//

Hội An "tinh lọc" hàng rong

Thứ tư - 12/10/2016 09:42

Trong số rất nhiều hoạt động lập lại trật tự kinh doanh, buôn bán trong khu phố cổ Hội An thì việc “tinh lọc” hàng rong đang được thành phố đặc biệt quan tâm nhằm giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa lợi ích và nhu cầu sinh kế của người dân với việc giữ gìn, phát huy giá trị, uy tín, thương hiệu của điểm đến.

images1300736 HOI AN HANG RONG 28

Hàng rong ẩm thực luôn được du khách yêu thích.Ảnh: LÊ HIỀN

Nhu cầu sinh kế của người dân

Hơn hai tháng trước, khi mùa du lịch nội địa vừa bắt đầu, cũng như nhiều người khác, chị Nguyễn Thị Lan tranh thủ thời gian thực hiện phố dành cho người đi bộ và xe không động cơ, dọn gánh hàng thịt nướng ra bán tại vỉa hè đường Bạch Đằng (đoạn giáp với đầu cầu An Hội, phường Minh An). Buổi chiều trời mát mẻ, hương vị từ gánh hàng của chị tỏa thơm, tạo sức hấp dẫn đặc biệt nên nhiều du khách đã dẫn cả gia đình cùng vào thưởng thức. Tuy bán đắt hàng nhưng chị Lan vẫn nhấp nhổm không yên bởi chị biết, việc dọn hàng của mình là sai quy định về bày bán hàng rong nơi vỉa hè đường phố, ảnh hưởng mỹ quan khu phố cổ. Chị chia sẻ: “Tôi biết là chỗ vỉa hè ni thành phố cấm nhưng tôi vẫn bán, vì hoàn cảnh khó khăn quá nên cũng bươn đại. Tôi mong là thành phố cấp cho một chỗ ngồi ổn định”.

Trong một cuộc họp gần đây, Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An Nguyễn Văn Sơn cho biết: “Thành phố phải khẩn trương bố trí, sắp xếp các hàng rong truyền thống. Lần này cương quyết sắp xếp lại cho đúng bài bản, quy củ. Sau này khi sắp xếp xong, đề án được phê duyệt rồi thì bố trí trường hợp nào, chỗ nào, bao nhiêu mét, ranh giới ra làm sao phải có quy định hết sức cụ thể. Quan điểm của thành phố là tái hiện hàng rong trong phố cổ, sắp xếp và chỉ duy trì những loại hàng rong phù hợp với văn hóa Hội An, với những địa điểm cụ thể”.

Chia sẻ của chị Lan cũng là nỗi lòng của rất nhiều người buôn gánh, bán bưng hàng ngày trên các tuyến đường, góc phố trong khu phố cổ. Bởi khi du lịch phát triển, hàng rong đã trở thành sinh kế cơ bản của nhiều gia đình không có mặt bằng kinh doanh trong khu phố cổ, hoặc có lao động nhưng độ tuổi và sức khỏe không phù hợp với công việc ở các cơ sở du lịch, dịch vụ cao cấp. Chính vì vậy, khi triển khai việc khảo sát, sắp xếp, quản lý hàng rong, thành phố cũng nhận được rất nhiều ý kiến góp ý để vừa giải quyết tốt bài toán sinh kế cho người dân, vừa có thể duy trì được các loại hàng rong truyền thống, phù hợp với văn hóa địa phương và đáp ứng nhu cầu, sở thích của du khách, tạo thêm sản phẩm du lịch. Ông Trầm Thế Quý, người lâu năm sống trong khu phố cổ, cũng là thành viên Ban trị sự Hội quán Phước Kiến cho rằng, nếu được khảo sát, sắp xếp vị trí, quy định thời gian buôn bán và quản lý một cách bài bản, chặt chẽ thì hàng rong sẽ tiếp tục góp phần tạo nên vẻ đẹp bình dị trong đời thường. Hay nói cách khác là tạo “hồn” cho khu phố cổ Hội An như mấy chục năm trước kia. Ông Quý cho rằng, việc xem xét giải quyết cho người bán hàng rong duy trì buôn bán một cách nền nếp vào những khung giờ nhất định trong ngày rất cần thiết, nên làm. “Ngay như cái vỉa hè của Hội quán Phước Kiến này, tôi thấy có một số bà con buôn bán lấn chiếm vỉa hè, nhưng đây là những người có đời sống hết sức khó khăn. Có những hôm khách đang mua, nghe tin có lực lượng quy tắc xuống, người ta dọn dẹp chuyển đi. Thành phố nên nghiên cứu lại xem, nếu như người ta bán như vậy mà không ảnh hưởng tới giao thông trong giờ cấm xe thì cứ cho người ta bán. Phố đi bộ mà, người ta đi dưới lòng đường chứ đâu có đi trên vỉa hè. Hơn nữa về ban đêm họ bán hàng rong như vậy, khách tới người ta thấy đẹp lắm” - ông Quý nói.

“Tinh lọc” hàng rong

Để đáp ứng tâm tư nguyện vọng của người dân và lập lại trật tự kinh doanh, buôn bán hàng rong trong khu phố cổ, đem lại sự hài lòng cho du khách, từ tháng 7 năm nay, TP.Hội An đã thành lập Tổ công tác lập “Đề án nghiên cứu đề xuất bố trí buôn bán hàng rong, vỉa hè trong khu phố cổ”, trong đó các đơn vị như Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An, Trung tâm Văn hóa - thể thao thành phố là những đơn vị chủ công. Qua đợt khảo sát của tổ công tác và các ý kiến tham vấn cộng đồng cho thấy, so với nhiều năm về trước, hiện nay, lượng người buôn bán hàng rong, vỉa hè trong khu phố cổ đã tăng đáng kể, nhất là vào ban đêm, với nhiều mặt hàng. Trong đó có nhiều loại hàng mới, phù hợp với văn hóa Hội An như hoa đăng, đồ chơi gấp lá dừa, con thổi, đồ gốm mỹ nghệ Thanh Hà, đồ gỗ mỹ nghệ Kim Bồng, đồ lưu niệm bằng tre… Song, bên cạnh đó cũng có không ít loại hàng rong mới, được cho là không phù hợp với văn hóa địa phương hoặc ảnh hưởng đến môi trường, cần hạn chế như tranh 3D, đồ chơi bằng nhựa, vật bay phát sáng, chim nhựa, dịch vụ xăm dán hình, gương kính mát, gậy chụp hình, thịt nướng, trái cây được gánh bán bằng cách đi rong... Điều đáng nói là nhiều người bán hàng rong còn sử dụng xe máy, xe đẩy, trải bạt dưới nền vỉa hè, đặt giá treo, công cụ bằng nhôm nhựa, mang mặc trang phục không phù hợp khi bán hàng. Thêm vào đó, tên gọi các món ăn truyền thống cũng bị thay đổi, chất lượng một số món đặc sản, hàng hóa bị giảm sút. Một số món ăn của người Hội An xưa không còn được duy trì, bày bán. Đáng nói hơn là vì lợi ích trước mắt, nhiều người bán hàng rong buôn bán ngay trước các di tích hoặc bu bám, chèo kéo chào mời, làm phiền du khách hoặc đưa trẻ em ở độ tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” ra bán hàng để câu khách. Đó là chưa kể nhiều người bán hàng rong còn xả rác tại nơi buôn bán, không đảm bảo vệ sinh môi trường, gây phản cảm với du khách.

Trên cơ sở tâm tư nguyện vọng của người dân và kết quả khảo sát thực trạng, đề xuất giải pháp của Tổ công tác lập “Đề án nghiên cứu đề xuất bố trí buôn bán hàng rong, vỉa hè trong khu phố cổ”, TP.Hội An sẽ “tinh lọc” hàng rong theo hướng phù hợp với văn hóa địa phương và nhu cầu, sở thích của du khách. Từ hướng này, địa phương sẽ ưu tiên khôi phục các mặt hàng truyền thống, ban hành danh mục những mặt hàng gắn liền với đặc trưng văn hóa Hội An, xét chọn đối tượng buôn bán phải là người cam kết thực hiện đúng các quy định về địa điểm, diện tích, mặt hàng, phương tiện, công cụ, trang phục truyền thống và đặc biệt là các quy định về tên hàng, niêm yết giá. Thành phố cũng sẽ không giải quyết việc bán hàng rong trong phố cổ bằng xe đạp, xe máy, xe đẩy và xử lý nghiêm đối với người bán buôn không đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm. Đi đôi với các biện pháp này, thành phố cương quyết chỉ đạo các đơn vị chức năng thực hiện nghiêm việc kiểm tra, bố trí, sắp xếp hàng rong trật tự, quy củ theo đề án, đồng thời có các chế tài mạnh, đúng luật để răn đe các trường hợp vi phạm.

LÊ HIỀN

Nguồn tin: Báo Quảng Nam


 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật