Tân, làm tre đã là nghề truyền thống của làng anh. Thời điểm sau khi ra trường, anh từng làm nhiều ngành nghề khác nhau. Những lúc rảnh rỗi, anh thường tìm cách để làm gì đó với tre. Niềm đam mê với vật liệu quen thuộc của người Việt này đã thôi thúc anh trở lại với cái nghề sinh ra để dành cho mình.
Đến với tre, nghệ nhân Võ Tấn Tân mong muốn có thể giúp vật liệu này hiện diện nhiều hơn trong cuộc sống, không chỉ trong cuộc sống của anh mà còn của nhiều người.
Anh Tân cho hay, làm tre là nghề thủ công, hoàn toàn dựa vào đôi tay của mình chứ không phải máy móc. Theo anh, cách làm thủ công mới có thể giữ được hình dáng mà không phá đi cấu trúc của tre. Nhờ vậy, mỗi sản phẩm hoàn thiện đều có bản sắc riêng của vùng miền và người thợ.
Nhờ những sản phẩm độc đáo, tinh tế và tỉ mỉ từ đôi bàn tay khéo léo của những người nghệ nhân, xưởng làm tre của anh Tân đã trở thành điểm đến quen thuộc của du khách quốc tế khi đến Hội An. Nhiều người nước ngoài cảm thấy rất tò mò và thích thú trước sự sáng tạo của của người Việt khi có thể làm ra rất nhiều sản phẩm hữu dụng từ cây tre.
Mặc dù là nghề thủ công truyền thống nhưng xưởng của anh Tân có rất nhiều người trẻ. Các bạn trẻ mang đến nhiều ý tưởng sáng tạo - yếu tố tiên quyết để có thể nuôi dưỡng được nghề thủ công này.
Qua phóng sự ngắn 5 phút, người xem được biết thêm một nghề thủ công từ cây tre - vốn là hình ảnh rất quen thuộc của làng quê Việt. Nếu như trước đây, tre chỉ gắn liền với những món đồ dùng trang trí, giá thành rẻ thì thông qua những chia sẻ của nghệ nhân Võ Tấn Tân, tre hiện lên như một “vật liệu của tương lai” với những ưu điểm như bền vững, an toàn.
Trong tương lai, đây có thể trở thành giải pháp dành cho các sản phẩm thân thiện với môi trường, trở thành gợi ý cho các nhà thiết kế trên thế giới để mang đến những sản phẩm có chất lượng vượt trội, bền đẹp theo thời gian.
Chương trình tôn vinh giá trị văn hóa truyền thống
Việt Nam đa sắc là chương trình truyền hình nhằm tôn vinh những nét đẹp văn hóa Việt Nam. Ra mắt vào tháng 6/2022, đến nay, sau gần 1 năm rưỡi cùng 370 số phát sóng, chương trình đã trở thành món ăn tinh thần quen thuộc đối với khán giả trong và ngoài nước.
Điểm nổi bật của chương trình là chủ đề đa dạng, phong phú và đặc sắc. Chương trình lựa chọn đề tài ở nhiều lĩnh vực khác nhau như âm nhạc, điện ảnh, sân khấu, du lịch, truyền hình, kiến trúc, hội hoạ, nhiếp ảnh, thời trang, xuất bản...
Thông qua các nội dung truyền tải, chương trình mong muốn nhấn mạnh những giá trị văn hoá đặc sắc, nổi bật của đất nước để gửi tới khán giả, qua đó góp phần tôn vinh và gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống, đồng thời quảng bá hình ảnh Việt Nam tươi đẹp đến với thế giới.
Khác với những chương trình truyền hình khác, “Việt Nam đa sắc” có sự phối hợp của nhiều đơn vị trong Đài Truyền hình Việt Nam. Dựa vào thế mạnh của mình, mỗi ê kíp sản xuất sẽ có cách lựa chọn đề tài, tiếp cận nhân vật, chuyển tải câu chuyện của mình theo những cách riêng. Tất cả sẽ tạo nên những “mảng màu” đặc trưng trong bức tranh Việt Nam đa sắc.
Để khám phá thêm những nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt, đón xem “Việt Nam đa sắc”, phát sóng từ thứ Hai - thứ Sáu hàng tuần lúc 21h35 trên kênh VTV3.
vietnamnet
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn