Cấp thiết
Theo khảo sát từ Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An, tại khu vực I phố cổ (thuộc địa bàn 3 phường Minh An, Sơn Phong, Cẩm Phô) hiện có khoảng 130 hộ, cá thể hoạt động buôn bán hàng rong với 76 loại hàng, gồm 41 hàng ăn uống (bánh, mỳ, bún, xôi, cháo, chè, thức uống các loại…) và 35 mặt hàng lưu niệm, đồ dùng (giày dép, mũ, kính, ví, đồng hồ, tranh ảnh, giấy gương…). Cùng với đó là 50 phương tiện buôn bán và cách thức buôn bán như xe đạp, xe máy, xe đẩy, quang gánh, bàn ghế tủ, bạt… Bên cạnh mặt tích cực như biểu hiện sinh động của một phần giá trị văn hóa truyền thống, văn minh thương mại của Hội An, góp phần đáp ứng nhu cầu mua hàng nhanh, gọn của người dân và du khách, thì sự phát triển vượt tầm kiểm soát của hàng rong, hàng vỉa hè cũng gây ra những lộn xộn làm mất mỹ quan, trật tự phố cổ. Tại một số khu vực như gần Chùa Cầu, bùng binh Nguyễn Thái Học - Bạch Đằng, ngã ba đầu phía bắc cầu An Hội…, vẫn thường xuyên xảy ra tình trạng chèo kéo, nài ép khách của một bộ phận người bán hàng rong, gây khó chịu và ảnh hưởng đến việc tham quan, thưởng ngoạn của du khách.
Bên cạnh đó, tình trạng buôn bán trước di tích; vứt, xả rác trong quá trình bán hàng rong xuống vỉa hè… đã trở thành hình ảnh xấu cho phố cổ. Thậm chí, tên gọi một số món ăn truyền thống cũng đã bị thay đổi; chất lượng một số món ăn đặc sản, hàng hóa giảm sút… Những điều đó đặt ra yêu cầu cấp thiết trong việc chấn chỉnh, sắp xếp lại hoạt động bán hàng rong, vỉa hè. Theo ông Nguyễn Chí Trung - Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An, việc bố trí lại hoạt động kinh doanh hàng rong, vỉa hè trong khu vực I khu phố cổ không chỉ góp phần bảo tồn một hoạt động kinh tế - văn hóa truyền thống, tôn vinh vẻ đẹp phố cổ mà còn giúp gìn giữ môi trường văn hóa và tạo thành một sản phẩm du lịch độc đáo của Hội An. Do đó, chỉ những gánh hàng rong, hàng vỉa hè buôn bán các mặt hàng truyền thống gắn bó và tạo nên nét văn hóa đặc trưng của Hội An mới được bố trí lại nhằm tạo mỹ cảm cho khách về một giá trị văn hóa truyền thống hiện diện trên các vỉa hè đường phố Hội An. “Quy định của Luật Di sản là không bán hàng rong trong di sản. Nhưng vì Hội An là một di tích sống nên vẫn để diễn ra hoạt động này, nên thành phố phải bố trí lại. Cơ bản chỉ sắp xếp các hàng quán vào vị trí cố định để phù hợp với cảnh quan phố cổ và gắn với truyền thống. Còn các mặt hàng không phải là truyền thống của Hội An cần phải di dời ra ngoài” - ông Trung nói.
Vừa làm vừa hoàn thiện
Mới đây, đề án “Bố trí buôn bán hàng rong, vỉa hè trong khu phố cổ Hội An” đã được thành phố thông qua. Ngoài những quy định về loại hình, hình thức, cách thức, vật liệu, trang phục người bán…, đề án cũng quy định cụ thể những mặt hàng được bán hoặc không được bán trong phố cổ. Cụ thể, không bố trí lại những mặt hàng không phù hợp với truyền thống văn hóa Hội An hoặc gây ảnh hưởng đến sự an toàn của người dân và du khách, như chim tre, vật bay phát quang, gậy chụp ảnh, tranh 3D, đồ chơi bằng nhựa, dịch vụ dán, xăm hình, kính mát…, kể cả các món ăn được chế biến theo hình thức nướng, quay, đốt (thịt nướng, bánh xèo, bắp nướng…) nhằm đảm bảo phòng chống cháy nổ, ô nhiễm mùi. Đề án cũng hướng đến đối tượng ưu tiên là người địa phương có hộ khẩu thường trú tại Hội An; người đã từng tham gia bán vỉa hè và đóng lệ phí cho địa phương; người của các gia đình có truyền thống và uy tín về bán hàng rong địa phương; người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, các hộ ở trong kiệt hẻm Hội An…
Theo ông Võ Phùng - Giám đốc Trung tâm VH-TT TP.Hội An, việc sắp xếp lại hoạt động bán hàng rong trong phố cổ là vô cùng quan trọng nhằm tạo nét riêng cho Hội An, cũng tạo sự công bằng cho một số hộ dân trong phố cổ. “Vấn đề này chúng tôi đã đặt ra từ rất lâu, nhằm chấn chỉnh tình trạng bát nháo như hiện nay. Hàng rong cũng là một nét văn hóa của Hội An, nhưng việc đưa các mặt hàng hiện đại vào, cùng cách buôn bán chụp giựt của một số người thời gian qua là không ổn, nên phải bố trí, sắp xếp lại, chỉ giữ lại những mặt hàng truyền thống gắn với con người và văn hóa Hội An” - ông Phùng chia sẻ.
Dù hơn một tuần nữa việc sắp xếp, bố trí hàng rong mới được triển khai, nhưng theo ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An, hầu hết người dân đều ủng hộ chủ trương này. Đến nay thành phố chưa nhận được ý kiến phản đối nào từ các hộ bán hàng rong vỉa hè. “Sau khi sắp xếp, sẽ có 40 điểm với 62 hộ được bố trí lại trong phố cổ. Những cá nhân, hộ kinh doanh khác sẽ bố trí tại các tuyến đường, khu vực như chợ Hội An, khu vực phố đi bộ đường Nguyễn Phúc Chu, chợ đêm Nguyễn Hoàng; khu vực phía tây cầu Quảng trường Sông Hoài - đường Cao Hồng Lãnh; khu vực bờ kè Đồng Hiệp… Riêng những người bán hàng dạo như chim tre, điện tử… sẽ phải ra ngoài phố cổ. Quá trình thực hiện sẽ diễn ra đúng ngày 1.1.2017. Thành phố sẽ vừa làm vừa hoàn thiện dần để xây dựng hình ảnh phố cổ mỹ quan và văn minh hơn trong mắt du khách” - ông Sơn nói.
VĨNH LỘC
Nguồn tin: baoquangnam.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn