//

Hướng tới một thành phố sinh thái - văn hóa - du lịch

Thứ sáu - 13/04/2018 07:54

Trên hành trình xây dựng Thành phố sinh thái - văn hóa - du lịch, Hội An luôn lấy các giá trị văn hóa và thiên nhiên làm cốt lõi để tiếp tục tạo nên một “Hội An phố chật người đông. Nhân tình thuần hậu là bông đủ màu”.

Những con người bình dị

Mỗi sớm mai, hàng ngàn người dân Cẩm Kim và các xã vùng đông huyện Duy Xuyên, Thăng Bình đều qua chiếc cầu Cẩm Kim để về phố cổ Hội An làm ăn, buôn bán, đến trường. Cầu xây xong đã hơn 1 năm nhưng với cụ ông Huỳnh Tấn Lộc - 82 tuổi, người làng Kim Bồng, mỗi lần đi qua chiếc cầu là cảm xúc cứ dâng tràn.

“Có được chiếc cầu này là mơ ước bao đời, rồi đây không chỉ Cẩm Kim mà cả các xã vùng Đông Duy Xuyên, Thăng Bình có cơ hội đầu tư phát triển, làm ăn. Tôi mong Cẩm Kim phát triển nhưng không ồ ạt như Hội An phát triển mà vẫn giữ gìn được truyền thống” - Cụ Huỳnh Tấn Lộc, nói.

Niềm thao thức về những nhịp cầu hẳn đã hằn sâu trong tâm trí của người và phố bên các dòng sông bồi lở. Và ở cái đô thị thương cảng cổ xưa này, mấy trăm năm đi qua là cả một di sản to lớn về sự kết nối, mở mang, giao lưu, thịnh đạt.

HOIAN280318

Phát triển hài hòa không gian làng quê và phố thị

Mỗi sáng, bà Daniel -  Du khách Canada đều mang máy vi tính ra ngồi trong sân vườn của biệt thự du lịch Vườn Trầu - phường Cẩm Châu. Cả khu vườn xanh mướt cây lá và ngập đầy tiếng chim đã tạo thêm nguồn cảm hứng cho công việc của bà. “Tôi trở lại lần thứ 2 vì khung cảnh nơi đây quá tuyệt vời, mỗi lần lưu trú hơn 1 tháng. Còn Hội An là một nơi yên lành đến lạ, tôi thích nơi này với cuộc sống bình an, con người thân thiện.”- Bà Daniel, nói.

Trong năm 2017, di sản nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ Việt Nam đã chính thức được UNESCO ghi vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Với những nỗ lực phục hồi và phát huy nghệ thuật Bài chòi gắn với du lịch, Hội An đã tạo ra “tiếng thơm” và sức lan tỏa cho loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian này. “Đêm nào cũng rất nhiều người đến, ngồi đợi để mình hô hát bài chòi. Không chỉ riêng cho người Hội An, khách nước ngoài, du khách quốc tế cũng rất thích thú với trò chơi này” -Anh hiệu Bài chòi Minh Nhanh, bày tỏ.

Là một trong những tình nguyện viên cứu hộ rùa biển trên đảo Cù Lao Chàm, , ông Huỳnh tấn Lộc ở thôn Bãi Làng - Xã đảo Tân Hiệp ngày ngày lặn lội đến với từng người, từng nhà để tuyên truyền về việc phải bảo vệ rùa biển nhằm bảo vệ nguồn tài nguyên của biển đảo quê hương, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học trong Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An. Ông Huỳnh Tấn Lộc, nói: “Tôi rất thiết tha tình nguyện vào nhóm tình nguyện viên rùa biển để cùng chung tay, cùng chung tiếng nói với cộng đồng, với người địa phương. Cố gắng chúng ta bảo tồn, bảo vệ quần thể rùa biển cho rùa biển trở lại với Cù Lao Chàm một cách tự nhiên”.

Định cư, lập nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh đã 25 năm qua, KTS. Nguyễn Văn Nguyên - Giám đốc Cty Nhà Việt Cop - TP. HCM, chủ đầu tư Công viên đất nung Thanh Hà thường xuyên trở về làng gốm Thanh Hà, nơi chôn nhau cắt rốn của mình để sống cùng cục đất, lò nung. KTS chia sẻ: “Tôi đã nhận ra rằng cái truyền thống, cái tình người. Mọi người vẫn muốn thay đổi, muốn làm cái gì đó để đô thị nó thay đỗi, vẫn muốn thành phố đẹp hơn. Và càng ngày mọi thứ thay đổi thì mình hiểu tình cảm nó ngày càng gắn bó là cái quý giá nhất trong những ngôi làng như thế này”.

Lấy di sản làm “rường cột”

Ông Nguyễn Sự - Nguyên Bí thư Thành ủy Hội An cho hay: “Không chỉ là những nhà bê-tông, những con đường phố mà cái chất đô thị Hội An gắn kết với văn hóa Hội An, gắn kết với nếp sống làng xã nhiều đời”.

Thực tế, chính nếp sống chân chất, gần gũi đã gắn kết những con người thuần hậu trong những ngôi làng như thế. Họ quý trọng tình người, ngưỡng vọng công đức tổ tiên, chăm lo lao động sản xuất. Mỗi dịp mở hội cầu mùa là dịp để bà con, hiệp thợ gặp gỡ, vui chơi, gắn kết tình làng nghĩa xóm. Có lẽ vì thế mà lịch sử hình thành và phát triển cộng đồng các làng nghềluôn gắn với diễn trình lịch sử và diện mạo của di sản văn hóa thế giới đô thị thương cảng Hội An.

Ở Việt Nam, chưa có một thành phố nào lại được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (viết tắt UNESCO) công nhận 2 di sản thế giới là “Đô thị cổ Hội An” và “Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An” như ở đây. Vì thế, chính quyền đã khẳng định quan điểm rõ ràng cho việc phát triển đô thị luôn nằm trong mối liên kết giữa đa dạng văn hóa và sinh học cùng nhiệm vụ quy hoạch sinh thái bền vững, lấy 2 di sản làm "rường cột". 

HOIAN2803182

Giữ gìn giá trị sinh quyển trong quy hoạch tổng thể

Du khách mỗi ngày đến với Hội An mỗi đông bởi rất nhiều sản phẩm du lịch đã định hình và phát triển như du lịch văn hóa - lịch sử, tham quan, nghiên cứu quần thể kiến trúc Khu phố cổ Hội An. Cùng với loại hình du lịch nghỉ dưỡng, trải nghiệm các dịch vụ thể thao tại biển - đảo, du lịch sinh thái, du lịch làng quê, làng nghề, trải nghiệm văn hóa, nếp sống, sinh hoạt tại cộng đồng cũng đang phát triển mạnh mẽ.

Ông Võ Phùng - Giám đốc Trung Tâm Văn hóa - thể thao Hội An, nói: “Điều thú vị là các sản phẩm du lịch cộng đồng ngày càng được mở rộng để người dân thụ hưởng và trực tiếp sáng tạo các giá trị văn hóa sinh hoạt thường nhật. Có lẽ vì thế mà các chuyên gia du lịch đã nhận định rằng, chính tình người, nếp sống hiền hòa, thân thiện; chính tính nhân văn, nhân ái của con người là sản phẩm du lịch độc đáo nhất mà Hội An đang có”.

Điểm đến Hội An tiếp tục khẳng định vị trí của mình trên bản đồ du lịch thế giới. Hàng năm liên tục xuất hiện trong TOP dẫn đầu kết quả các cuộc bình chọn của du khách trong nước và quốc tế. Trong đó, tiêu biểu là các bình chọn một trong những điểm đến du lịch hấp dẫn nhất của Việt Nam, Châu Á và thế giới, thành phố cảnh quan Châu Á, thành phố lãng mạn nhất, điểm hẹn hò lý tưởng nhất, phong cảnh chụp ảnh đẹp nhất, bãi biển đẹp nhất, thủ phủ ẩm thực thế giới, lễ hội đèn lồng đẹp nhất,…

Các sản phẩm văn hóa, du lịch mang đậm bản sắc Hội An đã và đang trở thành sản phẩm văn hóa đối ngoại, mang Hội An ra với bạn bè trong nước và thế giới. Hội An không chỉ là điểm đến yêu thích của du khách trong nước và quốc tế, Hội An còn là nơi tổ chức hàng loạt sự kiện mang tầm quốc gia, khu vực và thế giới. Ngành DL-DV-TM chiếm tỷ trọng ngày cao trong cơ cấu kinh tế thành phố, du khách đến với Hội An tăng bình quân 20% mỗi năm đã cho thấy điều đó.

Ông Nguyễn Văn Dũng - Chủ tịch UBND thành phố Hội An, nói:“Bình quân 1 tuần theo thống kê hiện nay chúng ta có khoảng từ 60 đến 65 ngàn lượt khách đến Hội An. Với đà này nó thuận cho Hội An về phát triển kinh tế nhưng lại khó hơn cho Hội An trong công tác bảo tồn”.

Thực tế, quá trình phát triển đô thị tại Hội An đang đứng trước nhiều thách thức. Trước hết, có thể thấy sự quá tải về số lượng du khách trong khu phố cổ, quá tải về giao thông, cơ sở hạ tầng chật hẹp trong khi mật độ dân cư quá cao trong khu vực đô thị. Cùng với sự xuống cấp của di tích kiến trúc, lũ lụt đe dọa hằng năm thì tình trạng sạt lở nghiêm trọng bờ biển Cửa Đại và ô nhiễm môi trường trong phát triển kinh tế đô thị,… cũng đang đặt ra không ít khó khăn.

“Bây giờ nếu xây dựng đô thị thì thách thức lớn nhất vẫn là ý thức thị dân. Đó là điều số một cần phải lưu ý. Nếu bỏ quên điều đó mà chỉ tính một năm chúng ta tăng trưởng GDP là bao nhiêu, chúng ta thu tiền ngân sách là bao nhiều thì không ổn. Mà một đô thị bền vững là một đô thị mà chỉ số hạnh phúc của người dân như thế nào ? Chỉ số hạnh phúc đó là đời sống vật chất, đời sống tinh thần, là sự an bình, sự thân thiện với môi trường, là ứng xử giữa người với người. Chính đó là chỉ số hạnh phúc !” - Ông Nguyễn Sự - Nguyên Bí Thư Thành ủy Hội An, chia sẻ.

Cân bằng trong quy hoạch

Ngày 15/12/2009, Hội đồng nhân dân thành phố Hội An đã thông qua Nghị quyết “Xây dựng thành phố Hội An - Thành phố sinh thái” với những tiêu chí riêng biệt và chưa có “mô hình” trên cả nước.

Từ đó, việc bảo vệ khu phố cổ, phát triển đô thị luôn đặt trong mối quan hệ tổng thể, không đơn lẻ, không tách rời nhau từ cơ sở hạ tầng, cảnh quan đường phố, cây xanh, kiến trúc của từng công trình đến các khoảng đất trống, sân trời, sân vườn mỗi ngôi nhà.

Bà Pauline - Trưởng nhóm quy hoạch của Viện Kiến trúc quốc gia và Công ty Arep Ville - Cộng hòa Pháp, nói: “Hội An là đô thị chuyên ngành cấp quốc gia mang tính đặc thù về di sản văn hóa, cảnh quan và môi trường. Chúng tôi đề xuất cấu trúc đô thị Hội An là “Thành phố trong vườn - vườn trong thành phố”. Còn PGS. Đặng Văn Bài - Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam thì cho hay: “Theo tôi, mọi quy hoạch đều hướng tới bảo tồn những giá trị trường tồn của đô thị di sản và môi trường sinh thái Hội An. Quy hoạch gì cũng nhất thiết phải tạo cho được sự cân bằng giữa bảo tồn và phát triển”.

Về phương diện sinh thái học đô thị, các chuyên gia quy hoạch cho rằng, giá trị nổi trội của Hội An là sự song tồn và tương ứng sâu sắc trong một cơ thể gắn quyện hữu cơ, không tách lìa kiến trúc đô thị (phần cứng) và đời sống của cộng đồng dân cư truyền thống (phần mềm). Ở các đô thị khác, sự song tồn ấy đã biến mất từ lâu và Hội An ở trong số ít ỏi đô thị Việt Nam còn duy trì được sự cân bằng.

Những năm qua, các tiểu vùng kinh tế - xã hội tại Hội An đã gắn kết, tương tác lẫn nhau, tạo động lực cho sự phát triển đồng đều và ổn định khắp các khu vực của thành phố. “Chúng tôi vẫn xác định là có 3 nguồn động lực có thể tạo sự phát triển mạnh. Thứ nhứt là đầu tư hạ tầng, đồng thời với năm 2017 và những năm tiếp theo thì chúng tôi tiếp tục đầu tư. Thứ hai là tập trung cho lĩnh vực nhân sự, củng cố, kiện toàn lại bộ máy và tập trung cho lĩnh vực thứ 3 đó là cải cách hành chính. Đây là lĩnh vực hết sức quan trọng” - Ông Nguyễn Văn Dũng - Chủ tịch UBND thành phố Hội An, nói.

Từ năm 2015, Đại hội Đảng bộ thành phố Hội An lần thứ  XVII  đã điều chỉnh phân vùng phát triển tại Hội An từ 5 khu vực: Khu vực đô thị trung tâm; khu vực đô thị cận trung tâm; khu vực đô thị bờ biển - ven sông Cẩm An, Cửa Đại; khu vực làng quê Cẩm Thanh, Cẩm Kim và khu vực Cù Lao Chàm thành 3 khu vực gồm: khu vực đô thị, khu vực biển đảo và khu vực làng quê.

Việc điều chỉnh phân vùng nhằm đảm bảo vừa bảo tồn, phát huy tối ưu các giá trị của khu phố cổ,phát triển những khu đô thị, dịch vụ chất lượng, hiện đại kết hợp các yếu tố đặc trưng về sản xuất nông nghiệp, sông nước, cồn bãi; tổ chức không gian đô thị hài hòa với thiên nhiên; bảo vệ bền vững môi trường biển đảo và thích ứng với biến đổi khí hậu; phát huy môi trường sinh thái - nhân văn để xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

“Chúng tôi cố gắng làm thế nào đó vừa bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa, vừa bảo tồn phát huy các di sản thiên nhiên, sông nước, cây cỏ, biển đảo hài hòa với thiên nhiên chứ không đánh đổi bằng mọi giá vì sự phát triển của đô thị. Đối với chúng tôi, phương châm là vừa bảo tồn, vừa phát huy tốt nhất và phù hợp nhất có thể những giá trị văn hóa và giá trị thiên nhiên vốn có của Hội An để tạo sự phát triển cho mình, vừa năng động, vừa giàu bản sắc nhưng cũng rất bền vững” - Ông Trần Ánh - Phó Bí thư Thành ủy - Chủ tịch HĐND thành phố Hội An, nhấn mạnh.

Hội An là một đô thị đặc thù, đô thị Hội An phát triển dựa trên nền tảng văn hóa và các giá trị thiên nhiên. Chính vì thế, trên hành trình xây dựng Thành phố sinh thái - văn hóa - du lịch xanh-sạch-đẹp, an toàn, thân thiện, những giá trị văn hóa và thiên nhiên ấy là cốt lõi, là nền tảng để làm nên một “Hội An phố chật người đông. Nhân tình thuần hậu là bông đủ màu”./.

Quốc Hải

Nguồn tin: Đài Truyền thanh - Truyền hình Hội An


 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật