Lò nung gốm Thanh Hà. Ảnh: Công viên Đất nung
* Cơ hội cho sự phát triển:
Trước hết, tham gia vào mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO là cơ hội cho Hội An thể hiện vị thế ngày càng lớn hơn trong quá trình hội nhập, một cơ hội chiến lược để kích thích và đổi mới các chính sách địa phương theo hướng sáng tạo và tăng cường khả năng tiếp cận quốc tế, tăng cường hợp tác quốc tế giữa các thành phố sáng tạo về nghề thủ công truyền thống và nghệ thuật dân gian. Thành phố sẽ mở rộng giao lưu, hợp tác và trao đổi với các thành phố trong khu vực và thế giới về thủ công mỹ nghệ và nghệ thuật dân gian, cũng như học tập kinh nghiệm trong công tác bảo tồn, gìn giữ các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của địa phương.
Tham gia vào mạng lưới thành phố sáng tạo toàn cầu, Hội An có cơ hội để tiếp cận các hoạt động mang tính quốc tế như các liên hoan nghệ thuật dân gian quốc tế Hội An; Lễ hội đèn lồng quốc tế Hội An... Bên cạnh đó, Hội An sẽ hòa mình vào môi trường sáng tạo của các đô thị trong nước bằng các dự án như Dự án mộc Kim Bồng - khơi nguồn sáng tạo, Dự án “Phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn giá trị văn hóa bản địa và hệ sinh thái tự nhiên tại Làng mộc Kim Bồng, xã Cẩm Kim, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam”; Dự án ươm mầm sáng tạo tài năng trẻ, dự án sáng tạo Hội An trong không gian kỹ thuật số cung cấp nền tảng để quảng bá thương hiệu Hội An và các dịch vụ tiếp cận cộng đồng.
Gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo toàn cầu của UNESCO là điều kiện thuận lợi cho Hội An trong việc định vị thương hiệu, quảng bá hình ảnh trên tất cả các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, kinh tế, du lịch... Từ đó góp phần thu hút đầu tư, là điểm đến của các chương trình phát triển giáo dục, các sự kiện văn hóa, giao lưu nghệ thuật nhằm hướng đến sự phát triển bền vững.
Đây sẽ là cầu nối để Hội An mở rộng mối quan hệ với thế giới, gia tăng các cơ hội hợp tác quốc tế, tiếp cận và tiếp thu kinh nghiệm, những giá trị tốt đẹp từ các nền văn hóa, chuyên gia quốc tế, UNESCO và các thành phố, quốc gia khác, để linh hoạt vận dụng vào mô hình phát triển riêng biệt của mình.
Như lãnh đạo thành phố Hội An đã khẳng định: khi định vị là thành phố sáng tạo thủ công truyền thống và nghệ thuật dân gian, Hội An cũng sẽ thực hiện các sáng kiến hoạt động để nâng tầm nơi đây trở thành điểm đến của các liên hoan thủ công, nghệ thuật dân gian cả nước và quốc tế. Đồng thời thúc đẩy phát triển hợp tác công - tư và các tổ chức xã hội nghề nghiệp, mở rộng các chương trình khởi nghiệp cũng như khuyến khích phát triển kỹ năng và sáng tạo.
Nghệ thuật Hát bội Hội An
* Khó khăn - thách thức:
Việc trở thành thành viên chính thức của Mạng lưới các thành phố sáng tạo toàn cầu của UNESCO là động lực để Hội An gìn giữ, phát huy và trao truyền giá trị văn hóa làng nghề, nghề thủ công và nghệ thuật dân gian đến thế hệ mai sau, góp phần quan trọng vào việc xây dựng Hội An trở thành thành phố sinh thái - văn hóa - du lịch bền vững. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng đặt ra cho Hội An không ít những khó khăn, thách thức đó là:
- Lớp nghệ nhân lớn tuổi dần qua đời, thiếu nguồn nhân lực trẻ kế thừa: Mặc dù trong nhiều năm qua, thành phố Hội An có nhiều chính sách trong việc bảo tồn và phát huy các làng nghề truyền thống cũng như bảo tồn phát huy các loại hình nghệ thuật dân gian. Tuy nhiên, trong thời giân gần đây nhiều bậc nghệ nhân hoạt động trên các lĩnh vực này đã qua đời khá nhiều, trong khi lực lượng kế cận chưa tiếp cận, nhận “sự trao truyền” một cách tương đối về tri thức từ những vị nghệ nhân này.
- Thành phố Hội An kiên định với định hướng xây dựng thành phố sinh thái - văn hóa - du lịch, trong đó việc chú trong vảo tồn các làng nghề truyền thống của địa phương. Tuy nhiên, cũng không thể cưỡng lại quá trình đô thị hoá đang diễn ra nên phần nào cũng ảnh hưởng đến cảnh quang chung, không gian của các làng nghề. Hội An là thành phố du lịch nên bên cạnh sự gia tăng dân số, lượng du khách đến với Thành phố quá nhiều cũng gây áp lực lớn lên việc giải quyết các vấn đề an sinh xã hội và quy hoạch kiến trúc đô thị, trong đó có các làng nghề truyền thống.
- Ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu: hiện nay tình trạng ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu đang gây chiều hướng tiêu cực cho toàn cầu, việc này cũng ảnh hưởng không nhỏ trong việc bảo tồn và phát huy các làng nghề truyền thống, các không gian sáng tạo tại thành phố Hội An. (mùa hè thì nắng nóng kéo dai, mùa đông thì tư to gió lớn, lũ lụt… )
- Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và nền kinh tế số phát triển nhanh chóng từng ngày từng giờ: Việc này đã tạo ra những thuận lợi cho sự phát triển, giúp chúng ta khai thác tiềm năng kinh tế của văn hóa trên môi trường số, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Tuy nhiên, hiện nay chúng ta vẫn còn lúng túng, chưa theo kịp xu thế chung, chưa ứng dụng công nghệ phù hợp, chưa đưa sản phẩm lên nền tảng số, do đó việc các nghệ nhân trong lĩnh vực nghề thủ công và nghệ thuật dân gian còn rất hạn chế trong việc nắm bắt các cơ hội hội nhập và phát huy các giá trị của mình.
- Bên cạnh đó, thời đại hiện nay là thời đại công nghệ số do vậy sự xuất hiện thiết bị điện tử hiện đại ngày càng nhiều đã làm thay đổi nhanh chóng, chương trình vui chơi giải trí qua mạng hết sức phong phú, hấp dẫn… đây cũng chính là thách thức lớn cho việc bảo tồn, phát huy các loại hình nghệ thuật dân gia truyền thống.
- Do sự phát triển nhanh chóng của khoa học kỹ thuật nên sản phẩm thủ công ngoại lai được sản xuất hàng loạt ngày càng nhiều và rẻ; Bên cạnh đó sản phẩm thủ công của địa phương chưa đáp ứng thị hiếu của người địa phương cũng như du khách quốc tế. Việc này cũng sẽ là thách thức lớn cho lĩnh vực thủ công truyền thống của Thành phố Hội An.
Tống Quốc Hưng- Trưởng phòng Văn hóa- Thông tin Hội An
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn