Từ nền móng vùng đất
Cảng thị Hội An đã từng là nơi giao thương nhộn nhịp và nay cũng được tiếp nối với những ý tưởng kinh doanh độc đáo, nhanh nhạy. Nhiều doanh nghiệp tại Hội An cho rằng, chính tinh thần của vùng đất đã ít nhiều tạo nên những doanh nghiệp với triết lý kinh doanh có chiều sâu, phát triển bền vững. “Cùng với nền tảng của việc giao thương này, một điều nữa ít nơi nào có được là Hội An có môi trường sống chậm - điều mà tầng lớp trí thức rất ưa chuộng. Cộng đồng người nước ngoài muốn tìm đến một nơi như vậy. Cùng với đó, họ sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm từ việc kinh doanh cho đến nhận thức về các vấn đề xã hội” - ông Phan Xuân Thanh, Tổng Giám đốc Công ty EMIC Hospitality, Chủ nhiệm CLB Khởi nghiệp Hội An nói. Cũng theo ông Thanh, hầu như các doanh nghiệp tại Hội An đều tạo ra những CLB ngay trong doanh nghiệp của mình. Những CLB này sẽ tạo sự kết nối với nhau và chia sẻ những kinh nghiệm phát triển cũng như giao lưu cùng cộng đồng người nước ngoài tại Hội An. “Khởi nghiệp bắt đầu từ nhận thức, nhận thức thay đổi thì hoạt động sẽ thay đổi. Tiếp cận với người nước ngoài nhiều sẽ mở ra góc nhìn có chiều sâu hơn” - ông Thanh nói thêm.
Việc khởi nghiệp tại một vùng đất có nền móng tốt như vậy, cũng là điều kiện thuận lợi để những doanh nghiệp trẻ học hỏi thêm về các kỹ năng tồn tại và phát triển. Ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An cho biết, phong trào khởi nghiệp ở Hội An hoàn toàn khác với các nơi. “Không ồn ào, rầm rộ nhưng thầm lặng đi vào chiều sâu. So với Đà Nẵng thì Hội An vẫn chủ yếu là cư dân của địa phương phát triển bền vững lâu dài, các doanh nghiệp sống được với thời gian vẫn là người Hội An chiếm đa số” - ông Sơn chia sẻ. Tính cách người Hội An đã được vận dụng ngay vào câu chuyện phát triển kinh doanh của mình. Theo ông Sơn, người Hội An biết nắm bắt thế mạnh của bản sắc vùng đất, đồng thời họ chọn cách nghiêng về lợi ích cộng đồng, bảo vệ môi trường. “Chính quyền Hội An luôn đồng hành và ủng hộ những doanh nghiệp trẻ. Một điều có thể thấy là những dự án khởi nghiệp thành công đều đi đúng hướng của thành phố đặt ra, các doanh nghiệp phối hợp chặt chẽ để giữ cho một Hội An giàu bản sắc nhưng vẫn là vùng đất có nhiều sản phẩm đa dạng” - ông Sơn cho biết.
Các doanh nghiệp đang đứng rất vững tại Hội An một phần cũng nhờ biết chọn con đường của mình, đặc biệt là phát triển từ những sản phẩm truyền thống lâu đời của Hội An. Ẩm thực của Trịnh Diễm Vy, gốm của Nguyễn Văn Nguyên hay lụa của Lê Thái Vũ là 3 sản phẩm đặc trưng của Hội An được nâng tầm từ bàn tay của chính cư dân Hội An.
Tương tác và khác biệt
Hội An đang phấn đấu xây dựng thành phố sinh thái, văn hóa và du lịch nên những ý tưởng khởi nghiệp cũng được định hình theo định hướng phát triển của thành phố. Du lịch sinh thái là sản phẩm đang nở rộ, thu hút du khách tham gia, nhất là du khách nước ngoài khi đến Hội An. Từ “một ngày làm nông dân ở làng rau Trà Quế”, làng rau hữu cơ Thanh Đông, trồng dừa nước… đều được khai thác triệt để. Mới đây, một đơn vị lữ hành vừa đề xuất với lãnh đạo thành phố mở thêm tour du lịch thả rùa biển về với tự nhiên ở đảo Cù Lao Chàm. Chủ nhiệm CLB Khởi nghiệp Hội An – ông Phan Xuân Thanh cho biết, thành phố hiện có khoảng 400 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, trong đó có nhiều doanh nghiệp mặc dù mới khởi nghiệp nhưng dần tạo được thương hiệu riêng. “Các ý tưởng khởi nghiệp ở Hội An đều hướng tới việc phát huy giá trị văn hóa bản địa, gìn giữ môi trường sinh thái, cùng nhau liên kết để làm du lịch cộng đồng. Điều quan trọng nhất là những ý tưởng đều được nảy sinh từ tình yêu đối với Hội An, không chỉ nhằm tạo ra giá trị lợi nhuận đơn thuần” - ông Thanh nói.
Riêng CLB Khởi nghiệp Hội An, đa số thành viên đều là những doanh nghiệp đã có bước phát triển chắc chắn. Họ trở thành một nhóm người đủ trải nghiệm để nhận định những ý tưởng tốt và tìm cách tương tác để đưa những ý tưởng đó trở thành hiện thực, kể cả việc hỗ trợ kinh phí. Ông Thanh chia sẻ thêm, một dự án khởi nghiệp tốt nếu có thêm sự giúp đỡ của những người cùng lĩnh vực, sẽ tạo thêm sức mạnh để dự án thành công. Cùng quan điểm này, các thành viên của CLB Khởi nghiệp Hội An cho rằng những ý tưởng tốt sẽ thu hút được người khác tham gia. Các thành viên trong CLB Khởi nghiệp Hội An đã tạo nên một sức hút trong chính doanh nghiệp của mình, nhiều người trẻ trong doanh nghiệp chọn con đường riêng từ chính sự động viên của ông chủ mình. Riêng câu chuyện chọn lĩnh vực ẩm thực và du lịch để khởi nghiệp, ngay tại Hội An, được xem là một lựa chọn ưu tiên của những người trẻ. Trong một môi trường du lịch nhộn nhịp như Hội An, ý tưởng khác biệt sẽ làm nên thành công cho những người bắt đầu khởi nghiệp trong lĩnh vực này. “Thành phố đang mở rộng không gian du lịch về những làng quê, làng nghề, vùng biển đảo, điều này sẽ tạo nên nhiều cơ hội mới cho những ý tưởng khởi nghiệp. Chưa kể chính quyền địa phương luôn dành nhiều ưu đãi cho những ý tưởng thiên về du lịch sinh thái, văn hóa” - ông Nguyễn Văn Sơn nói.
Theo ông Sơn, những ý tưởng khởi nghiệp về du lịch ở Hội An có tỷ lệ thành công cao, bởi lượng khách du lịch của Hội An đa phần là khách quốc tế thích sự mới mẻ, độc đáo. Sự phát triển của phong trào khởi nghiệp ở Hội An đang góp phần vào tốc độ tăng trưởng kinh tế của thành phố. Hiện nay, lĩnh vực dịch vụ du lịch, thương mại là ngành kinh tế chủ đạo, chiếm gần 70% tỷ trọng giá trị sản xuất kinh doanh của Hội An. Được bình chọn là một trong những “Thủ phủ ẩm thực thế giới”, cùng với những đặc trưng vốn có, nhiều ý tưởng khác biệt trên nền tảng tương tác với môi trường, những dự án khởi nghiệp đang bắt tay vào thực hiện ở Hội An hứa hẹn sẽ mang đến những thành công. Không chỉ với người Việt, rất nhiều người nước ngoài chọn dừng chân ở Hội An và họ cũng làm nên sức hút từ chính công việc của mình tại đô thị cổ, mở thêm nhiều cơ hội hình thành một môi trường khởi nghiệp chuyên nghiệp cho vùng đất thương cảng xưa.
LÊ QUÂN
Nguồn tin: baoquangnam.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn