Không gian sáng tạo Taboo bamboo
Hiện nay, thành phố ban hành cơ chế khuyến khích các hoạt động sáng tạo như:
-Tạo điều kiện, hỗ trợ các nghệ nhân, cơ sở sản xuất thủ công tham gia hội trại, hội chợ giao lưu học hỏi phát huy tinh hoa nghề cũng như năng lực quảng bá sản phẩm, tiếp cận xu thế mới trong dịch vụ, du lịch. Đồng thời, chú ý công tác xây dựng và bảo vệ thương hiệu của địa phương.
-Để nâng tầm phát huy, sáng tạo văn hóa địa phương trong điều kiện mới, bên cạnh việc nỗ lực gìn giữ nếp sống của cư dân bản địa, rất cần có cơ chế ưu tiên đầu tư về cơ sở hạ tầng, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao.
Là thành phố sáng tạo kiểu mới, trước tiên cần xây dựng một môi trường sống tốt cho cộng đồng dân cư. Quan tâm đến lợi ích của cộng đồng, từ những vấn đề nhỏ nhất, như tiện ích công cộng, cảnh quan, môi trường, chất lượng không khí, không gian kết nối…
Cửa tiệm Hạnh phúc Hội An
Quan tâm đầu tư các cơ sở hạ tầng mới, trở thành một thành phố sáng tạo với những hấp dẫn về điều kiện sinh hoạt trải nghiệm, Hội An sẽ thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, đội ngũ này thường là những con người nhân văn, tham gia vào quá trình tạo lập một thành phố hạnh phúc. Thành phố có các cơ chế, chính sách ưu đãi để họ yên tâm gắn bó làm việc lâu dài ở Hội An.
Thu hút vốn đầu tư, nguồn nhân lực sáng tạo từ các ngành nghệ thuật như âm nhạc, hội họa, trình diễn... Vốn văn hóa bản địa của cư dân thành phố sẽ là nguồn cảm hứng và chất liệu sáng tác, phát huy giá trị của di sản trong đời sống văn hóa đương đại.
Để hướng đến mục tiêu trở thành đô thị di sản, việc tập trung xây dựng một Hội An “bảo tàng sống” ngay giữa môi trường văn hóa đương đại của cư dân bản địa là lối đi hứa hẹn nhiều thành công. Tuy nhiên, cùng với việc gìn giữ và phát huy các giá trị truyền thống, vẫn có thể tính đến những đột phá, thể nghiệm mới, có khả năng nâng tầm vị thế di sản thế giới của Khu phố cổ Hội An. Đó có thể là những bảo tàng nghệ thuật mang hơi thở thời đại của thế giới, ưu tiên cho những nội dung vệ môi trường như kiến trúc xanh, sản phẩm nghệ thuật sử dụng vật liệu thân thiện môi trường, sản phẩm sáng tạo từ vật liệu sẵn có của địa phương…
Bài Chòi Hội An
Tỉnh ủy đã ban hành Nghị Quyết số 31-NQ/TU ngày 31/7/2023 về xây dựng thành phố Hội An theo định hướng thành phố “Sinh thái- Văn hóa-Du lịch”, đây là một điều kiện chính sách vô cùng thuận lợi đối với công tác quản lý, bảo tồn di sản văn hóa. Vừa qua UBND Thành phố đã tham mưu UBND tỉnh Đề án bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hóa thế giới Đô thị cổ Hội An đến năm 2030, định hướng đến năm 2035, sau khi đã được các Sở ban ngành góp ý, được Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất để trình Chính phủ thông qua. Trong đó có nhiều đề xuất cơ chế, giải pháp cho việc bảo tồn và phát huy di sản cũng như nghề truyền thống và nghệ thuật dân gian nói riêng trong tình hình phát triển mới. Đây là những cơ sở pháp lý và nguồn lực quan trọng để thành phố thực hiện cam kết với Unesco khi gia nhập mạng lưới các thành phố sáng tạo toàn cầu.
Phát huy, sáng tạo để tăng cao giá trị, lợi ích đối với cộng đồng địa phương; đồng thời, vẫn luôn cần tỉnh táo để không bước qua giới hạn mong manh giữa bảo tồn và sáng tạo. Thiết nghĩ, điều quan trọng là cần khơi dậy ý thức nhận diện thật sâu sắc những cái vốn có, đang có, để chuẩn bị vững vàng cho một tinh thần mới đầy hứng khởi của quá trình hội nhập và sáng tạo.
Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn