//

Nuôi dưỡng nguồn nhân lực để phát triển nghệ thuật dân gian tại Hội An

Thứ hai - 24/06/2024 08:18

Nghệ thuật dân gian bắt nguồn từ cộng đồng và phản ánh đời sống văn hóa-nghệ thuật của cộng đồng

Nhằm góp phần xây dựng và phát triển bền vững loại hình nghệ thuật dân gian ở Hội An, cụ thể là bộ môn nghệ thuật dân ca-nghệ thuật bài chòi Quảng Nam và bộ môn hát bội, phục vụ cho “Định hướng xây dựng Hội An-thành phố sáng tạo”; đồng thời phục vụ nhu cầu hưởng thụ của nhân dân và phụ vụ mũi nhọn kinh tế du lịch văn hoá của Hội An; xin đề xuất các giải pháp chủ yếu:


ART0001

Nghệ thuật Hát bội Hội An

- Một là; cần có một Đề án bảo tồn và phát triển nghệ thuật dân gian Hội An để làm cơ sở cho việc chỉ đạo, triển khai thực hiện một cách bài bản, thực hiện trong nhiều năm.

Có được 1 Đề án chuyên đề như vậy để theo đó có kế hoạch tổ chức thực hiện từng giai đoạn, từng năm và nhiều năm tiếp theo, có định mức kinh phí và những chính sách kèm theo để đào tạo, nuôi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực nghệ thuật dân gian một cách vững chắc.

- Hai là, mở các lớp bồi dưỡng, lớp học hát dân ca Quảng Nam và hát bội tập trung của thành phố, tại các trường học, hoạt động “Phố đêm”.

Qua đó, chọn những học viên xuất sắc, có tiềm năng phát triển để bổ sung vào lực lượng diễn viên của thành phố, thậm chí tham gia đi hội thi-hội diễn, tham gia giao lưu trong và ngoài nước như một cơ hội, động lực để các em thêm yêu và say mê nghệ thuật, say mê với nghề.

Ngoài ra, cần tìm kiếm thiếu nhi, thanh niên có năng khiếu cho đi đào tạo chính quy để về phục vụ cho thành phố.

- Ba là, phải không ngừng đổi mới nội dung và hình thức trình diễn cho theo kịp với hơi thở và nhu cầu thiết thực của thời đại.

Đó là phải có những nội dung sáng tác về đề tài đương đại mà xã hội đang nóng bỏng như giáo dục đạo đức, chấp hành pháp luật trên lĩnh vực giao thông, an toàn thực phẩm…để thu hút được khán giả.

Về bộ môn dân ca, nhất là nghệ thuật và trò chơi Bài chòi, đẩy mạnh tính giao lưu-tương tác với người chơi qua hình thức đố vui, thi hô-hát, khuyến khích năng lực kiến tại-ứng tác.


ART6619

Bài chòi Hội An

Về bộ môn hát bội, bằng mọi giá phải phục hồi; vừa bảo tồn bộ môn nghệ thuật truyền thống vừa mang tính dân gian-vừa mang tính bác học; vừa phục vụ cho nhiệm vụ du lịch văn hóa của di sản Hội An do một thời gian dài vừa qua đã bị đứt gãy về thị hiếu thẩm mỹ, nhất là trong lớp trẻ đang có nguy cơ biến mất; cần kéo khán giả lại với mình bằng các đề tài lịch sử, dân gian gần gũi, dễ hiểu, dễ đi vào tình cảm của công chúng như: “Nguyễn Duy Hiệu”, “Thoại Khanh Châu Tuấn”, “Phạm Công Cúc Hoa”….; về các đề tài nóng bỏng của thời đại. Qua đó sẽ giải quyết được việc thay đổi vở diễn mới cho Nhà Biểu diễn nghệ thuật cổ truyền Hội An, cho hoạt động”Phố đêm” mà nhiều vở đã quá cũ.

- Bốn là; đảm bảo ổn định hoạt động và đời sống kinh tế, đời sống tinh thần của diễn viên.

“Được diễn” là niềm khao khát cao cả của nghệ sỹ, nghệ nhân. Do đó, cần tăng tần suất biểu diễn tại chỗ, lấy nghệ thuật dân gian làm hình thức nghệ thuật chủ đạo tại các lễ hội từ thành phố đến cơ sở, tại các hoạt động hội thi, hội diễn, giao lưu v.v…. Qua đó, giải quyết được thu nhập ổn định, đảm bảo đời sống của diễn viên, nghệ nhân; anh chị em được sống ổn định bằng nghề để tự hào, để yêu, để say sưa và dành tâm huyết cho nghề.

Đồng thời, rất cần quan tâm việc đề nghị các cấp xét tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú, Nghệ nhân nhân dân cho các nghệ sỹ, cho các nhà nghiên cứu-thực hành sáng tác-sáng tạo hoạt động văn nghệ dân gian theo Nghị định số 93/2023/NĐ-CP, ngày 25/12/2023 của Chính phủ về xét tặng các danh hiệu trên trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể.

Ngoài ra, thời kỳ “thanh xuân” của nghệ sỹ thường là rất ngắn ngủi, đặc biệt là các diễn viên hát, Hội An thuận lợi là điểm du lịch văn hóa nổi tiếng và nhộn nhịp. Do đó, các cơ quan-đơn vị quản lý sự nghiệp cần có chiến lược “hậu diễn viên” cho anh chị em như tổ chức truyền dạy nghệ thuật dân gian trong hệ thống trường học; tại hoạt động sản phẩm du lịch văn hóa “Phố đêm” như các hoạt động dạy hát dân ca, Trò chơi bài chòi, chiếu dân ca, chiếu hát bội tại các nhà cổ; chiếu dân ca, chiếu hát bội tại các Làng nghề truyền thống hoặc tuỳ theo năng lực, năng khiếu, sở trường của từng anh chị em, cho đi đào tạo chuyên ngành quản lý sự nghiệp văn hoá-nghệ thuật, đào tạo-bồi dưỡng thành các nhân viên dịch vụ văn hoá-du lịch v.v…  

- Năm là, thường xuyên hợp tác, giao lưu văn hóa quốc tế và trong nước.

Có vậy, Hội An vừa giới thiệu được giá trị nghệ thuật dân gian đặc sắc của mình với bè bạn, vừa tạo điều kiện cho nghệ sỹ, nghệ nhân phấn chấn về tinh thần,  có cảm xúc cao để “cháy mình” khi được thay đổi không gian trình diễn, được thể hiện mình không chỉ tại chỗ mà còn lan tỏa ra cùng bè bạn.

- Sáu là, có chính sách thu hút tài năng đến từ các địa phương khác.

Biết là, đối với di sản du lịch văn hóa Hội An chính là mảnh đất của “đất lành chim đậu” nhưng cần phải có những chính sách, biện pháp ưu đãi nghệ sỹ-nghề đặc thù một cách xứng đáng nhằm giữ chân các diễn viên được lâu dài để phục vụ ổn định cho mục tiêu của mình.

- Chú ý khai thác tốt các cơ sở, công cụ truyền thông.

Có kế hoạch, chương trình cụ thể để khai thác hợp lý và triệt để các công cụ truyền thông như: mở chuyên mục nghệ thuật dân gian trên Đài Truyền thanh-truyền hình, phát thanh nghệ thuật dân gian đầu giờ buổi sáng và cuối giờ buổi chiều tại các trường học với nội dung phù hợp cho từng độ tuổi; số hóa nghệ thuật dân gian Hội An để chuyển tải trên không gian mạng xã hội v.v… Có như vậy, ngày này sang ngày khác-mưa dầm thấm lâu, nghệ thuật dân gian thẩm thấu rộng rãi vào đời sống xã hội, dần dà trở thành thị hiếu thẩm mỹ của công chúng.

ART6452

Để phát triển hiệu quả nguồn nhân lực của hai bộ môn nghệ thuật dân ca-nghệ thuật bài chòi Quảng Nam và nghệ thuật hát bội cần sự quan tâm chăm sóc tích cực và bền vững của thành phố để góp phần  phục vụ cho “Định hướng xây dựng Hội An-thành phố sáng tạo”; đồng thời cũng là nguồn nhân lực quan trọng để góp phần bảo tồn di sản phi vật thể Hội An-vừa là sản phẩm tinh thần của nhân dân, vừa là sản phẩm của mũi nhọn du lịch văn hoá Hội An; đúng tinh thần Nghị quyết TW 9 - Khóa XI: “Xây dựng cơ chế để giải quyết hợp lý, hài hòa giữa bảo tồn, phát huy di sản văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội. Bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa tiêu biểu, phục vụ giáo dục truyền thống và phát triển kinh tế; gắn kết bảo tồn, phát huy di sản văn hóa với phát triển du lịch”./.

Võ Phùng- Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam

Ảnh: Visit Hoi An


 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn