*Hạn chế nhiều mặt:
Khởỉ động từ năm 2005, công tác vận động các cơ sở kinh doanh tham gia xây dựng mô hình “Điểm kinh doanh đạt chuẩn văn minh” đến nay đã ổn định nền nếp, từng bước đi vào thực chất. Gắn với công tác quản lý của chính quyền, mô hình đã tác động tích cực đến việc xây dựng nếp sống, môi trường, cảnh quan kinh doanh trong khu phố cổ.
Đến đầu năm 2016, UBND thành phố đã phê duyệt nội dung điều chỉnh biểu điểm bình chọn “Điểm kinh doanh đạt chuẩn văn minh”, trong đó loại bỏ một số tiêu chí không phù hợp với khu vực phố cổ (như phải có bãi giữ xe, phải lát gạch men tại khu vực bếp) và điều chỉnh một số tiêu chí về vệ sinh an toàn thực phẩm phù hợp với những quy định mới của pháp luật. Do vậy số lượng cơ sở đáp ứng đủ điều kiện ban đầu tham gia chương trình so với những năm trước có giảm nhưng không đáng kể. Trong năm có 251/364 cơ sở kinh doanh đăng ký tham gia (chiếm tỷ lệ gần 69%). Thế nhưng căn cứ theo tiêu chí bình chọn được điều chỉnh bổ sung vào đầu năm thì chỉ có 46 cơ sở được thẩm định chấm điểm, các cơ sở còn lại không được thẩm định vì không đảm bảo một số tiêu chí theo quy định như: diện tích cơ sở, cách sắp xếp trưng bày hàng hóa… Kết quả có 41/46 cơ sở được UBND thành phố công nhận đạt chuẩn văn minh (chiếm 89,13%), trong đó có 17 cửa hàng ăn uống, 24 cửa hàng, cửa hiệu kinh doanh các loại.
Văn minh, văn hóa trong kinh doanh góp phần xây dựng thành phố văn hóa- Ảnh: Đỗ Huấn
Kết quả như vậy chưa đạt như mong muốn, chưa tương xứng với thực tế và chất lượng còn thấp. Trong 41 cơ sở được công nhận chỉ có 1 cơ sở đạt chuẩn hạng 1 (chiếm 2,44%), 2 cơ sở hạng 2 (chiếm 4,88%), 5 cơ sở hạng 3 (chiếm 12,2%). Là lãnh đạo trực tiếp phụ trách cuộc vận động này, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Sơn cho rằng, đây là kết quả đáng buồn. “Số lượng hộ đăng ký tham gia và được công nhận đạt chuẩn còn quá ít so với tổng số cơ sở kinh doanh sản xuất trên địa bàn. Trong đó số lượng được công nhận thì giảm, kể cả công nhận các hạng đều giảm nhiều so với năm 2015. Đó là điều rất đáng buồn”, ông Sơn nói.
Trong khi “điểm” đã ít,”chuẩn” chưa thật cao thì “diện” mô hình cũng bị co cụm. Số cơ sở đăng ký tham gia tập trung nhiều nhất ở 2 phường trung tâm là Minh An và Cẩm Phô (chiếm hơn 78% toàn thành phố). Càng rời xa phố cổ tình trạng mất trật tự, kém văn minh trong kinh doanh thương mại càng xảy ra nhiều hơn. Thường bắt gặp là biểu hiện không niêm yết giá, bán hàng với giá “bắt chẹt”, “chặt chém” khách, hoặc không đúng với yêu cầu thoả thuận ban đầu, tình trạng “cò mồi”, bu bám gây phiền nhiễu du khách… Ông Lê Văn Bình – Trưởng Phòng Thương mại – Du lịch cho biết thêm: “Việc niêm yết giá, vận động phân loại rác tại nguồn, tuyên truyền về không hút thuốc lá, hạn chế sử dụng túi nilon vẫn chưa được các cơ sở kinh doanh chú trọng. Năng lực chuyên môn, kỹ năng giao tiếp chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, chưa được đào tạo chuyên nghiệp, bài bản”.
*Tạo sức lan tỏa:
Triển khai đã hơn 10 năm nhưng cuộc vận động xây dựng “Điểm kinh doanh đạt chuẩn văn minh” ở Hội An chưa đạt độ thẩm thấu cần có. Không ít ông chủ, bà chủ cũng như đội ngũ nhân viên phục vụ của các shop, cửa hiệu, nhà hàng từ trong phố đến vùng lân cận… chẳng hay biết chút gì về phong trào. Khi nghe chúng tôi nói về mô hình này, không ít người “nửa tin nửa ngờ”. Có người dửng dưng cho rằng: “đó là chuyện của nhà nước, còn tụi tui chỉ mong ngày mô cũng có khách, bán được càng nhiều càng tốt!”.
Các cơ sở kinh doanh đăng ký đạt chuẩn văn minh chủ yếu tập trung ở 2 phường trung tâm là Minh An và Cẩm Phô- Ảnh: Đỗ Huấn
Hội An đã và đang trở thành “trung tâm mua sắm” của du khách trong nước và quốc tế nhưng sự thờ ơ, đứng ngoài cuộc vận động xây dựng nếp sống văn hoá trong thương mại du lịch, xây dựng “Điểm kinh doanh đạt chuẩn văn minh”… của lực lượng tiểu thương, mặc cho những biểu hiện thiếu văn minh phát triển đã ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của vùng đất và con người di sản vốn hiền hoà, thân thiện, thật thà… Ông Nguyễn Ngọc Trí – chủ tiệm cà phê Trúc Lâm Viên (phường Tân An) đề nghị: “Thành phố nên có hoạt động cụ thể hơn nữa giúp các cơ sở đặt niềm tin vào môi trường kinh doanh văn minh và ngày càng có nhiều cơ sở đạt chuẩn văn minh hơn. Bên cạnh đó, cần phải có chế tài đối với các cơ sở kinh doanh chụp giựt, kém văn hóa, kém văn minh và định hướng cho họ, nếu họ không đạt thì phải có chế tài. Tôi nghĩ rằng, một thành phố văn hóa không thể có nhiều cơ sở kinh doanh kém văn hóa!”
Mặt khác cũng cần thấy, thời gian qua mặc dù các cấp chính quyền và ngành chức năng đã quan tâm đến công tác tuyên truyền cuộc vận động xây dựng “Điểm kinh doanh đạt chuẩn văn minh” như: công bố danh sách các cơ sở được công nhận trên hệ thống phát thanh, đăng tải trên cổng thông tin điện tử, các trang web của thành phố, của các ngành liên quan, phát hành tờ rơi, tập gấp… để quảng bá, giới thiệu hoạt động của các cơ sở nhưng xem ra chưa mang lại hiệu quả cao, thiếu sức lan tỏa và hiệu ứng xã hội hạn chế.
Ý thức chấp hành pháp luật, kiến thức lịch sử - văn hóa truyền thống của vùng đất, con người Hội An, nghệ thuật kinh doanh, tiếp thị, văn hoá giao tiếp ứng xử… của lực lượng thị dân, thương gia là những yếu tố mang tính quyết định, làm nên vẻ đẹp, thương hiệu du lịch – văn hoá Hội An đối với du khách muôn phương. Cần thường xuyên và chú trọng công tác tuyên truyền, tạo điều kiện thuận lợi về nhiều mặt để các cơ sở kinh doanh tham gia, hưởng ứng một cách tự nguyện tự giác mới mong đạt kết quả cao hơn.
Đỗ Huấn
Nguồn tin: Đài Truyền thanh - Truyền hình Hội An
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn