//

Người Hội An

Thứ ba - 07/03/2017 22:47

Nhiều lần đến phố cổ Hội An nhưng mỗi lần đến đều cho tôi những cảm nhận khác nhau. Rồi không biết tự bao giờ, Hội An trong tôi quen thuộc đến mức chỉ nhắm mắt lại cũng có thể nghe được tiếng bước chân du khách trên phố, tiếng mái chèo khua nước trên sông Hoài. Lắm lúc thấy lòng ưu tư, tôi lại chạy xe vào đây, chỉ để nhâm nhi tách cà-phê bên sông Hoài, ngắm nhìn phố xá là cảm thấy lòng thật bình yên... Để rồi chợt hiểu vì sao, rất nhiều du khách khi đến đây đều nói rằng: “Đến Hội An một lần, không thể không đến lần nữa”...

1 43687

Nghệ nhân dạy hát bài chòi cho thế hệ trẻ.

1. Với thế mạnh riêng có về sự cổ kính, thanh bình, sẽ thật không ngoa khi nói rằng, Hội An hấp dẫn bất kỳ ai có dịp đặt chân đến đây. Riêng tôi, ngoài những ngôi nhà cổ kính với mái ngói phủ rêu xanh, những con đường đèn lồng lập lòe ánh đỏ, những món ăn dân dã, đậm đà tình quê... thì con người nơi đây là một “di sản”, níu giữ chân người. Dù là ai đi nữa, một người tri thức hay một người buôn thúng bán bưng, cũng đều là những người truyền cảm hứng về thành phố cổ kính này. Chính sự hồn hậu, chân chất của những con người nơi đây đã khiến du khách bịn rịn không muốn rời xa... “Người Hội An thân thiện quá!”-đó là nhận xét của cô bạn tôi quê ở Ninh Bình khi lần đầu đến đây. Bạn ấy chia sẻ: “Đến Hội An, thích nhất là được sà vào một quán cóc ven đường, trò chuyện cùng những người dân quê bình dị. Những câu chuyện không đầu không cuối cùng cách họ nói chuyện luôn cho mình cảm giác thân thuộc như người nhà”. Bạn bảo, không gian và con người Hội An khiến con người có cảm giác muốn được sống chậm lại một chút.

Cũng với một tình cảm đặc biệt dành cho con người nơi đây, anh Thanh Hải, du khách đến từ TP Hồ Chí Minh mà tôi tình cờ quen trong một lần đến Hội An, bày tỏ: “Đây là lần đầu tôi đến Hội An nhưng con người nơi đây để lại trong tôi ấn tượng khó quên. Vừa mới vào đây, tôi bị lạc nên ghé một quán ven đường mua bản đồ. Khi biết tôi là du khách lần đầu đến, chủ quán đã vui vẻ tặng tôi tấm bản đồ. Thấy tôi loay hoay với nó, chủ quán ngỏ ý chở tôi ra bãi đỗ xe và chỉ đường về làng gốm Thanh Hà. Giá trị tấm bản đồ không lớn, nhưng tấm thịnh tình của người Hội An thì không sao kể được bằng lời! Sau đợt này, tôi sẽ đưa vợ con quay lại đây! Người Hội An thật đáng mến!...”.

Câu chuyện anh Hải kể khiến tôi chợt nhớ đêm mồng 2 Tết vừa rồi khi cùng người bạn vào đây chơi. Mải lang thang dạo phố đi bộ, chúng tôi không hay biết thời gian đã dần về khuya. Sợ chúng tôi không kịp lấy xe về lại Đà Nẵng, một anh bán hủ tiếu ven đường đã chở giúp về bãi đỗ xe ở đường Hai Bà Trưng. Đến nơi, anh còn dặn dò chạy xe cẩn thận. Trời rất lạnh nhưng hai chúng tôi thấy lòng mình ấm lạ...!

2. Càng tiếp xúc với người Hội An, tôi càng nhận ra những nét đáng yêu vô cùng nơi họ. Nhắc đến Hội An không thể không nhắc đến hình ảnh những người gánh hàng rong. Chính họ đã tạo nên một phần hồn rất đáng yêu cho thành phố cổ kính này, đi vào ký ức của không ít người như gánh xí mà phù (chè mè đen) của ông Ngô Thiếu. Chè của ông mang hương vị đặc trưng, ăn một lần là nhớ mãi. Có người nói vì ông nấu chè bằng nước giếng Bá Lễ, có người đoán nhờ bí kíp gia truyền… Mới đây, khi vào Hội An, tôi cũng tìm đến gánh xí mà phù của ông nhưng chẳng thấy ông đâu. Hỏi mới biết, ông không còn bán nữa mà truyền nghề lại cho con cháu. Hoặc như cô bán bánh dày đậu, mỗi sáng lại đội thúng bánh dày trên đầu, đi bán trên khắp các con phố. Đặc biệt, cô không rao, không mời, mà vẫn rất đắt hàng. Khách hàng là những người ăn quen, thấy ngon nên kêu lại mua. Có khi cô bán tới 8 giờ là hết bánh. Nhiều người thắc mắc, hỏi sao không làm thêm để bán, cô chỉ cười “bán ít cho ngon bánh”. Những câu chuyện về người Hội An như thế, cho tôi bài học về sự biết đủ và tính kiên trì. Ông cụ bán chè mè đen hay cô bán bánh dày, với chất lượng và uy tín, họ có thể mở rộng để kiếm được nhiều tiền hơn. Nhưng họ lại chọn cách làm ở phạm vi vừa đủ để tập trung làm tốt nhất có thể.

3. Anh Nguyễn Quốc Pháp cũng là một trong số những người đã để lại trong tôi sự ngưỡng mộ. Khởi nghiệp từ một xe cà-phê dạo, đến nay anh trở thành chủ cửa hàng cà-phê FaiFo nổi tiếng ở Hội An. Tiếp xúc với Pháp, tôi cảm nhận được hoài bão, tình yêu của chàng trai trẻ dành cho quê hương. Chính tình yêu này đã thôi thúc anh gìn giữ lại phương pháp rang xay cà-phê mộc, một thời làm nên danh tiếng phố Hội. Đối với Pháp, việc gìn giữ nét cổ truyền của quê hương quan trọng hơn tất thảy. Đó cũng là nét đẹp hiếm thấy của những người con được nuôi dưỡng, lớn lên bên dòng sông Hoài. Anh chia sẻ: “Tình yêu với cà-phê chớm nở từ ngày thơ bé, cứ thế lớn lên theo năm tháng để mình khát khao một ngày làm sống lại bí kíp rang xay cổ truyền”. Câu chuyện của chủ quán Faifo Coffee cho tôi cảm nhận được một mối duyên nợ với hương cà-phê trong ký ức về Hội An xưa...

2 112835

Người giữ hồn chiếc đèn lồng phố Hội.

Hay như câu chuyện mang đèn lồng Hội An ra thế giới của vợ chồng anh Trần Hà. Mặc dù đã xây dựng được một thương hiệu đèn lồng Hội An nổi tiếng trong nước và thế giới, thế nhưng khi tiếp xúc, tôi không thấy họ có gì khác hơn so với những người dân bình dị khác ở Hội An đã từng gặp. Họ vẫn giữ được sự chân chất, giản dị và cả đau đáu về trách nhiệm với chiếc đèn lồng phố Hội...

Hội An đang phát triển hơn rất nhiều. Và trong sự phát triển không ngừng ấy, con người Hội An cũng phải tập thích nghi để phù hợp với cuộc sống thời hiện đại. Dù vậy, họ vẫn giữ được cho mình những cốt cách riêng, để ai từng gặp, tiếp xúc cũng khó có thể quên, như men “rượu hồng đào chưa nhấm đã say” vậy! Ấy thế nên mới có câu “Hội An đất chật người đông, nhân tình thuần hậu lá bông đủ màu”. Chợt mấy câu thơ của ai cứ tràn về trong lòng: “Hội An ơi? Tôi đã đặt chân/Không tả nổi vì tình người chân chất/ Tôi đã say vì men yêu ngây ngất/ Chẳng bao giờ quên nỗi ngất ngây em...”.


Nguồn tin: www.cadn.com.vn


 

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn