Hội An khi trở thành “Thành phố sáng tạo” có gì khác, thưa ông?
- Có lẽ yếu tố đầu tiên đến từ con người. Khi trở thành thành viên Mạng lưới Thành phố sáng tạo của UNESCO, Hội An sẽ có một cộng đồng với nhận thức trách nhiệm cao. Điều đó chắc chắn mang lại cảm hứng sáng tạo hơn. Chưa kể, mấy trăm năm, đô thị thương cảng sầm uất vang bóng một thời ngủ yên bên dòng sông Hoài như một thành phố dưỡng già, giờ đây như được đánh thức, gột rửa lớp bụi thời gian, xóa tan bao sự lãng quên để lộ diện những gấm hoa huyền ảo, lại được tô son điểm phấn càng làm cho nét đẹp thêm lung linh quyến rũ, tăng sức hút mạnh mẽ cho du khách xa gần…
- Việc UNESCO công nhận Hội An là Thành phố sáng tạo trong lĩnh vực nghề thủ công và nghệ thuật dân gian là vinh dự lớn song cũng đặt ra thách thức không nhỏ cho Hội An trong quá trình phát triển bền vững?
- Nghề thủ công và nghệ thuật dân gian được xem là mạch nguồn, dòng chảy của văn hóa Hội An. Đây là một thành tố quan trọng tạo nên diện mạo, cốt cách văn hóa Hội An. Tuy nhiên, trở thành Thành phố sáng tạo gắn với yếu tố này cũng có nhiều thử thách. Thứ nhất, nguồn nhân lực ngày càng thiếu vắng, nghệ nhân làm việc trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ, nghệ thuật dân gian thưa thớt dần. Thứ hai, nguồn nguyên vật liệu cung ứng cho sáng tạo, nhất là đối với các ngành nghề thủ công ngày càng khó khăn. Thứ ba, đầu ra của sản phẩm thủ công gặp nhiều thách thức. Để đáp ứng tiêu chí của một Thành phố sáng tạo, Hội An sẽ còn phải nỗ lực cải thiện rất nhiều trong thời gian tới.
- Ông nhìn nhận đâu là yếu tố quan trọng để xây dựng thành phố trên nền sáng tạo của cộng đồng?
- Từ lâu, Hội An vẫn luôn xác định nội lực phát triển phải dựa vào cộng đồng. Nghề thủ công truyền thống và tinh hoa nghệ thuật dân gian - là cái lõi của văn hóa Hội An phải được truyền thụ, lan tỏa. Đó cũng là điều Hội An đã và đang tập trung thực hiện. Ví dụ đối với nghệ thuật dân gian, đặc biệt là diễn xướng dân ca, bài chòi… mấy chục năm qua, Hội An đã kiên trì đưa vào học đường. Bây giờ có thể tự hào nói rằng bất cứ thôn ấp, khu dân cư nào nếu tổ chức hô hát bài chòi cũng đều có anh hiệu (người diễn xướng).
Đặc trưng nghề thủ công và nghệ thuật dân gian là mang tính cộng đồng sâu sắc. Để giá trị được cộng đồng hóa, dân gian hóa trong bối cảnh đương đại là hướng đi của Hội An. Tuy nhiên, tất cả giá trị này phải gắn với du lịch. Thành phố sáng tạo không lấy du lịch làm tiêu chí hàng đầu nhưng du lịch là cú hích quan trọng để phát triển các sản phẩm thủ công, sản phẩm văn nghệ dân gian. Du lịch mang đến không gian để nghệ nhân, nghệ sĩ, người thợ… tương tác, gắn kết. Yếu tố này có tính nền tảng, khuyến khích sức sáng tạo đạt đến trình độ cao hơn, có chiều rộng, bề sâu và tầm cao mới trong khuôn khổ một thành phố sáng tạo.
Tận dụng tốt cơ hội
- Như ông vừa nói, gia nhập Mạng lưới Thành phố sáng tạo của UNESCO không đơn thuần là danh hiệu. Ở chặng đường phía trước, Hội An chắc chắn sẽ còn nhiều việc phải làm để danh hiệu này thực sự mang lại lợi ích?
- Để tận dụng tốt cơ hội thúc đẩy thành phố phát triển, vấn đề được cấp ủy, chính quyền Hội An đặc biệt quan tâm là phát huy được sức mạnh của cộng đồng. Danh hiệu “Thành phố sáng tạo” phải tạo kế sinh nhai cho cộng đồng, đem lại nguồn thu nhập, mức sống cao cho người dân. Nếu trước đây, người dân hiểu văn hóa tập trung vào việc chắt lọc, giữ gìn và phát huy giá trị di sản, thì bây giờ “Thành phố sáng tạo” sẽ tham dự vào đời sống của người dân, trở thành nguồn lực, động lực, mục tiêu… để họ hướng đến sự sáng tạo, khởi nghiệp và đổi mới.
- Muốn vậy, Hội An phải nhận diện đầy đủ hơn các chiều cạnh văn hóa của mình?
- Đúng vậy. Thành phố phải thống kê, rà soát những giá trị sáng tạo, kiểm lại các nhóm sáng tạo, nguồn lực sáng tạo, giá trị sáng tạo, sản phẩm sáng tạo…, từ đó, đưa ra chương trình, kế hoạch và quy hoạch tổng thể. Mặt khác, Hội An cũng phải đẩy mạnh triển khai hình thành mạng lưới sáng tạo và áp dụng chuyển đổi số trong hoạt động văn hóa, du lịch, làm cho người dân thay đổi nhận thức và phương pháp thực hành trong lĩnh vực thủ công và nghệ thuật dân gian.
- Cụ thể, việc thay đổi nhận thức và phương pháp thực hành trong lĩnh vực thủ công và nghệ thuật dân gian mà ông nói như thế nào?
- Theo ghi nhận của chúng tôi, việc giữ gìn, phát huy tinh hoa, bản sắc văn hóa vốn có của Hội An đã trở thành ý thức và tâm huyết của người dân. Tuy nhiên, đáp ứng tiêu chí của một thành phố sáng tạo còn là làm sao để mọi người sáng tạo, đóng góp giá trị. Đối với Hội An, vai trò dẫn dắt của đội ngũ nghệ nhân, nghệ sĩ, thợ giỏi rất quan trọng. Họ là trung tâm kết nối, để giá trị sáng tạo đáp ứng nhu cầu đương đại, mang lại sinh kế cho cộng đồng.
- Hội An đã có những chính sách thúc đẩy phát triển các nghề, làng nghề truyền thống, hỗ trợ nghệ nhân, nghệ sĩ, thợ giỏi… Song vấn đề còn là truyền cảm hứng cho các chủ thể sáng tạo, thưa ông?
- Tôi cho rằng đối với nghệ nhân, nghệ sĩ, thợ giỏi, hỗ trợ về kinh tế là một phần, song song với đó phải tạo ra không gian để họ giao lưu, thực hành sáng tạo. Điều đó càng quan trọng trong bối cảnh Hội An kết nối vào Mạng lưới Thành phố sáng tạo của UNESCO, phát triển nghề thủ công và nghệ thuật dân gian phải thay đổi gắn với chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ hiện đại để quảng bá, giới thiệu, để sản phẩm sáng tạo vượt khỏi không gian chật hẹp của truyền thống.
Trong bối cảnh đó, Nhà nước phải làm tốt hơn vai trò kiến tạo của mình, để sức sáng tạo được khai phóng, đem lại hiệu quả rõ ràng hơn, giá trị đo lường tốt hơn. Mấu chốt làm sao phát triển thành phố mà nhìn vào sẽ thấy yếu tố sáng tạo thấm vào diện mạo, cốt cách, trở thành phẩm chất của mỗi người dân.
- Xin cảm ơn ông!
daibieunhandan
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn