//

Hướng đi hiệu quả của Quảng Nam trong việc bảo tồn và phát huy nghệ thuật bài chòi ở Hội An

Thứ năm - 26/10/2023 09:04

Nghệ thuật bài chòi là một trong những sản phẩm văn hóa - du lịch được du khách yêu thích khi đến Hội An (tỉnh Quảng Nam). Các nghệ nhân bài chòi ở phố Hội đang nỗ lực lan tỏa, trao truyền, gìn giữ di sản văn hóa phi vật thể thứ 12 của Việt Nam được UNESCO vinh danh vào năm 2017.

Ở Hội An, trò chơi dân gian bài chòi xuất hiện vào cuối tuần, trong những đêm rằm, các ngày lễ, Tết…, góp phần đưa phố cổ trở thành một địa chỉ văn hóa.

z46358352912529c4a391f93ce05d1b3bc9423ceb0698c 16929643378601019202136 1693185958371 16931859584811492383826

Hội bài chòi ở khoảng sân giữa phố Hội và sông Hoài luôn đông đúc, rộn vang tiếng đàn hát. Những nụ cười rạng rỡ của du khách trong nước, những nét mặt đầy ngạc nhiên xen lẫn thích thú của du khách nước ngoài khi lắng nghe những bài hò vừa vui nhộn, vừa sâu lắng được anh hiệu, chị hiệu (người hô hát bài chòi) diễn xướng cho thấy bài chòi thật sự hội nhập vào cuộc sống hiện đại và là món ăn tinh thần của cả người dân lẫn du khách ở Hội An. 

Bà Jacqueline Anderson (48 tuổi, quốc tịch Úc) cho hay, đây là lần đầu tiên bà nghe bài chòi và chứng kiến trò chơi dân gian bài chòi. Dù không hiểu về lời ca, nhưng bà biết đây là loại hình nghệ thuật dân gian của người dân miền Trung Việt Nam.

Hướng dẫn viên giải thích với bà Anderson về luật chơi rằng, anh hiệu - chị hiệu dẫn dắt cuộc chơi bằng những câu hát có liên quan đến tên quân cờ ghi trên chiếc thăm tre, cho đến khi ba thẻ tre được rút liên tiếp có tên gọi trùng với các tên quân cờ ghi trên cùng một thẻ gỗ.

Khi tham gia chơi, nếu thấy tên quân cờ của mình được nhắc đến trong câu hát, người chơi sẽ hô lên và trình thẻ gỗ để nhận một cờ vàng. Nếu người chơi có thẻ gỗ ghi tên 3 quân cờ được nhắc tên liên tục thì sẽ thắng cuộc.

"Tôi đến miền Bắc của Việt Nam thì được giới thiệu về dân ca quan họ, đến miền Nam thì nghe đờn ca tài tử. Giờ đây, đến Hội An, tôi nghe bài chòi. Văn hóa của đất nước các bạn thật phong phú", bà Anderson nói.

Bảo tồn và phát huy nghệ thuật bài chòi ở Hội An - Ảnh 2.

Nghệ thuật bài chòi là một trong những sản phẩm văn hóa - du lịch được du khách yêu thích khi đến Hội An.

bc4 1692964377918397929683 1693185959664 16931859597431300331432

Du khách trong và ngoài nước thưởng và dùng diện thoại ghi lại nghệ thuật bài chòi Hội An.

Chị Nguyễn Thị Lan Anh (24 tuổi), sống ở Hội An kể: Từ nhỏ, chị đã học hát dân ca, đặc biệt là bài chòi; trong đó học các điệu xàng xê, xuân nữ, cổ bản và hò Quảng - 4 làn điệu cơ bản của bài chòi. Sau này, chị học thêm làn điệu vè Quảng và vọng kim lang.

"Tôi yêu thích âm nhạc truyền thống của dân tộc, nhất là bài chòi. Tuy nhiên, tôi chỉ hát được dân ca bài chòi chứ không thể hô bài chòi. Để hô bài chòi, cần có kỹ thuật trình diễn, ứng biến linh hoạt và khả năng tương tác với khán giả", chị Lan Anh bày tỏ.

Ông Võ Phùng, nguyên Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao Hội An cho biết, nhiều thế kỷ trước, người dân Hội An đã làm quen với nghệ thuật bài chòi qua truyền miệng, qua sinh hoạt và qua phương tiện đài phát thanh.

Sau ngày giải phóng đất nước, Đoàn ca kịch Quảng Nam - Đà Nẵng tạo nên phong trào sâu rộng trong công chúng về thưởng thức, sáng tác, biểu diễn kịch hát bài chòi và các làn điệu bài chòi.

Giữa những năm 1980 trở về trước, nghệ thuật bài chòi - kể cả trò chơi dân gian bài chòi phát triển rất mạnh ở nông thôn nhưng chưa thực sự trở thành thị hiếu của đông đảo người dân nội thị. Từ giữa những năm 1990 đến nay, ca hát bài chòi - trò chơi dân gian bài chòi là thế mạnh của phong trào văn hóa văn nghệ ở Hội An, được người dân yêu thích và lớp trẻ kế thừa.

Tháng 2/1996, khi Nhà hát Nghệ thuật cổ truyền Hội An được thành lập, bài chòi theo đó cũng lên sàn diễn.

Tháng 9/1998, Trung tâm Văn hóa - Thể thao Hội An đưa trò chơi bài chòi vào sự kiện "Đêm phố cổ" - một sự kiện tồn tại đến ngày nay. Nhờ điều kiện không gian kiến trúc, không gian ánh sáng đặc trưng của phố cổ, đồng thời nhờ lượng người dân và du khách đến "Đêm phố cổ" đông đúc, trò chơi bài chòi đã thực sự sống dậy ở nội thị cũng như ở các thôn, khối phố mỗi dịp hội hè hay ngày lễ, Tết.

Từ năm 2010, bài chòi chính thức diễn ra hằng đêm trong khu phố cổ với hai hình thức hát bài chòi và chơi bài chòi. Một vài năm gần đây, du khách có thể nghe bài chòi và hô hát bài chòi vào cuối tuần, những đêm rằm, lễ hội, dịp Tết…

"Nghệ thuật bài chòi đã đi vào đời sống văn hóa, trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng của TP. Hội An", ông Võ Phùng cho biết.

z46358440296572bb8f9b197874acd80fd2057f3a95c5c 1692965172938741227513 1693185960250 1693185960337422994119

Nhắc đến bài chòi ở Hội An thì không thể không nhắc đến nghệ nhân ưu tú Nguyễn Đáng (63 tuổi, ở phường Thanh Hà), tên nghệ danh là Lương Đáng.

Ông Đáng có hơn 23 năm gắn bó với hoạt động bảo tồn, phát huy di sản văn hóa bài chòi và cũng là người hát bài chòi chính trong "Đêm phố cổ" kể từ năm 1999 đến nay.

Theo nghệ nhân Lương Đáng, để trở thành anh hiệu, chị hiệu, ngoài chất giọng tốt thì còn cần tính sáng tạo khi viết lời và cần "cái duyên", tức là nét biểu cảm của khuôn mặt, sự uyển chuyển trong các động tác hình thể.

Nghệ nhân Lương Đáng kể: Lúc 10 tuổi, ông được bà ngoại truyền khẩu những lời hô bài chòi. Dần dần ông thuộc lời, xướng đúng âm và tiết tấu của các con bài trong bài chòi từ lúc nào chẳng hay. Lớn lên, ông tham gia các lớp học nghiệp vụ nghệ thuật quần chúng.

nghe nhan luong dang 2 1692965454517726695819 1693185960768 16931859608501755466186

Khi hát bài chòi trong "Đêm phố cổ", nghệ nhân Lương Đáng dựa trên các làn điệu chính của loại hình này và sử dụng các thủ pháp ước lệ, ẩn dụ để viết lời hô cho các con bài. Ông sử dụng những bài hô có tiết tấu nhanh, vui nhộn hoặc trích một số lời hô từ các ca khúc nhạc nhẹ để người nghe dễ tiếp cận. Không những thế, ông còn dùng kỹ thuật nhấn, luyến, nói, nhằm gây cười, thu hút sự chú ý của người nghe, người chơi.

Đặc biệt, nghệ nhân Lương Đáng là thầy của thế hệ hát bài chòi đầu tiên ở TP. Hội An. Ông là một trong những cá nhân được UBND TP. Hội An tôn vinh vào tháng 2/2023 vì đã góp phần bảo tồn, phát huy nghệ thuật bài chòi trong đời sống hiện đại. Cùng được xướng tên trong đợt tôn vinh này còn có các nghệ sĩ bài chòi Thu Huệ, Dương Quý, Thu Sang, Thu Hương, cùng các nhạc công.

Với chị Lê Thị Thu Sang - tên nghệ danh là Thu Sang (41 tuổi, ở phường Cẩm Nam, TP. Hội An), bài chòi đã ngấm vào máu thịt lúc chị còn nhỏ. Hiện nay, ngoài biểu diễn phục vụ du lịch, chị Thu Sang còn tham gia các lớp dạy hô hát dân ca bài chòi tại các trường học và trong khu phố cổ; đào tạo các lớp kế cận để trao truyền, gìn giữ loại hình diễn xướng dân gian bài chòi.

z46358328922859f4f281a624647927b740f3535cd8344 16929643232522132671591 1693185961292 16931859613781305897548

Việc UNESCO công nhận nghệ thuật bài chòi Trung bộ Việt Nam là di sản phi vật thể đại diện của nhân loại từ tháng 12/2017 càng khẳng định vai trò của loại hình nghệ thuật này trong đời sống tinh thần của cộng đồng.

Bà Trương Thị Ngọc Cẩm, Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thanh - Truyền hình TP. Hội An cho biết, chính quyền thành phố đã triển khai nhiều giải pháp nhằm phục hồi bản sắc văn hóa địa phương, chú trọng các chương trình hoạt động văn hóa - nghệ thuật, đặc biệt là phong trào văn nghệ quần chúng, trong đó có nghệ thuật bài chòi.

Theo bà Cẩm, TP. Hội An đang xây dựng hồ sơ tham gia mạng lưới các "Thành phố sáng tạo" của UNESCO trên lĩnh vực nghề thủ công và nghệ thuật dân gian. "Đây là cơ hội tốt để Hội An xây dựng một đề án riêng về nghệ thuật bài chòi nhằm tranh thủ các nguồn lực từ UNESCO, từ Trung ương đến địa phương nhằm nghiên cứu, đầu tư, phát triển loại hình nghệ thuật bài chòi trong thời gian đến", bà Cẩm nói.

bc1 1692965511464743493807 1693185961875 16931859619511928849230

Nhiều hình thức bảo tồn bài chòi đã và đang được tiến hành bằng hình thức nghiên cứu khoa học; truyền dạy cho các em học sinh để thắp lên ngọn lửa yêu các bộ môn nghệ thuật truyền thống cho thế hệ trẻ.

Ông Tống Quốc Hưng, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin TP. Hội An cho rằng, bài chòi phát triển mạnh ở Hội An nhờ sự quan tâm của chính quyền, cơ quan chức năng. Nhiều hình thức bảo tồn bài chòi đã và đang được tiến hành bằng hình thức nghiên cứu khoa học; truyền dạy cho các em học sinh để thắp lên ngọn lửa yêu các bộ môn nghệ thuật truyền thống cho thế hệ trẻ. Những dịp cuối tuần, sự kiện "Đêm phố cổ" hay những dịp lễ hội luôn có sự hiện diện của bài chòi. Hằng năm, Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thanh - Truyền hình tổ chức Hội thi hô hát bài chòi để các đoàn diễn viên có cơ hội biểu diễn, giao lưu, học hỏi, qua đó bổ sung thêm những chất liệu đặc sắc cho loại hình nghệ thuật bài chòi.

Ngoài ra, trong giai đoạn ảnh hưởng COVID-19, TP. Hội An đã thử nghiệm hình thức chơi bài chòi trực tuyến. Hiện nay, hệ thống trực tuyến trong giai đoạn bảo trì và sẽ khôi phục trong thời gian sớm nhất để phục vụ công chúng.

"Du khách rất yêu thích bài chòi. Nếu ai đã một lần nghe bài chòi hoặc tham gia trò chơi dân gian bài chòi ở Hội An thì chắc hẳn sẽ có ấn tượng về loại hình diễn xướng dân gian này. Điều đó vừa góp phần phát triển du lịch, vừa góp phần bảo tồn bài chòi", ông Hưng nói.

Bảo tồn và phát huy nghệ thuật bài chòi ở Hội An - Ảnh 8.

 

Đức Hoàng
bvhttdl.gov.vn


 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn