Gắn biểu tượng logo công trình vệ sinh cộng đồng tại nhà hàng Lửa. Ảnh; V.L |
Triển khai từ tháng 3.2017, dự án đã thu hút sự tham gia hưởng ứng của 52 cơ sở kinh doanh thương mại du lịch trên địa bàn Hội An, chủ yếu là các khách sạn, nhà hàng, homestay. Tham gia dự án, các cơ sở được phát một logo hình tròn với dòng chữ “Thoải mái như ở nhà - Comfort as Home” bằng 2 ngôn ngữ Anh - Việt và chữ Free (miễn phí) chính giữa. Với biểu tượng logo đặt ở mặt tiền của cơ sở kinh doanh, du khách sẽ hiểu đây là điểm vệ sinh công cộng miễn phí và có thể thoải mái như chính ngôi nhà của mình. Theo bà Phạm Thị Ngọc Dung - Phó Trưởng phòng Thương mại và du lịch Hội An (đơn vị được thành phố giao thực hiện dự án xã hội hóa nhà vệ sinh cộng đồng), đây không phải là dự án mới mẻ mà đã được thực hiện tại nhiều nơi. “Khởi đầu dự án xuất phát từ ý tưởng của Hội Doanh nghiệp quận Hải Châu (Đà Nẵng), sau đó lan tỏa ra các địa phương như Hà Nội, Nghệ An, Huế.... Từ mô hình của quận Hải Châu chúng tôi thấy hay nên tham mưu với UBND thành phố chủ động liên kết với phía bạn để xin “bản quyền”. Do đó, tất cả hình thức triển khai, biểu tượng logo đều theo mẫu quy định của Hội Doanh nghiệp quận Hải Châu để khách dễ dàng nhận biết” - bà Dung nói.
Giai đoạn đầu của dự án, Phòng Thương mại và du lịch TP.Hội An chủ yếu tập trung vận động các cơ sở kinh doanh đóng trên địa bàn 5 phường trung tâm và một số tuyến đường chính trong phố, hầu hết nhà hàng, khách sạn đều ủng hộ hưởng ứng. Đại diện nhà hàng Lửa (đường Nguyễn Phúc Chu) cho rằng, đây là việc làm cần thiết và ý nghĩa, vì đó không chỉ là hành động văn minh mà còn là cách thể hiện lòng hiếu khách và thân thiện của người dân Hội An. “Trước đây, khách vẫn hay vào nhà hàng xin đi vệ sinh, nhiều người cũng rất ngại vì sợ mình không cho, nên chúng tôi hiểu đây là nhu cầu bức thiết của một bộ phận khách khi đến Hội An nên đã đồng ý” - đại diện nhà hàng Lửa cho biết. Còn theo bà Nguyễn Thị Thanh - Giám đốc Điều hành khách sạn Đèn Lồng, việc hưởng ứng dự án là cần thiết, cùng chung tay với thành phố xây dựng môi trường du lịch văn minh, hiện đại. Tuy nhiên, việc triển khai dự án nếu áp dụng với khách lẻ hoặc nhóm thì tốt, nếu không có sự phân biệt rõ ràng sẽ dẫn đến tình trạng một số công ty lữ hành lợi dụng đổ khách xuống các cơ sở sẽ khó xử lý, vì với số lượng nhiều như vậy sẽ ảnh hưởng khách tại chỗ.
Trong vài năm trở lại đây, mỗi năm Hội An đón hơn 2 triệu lượt khách đến tham quan lưu trú, cùng với đó áp lực về hạ tầng, dịch vụ cũng gia tăng. Trong đó, hệ thống nhà vệ sinh công cộng luôn là nỗi lo của ngành du lịch địa phương khi phần lớn công trình vệ sinh công cộng vừa thiếu vừa chưa đạt chuẩn. Khảo sát cho thấy, khu vực phố cổ Hội An hiện có khoảng 15 nhà vệ sinh công cộng phục vụ khách du lịch như các điểm tại Phòng VH-TT, Bảo tàng Văn hóa dân gian, Tượng đài Kazik... Tuy nhiên, phần lớn các công trình vệ sinh này đều trong tình trạng xuống cấp hoặc đóng cửa do cũ nát và ít có nhân viên phục vụ. Một số công trình nhà vệ sinh khác diện tích không đảm bảo theo quy định, trang thiết bị bên trong chất lượng kém, không đảm bảo điều kiện vệ sinh, thẩm mỹ...
Ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An thừa nhận, dù thành phố đã rất nỗ lực nhưng do những điều kiện khách quan và kinh phí có hạn nên cơ sở hạ tầng, dịch vụ như đường sá, bến bãi đổ xe, hệ thống nhà vệ sinh công cộng đạt chuẩn vẫn chưa thể đáp ứng được nhu cầu du khách. Việc tham gia của các cơ sở, doanh nghiệp vào dự án nhà vệ sinh cộng đồng cũng chính là chia sẻ trách nhiệm của mình với thành phố trong sự nghiệp phát triển Hội An sinh thái, văn hóa và du lịch như mục tiêu mà thành phố đã đặt ra và đang hướng đến. “Hội An đã trở thành một trung tâm du lịch của cả nước. Chính vì vậy, việc xây dựng hình ảnh thành phố trong mắt du khách rất quan trọng. Mô hình này sẽ được nhân rộng trên địa bàn nhằm góp phần xây dựng một hình ảnh Hội An thân thiện, văn minh, hiếu khách trong mắt du khách trong và ngoài nước khi đến tham quan di sản” - ông Sơn chia sẻ.
VĨNH LỘC
Nguồn tin: baoquangnam.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn