Không biết tự bao giờ hàng rong đã ra đời và tồn tại ở vùng đất Hội An. Gánh hàng nhỏ nhoi ấy đi qua năm tháng, gắn liền với những thói quen sinh hoạt đời thường, tạo hồn cho phố cổ, góp phần làm nên vẻ đẹp không trùng lặp cho vùng đất di sản. Đó là chia sẻ của nhiếp ảnh gia Vĩnh Tân, người đã chụp được rất nhiều tấm ảnh quý về Hội An trong thế kỷ trước. Ông nói rằng: “Hàng rong là cái hồn của phố cổ. Trước năm 1945 và sau năm 197, nó phát triển từng giai đoạn. Trước năm 1945, có những cái hàng rong không phải ai cũng mua được. Có cái hàng rong cho người lao động, có hàng rong cho người khá giả ở trong phố ăn. Ví dụ như bún bò, cháo vịt, mì Quảng nhưng hồi đó không kêu là mì Quảng, mà kêu là mì sứa. Nhưng mà hàng rong cũng có cái tên theo người bán. Bún bò là bún bò bà Giằng, mì sứa bà Kênh, các bà ngồi xuống là có người tới ăn liền. Rất là đẹp. Lúc đó tôi thấy đẹp nên chụp lại ảnh, không nghĩ bây giờ nó lại trở nên rất quý. Và lúc đó phố vắng, không đông như bây giờ. Khi Hội An chưa “mở cửa” thì hàng rong lác đác, khi “mở cửa” rồi thì hàng rong rầm rộ lắm, như vậy lại trở thành mất trật tự. Nếu mà nhà nước khoanh vùng lại thì đó vẫn còn là cái hồn của phố cổ, rất là đẹp, giữ lại nếp cũ hồn xưa cả trăm năm nay”
Câu chuyện của nhiếp ảnh gia Vĩnh Tân đã gợi nhắc tuổi đời, số phận, hải trình của gánh hàng rong phố Hội. Đi cùng năm tháng, gánh hàng rong ấy đã trở thành một sản phẩm không thể thiếu trong đời sống thường nhật của người Hội An. Nhiều người cho rằng, hàng rong Hội An được ra đời từ một đặc tính rất riêng của người phố Hội, đó là thói quen ăn quà vặt. Cũng từ đó, người Hội An rất tinh tế, khéo léo và đầy tài hoa khi nghĩ và làm ra nhiều món ăn ngon, lạ, từ những nguyên liệu phổ biến. Đó là những dĩa cơm gà, tô cao lầu nóng hổi, những chén xí mà dịu ngọt, những chiếc bánh khoai, bắp nướng, bánh xoài hay những xiên thịt nướng cuốn với bánh ướt, đậm đà, thơm phức. Chính sự đa dạng, tinh tế trong ẩm thực đường phố ấy đã mời gọi và níu chân bao du khách gần xa. Nhiều người cho rằng, đến Hội An nếu chưa được ăn quà vặt từ những gánh hàng rong thì chắc hẳn, chuyến đi sẽ thiếu những điều trải nghiệm nhẹ nhàng mà thú vị, thanh tao. Du khách Lim Dong Huyn đến từ Hàn Quốc chia sẻ: “Tôi đến Hội An, ngồi ngay ở nơi này để ăn Cao Lầu, nem lụi của các bạn. Rất ngon và lạ. Tôi phát hiện ra rằng, chỉ có nơi đây mới được ăn món Cao Lầu như thế này. Không biết món ăn này có dễ làm hay không nhưng tôi nghĩ rằng tạo được hương vị riêng cho món ăn như vậy chắc chắn sẽ là điều khó, công phu”.
Hàng rong luôn được nhiều người ưa thích nhưng cần được sắp xếp bố trí hợp lý- Ảnh: Sưu tầm
So với các đô thị khác, hàng rong phố Hội có những nét riêng biệt - Nhiều đấy nhưng luôn có sự kén chọn, tinh lọc rõ ràng. Không phải loại hàng rong nào cũng phù hợp với phố cổ Hội An. Những thứ hàng phổ biến, người ta có thể mua ở bất cứ nơi nào nhưng khi đặt chân đến đây, du khách thường mong muốn tìm được thứ hàng rong rất riêng, vừa xưa cũ, vừa nhẹ nhàng, mang chút đặc trưng, phù hợp với không gian, cảnh sắc của phố cổ. Vì lẽ đó, người bán hàng rong ở Hội An cũng tìm kiếm những mặt hàng rất khác so với hàng rong thường thấy ở nhiều đô thị. Không chỉ là những món ăn dân giã, bình dị, gánh hàng rong phố Hội đôi khi còn là những “sản vật” thủ công, mỹ nghệ do người bản địa làm ra.
Tám mươi hai tuổi, cụ bà Dương Thị Dâu, ở khối Thanh Nam, phường Cẩm Châu đã có vài ba chục năm ngồi ở một góc nhỏ trong phố cổ với mẹt tò he của làng gốm Thanh Hà. Cho dù cuộc sống ngoài kia luôn vận động, biến thiên không ngừng nhưng trong khoảng không gian ấy, ngày ngày cụ vẫn bỏm bẽm nhai trầu và chờ đợi khách hàng ghé đến. Dường như chút thâm trầm của phố và nhịp thời gian trôi qua, cùng với bao kẻ đến, người đi, tất cả đã vô hình in những nếp nhăn già nua trên gương mặt của cụ. Để rồi, khi gặp hình ảnh cụ bên mẹt tò he ấy, mọi người như tìm lại ký ức xưa cũ, thô mộc, thân thuộc, gần gũi trong tâm trí của một thời đã xa. Cụ bà Dương Thị Dâu bộc bạch: “Bà bán hai mươi mấy năm. Hồi trước bà bán đắt lắm. Nhưng mà chừ ngày bà kiếm trăm, dăm bảy chục rứa thôi nhưng mà vui, ở nhà buồn quá. Cái đời của bà ưng đi cho vui thôi. Ở nhà buồn là đổ đau liền. Bán ri có đồng tiền vô, đồng tiền ra, có người qua, người lại, vui lắm. Đi thì vui, hồi mô cũng ưng đi thôi ”
Vốn là vùng đất hội nhân, hội thủy, hội tình, từ mấy trăm năm trước, hoạt động buôn bán ở cảng thị Hội An đã tấp nập trên bến dưới thuyền. Người buôn, kẻ bán ở Hội An luôn có đủ thành phần, đến từ nhiều vùng miền, quốc gia khác nhau. Buôn lớn có, buôn nhỏ cũng có. Người ta thường cho rằng vai trò của tầng lớp thương nhân buôn bán lớn rất có ý nghĩa đối với sự hình thành và phát triển cảng thị Hội An, nhất là trên phương diện kinh tế. Đúng là như vậy nhưng nhìn nhận ở chiều sâu và bề dày văn hóa, các nhà nghiên cứu cho rằng, hàng rong phố hội – một loại hàng của những người buôn bán nhỏ trên đường phố, vỉa hè lại ẩn chứa những giá trị lịch sử, văn hóa rất riêng. Ông Nguyễn Văn An, Phó Giám đốc Trung tâm QLBTDSVH Hội An cho rằng: “Hoạt động buôn bán hàng rong vỉa hè gắn liền với quá trình hình thành phát triển của khu phố cổ Hội An. Ngoài việc chứa đựng những giá trị về lịch sử văn hóa thì những gánh hàng rong tạo nên sức sống và tính hấp dẫn của Di sản văn hóa Hội An hiện nay. Chúng ta cứ thử nghĩ, phố cổ Hội An như bức tranh thì hàng rong như những điểm xuyết chấm phá những mảng màu, làm cho phố trở nên lung linh, sống động và có hồn. Ngoài những vấn đề về lịch sử thì trong những gánh hàng rong như vậy, nó lưu giữ rất nhiều ký ức, về đời sống của người dân nơi đây trong thời kỳ phát triển của Hội An trước kia. Có những người dân ở đây đi xa, rất nhớ về gánh hàng rong, nhớ về tiếng rao, nhớ về thời điểm từng đêm người ta đi bán những món ăn. Như vậy buôn bán hàng rong không đơn thuần là buôn bán mà liên quan đến văn hóa buôn bán kinh doanh của phố cổ Hội An”.
Vẻ đẹp của hàng rong là vậy nhưng rồi cũng có những thời điểm, vì miếng cơm manh áo, lượng người bán hàng rong đổ về phố cổ rất nhiều. Đâu đó cũng có những mặt hàng, những cách ứng xử giao tiếp của người bán hàng rong với khách chưa thật sự phù hợp. Để trả lại vẻ đẹp nguyên bản của hàng rong Hội An, giữ gìn hồn phố, thành phố đã triển khai phương án sắp xếp lại ràng rong phố cổ. Ông Nguyễn Văn Sơn – Phó Chủ tịch UBND TP cho biết:“Thành phố tổ chức điều tra lại toàn bộ hàng rong trong khu phố cổ. Cái nào đã có từ lâu, cái nào gắn với văn hóa Hội An... thì được bố trí một cách rõ ràng. Ví dụ Cơm Gà chỗ nào, đậu hũ chỗ nào, ai bán, bán ở đâu, tất cả đều được định vị cụ thể. Chúng tôi cũng quy định buôn bán phải mặc trang phục truyền thống, sử dụng bàn ghế phù hợp với cảnh quan phố cổ như mây, tre, gỗ. Còn các mặt hàng không phù hợp, chúng tôi đưa ra chợ đêm, từ đó trả lại hàng rong trước đây, đơn thuần là hàng rong, gắn với văn hóa hội An, tránh xô bồ trong phố cổ và cũng ổn định đời sống cho các hộ bán hàng trong phố cổ”.
Sắp xếp lại hàng rong là một cách làm đúng của thành phố Hội An để hàng rong trở về với vẻ đẹp dung dị, nguyên bản vốn có của nó. Và như vậy, đặc trưng của hàng rong phố Hội sẽ còn mãi với thời gian, đồng hành cùng những giá trị riêng có của vùng đất di sản, tạo hồn cho phổ cổ Hội An.
Lê Hiền
Nguồn tin: Đài Truyền thanh - Truyền hình Hội An
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn