//

Người vẽ mặt nạ ở phố cổ Hội An

Thứ tư - 02/05/2018 09:32

Phố cổ Hội An có sức quyến rũ lạ kỳ, điều đó ai cũng biết. Thế nhưng, đã bao giờ bạn thử nhìn phố cổ Hội An qua một chiếc mặt nạ, lắng nghe cuộc sống của con người phố Hội qua triết lý của người đàn ông làm ra chiếc mặt nạ ấy chưa? Hãy thử cùng tôi chu du một lần cho biết...


4 FTLX

Ông Bùi Quý Phong luôn mong ước biến nghề làm mặt nạ thành tinh hoa.

Hội An một buổi sáng vẫn còn co mình sau cơn mưa lạnh cuối đêm. Phố sạch tinh và vắng lặng đến lạ thường. Bước chân phiêu du phố cổ đã vô tình dẫn tôi đến một nếp nhà cổ nhìn ra sông Hoài êm đềm. Bước chân qua ngưỡng cửa gỗ, những chiếc mặt nạ trong Không gian trưng bày “Mặt nạ thời gian” nhìn tôi đăm đắm.

Đất Hội An – mảnh đất miền Trung, mảnh đất của loại hình nghệ thuật hát bội (hay còn gọi là tuồng). Ngày bé, tôi rất sợ xem tuồng vì sợ chiếc mặt nạ tuồng được vẽ trên khuôn mặt của những người nghệ sĩ. Khi lớn lên, tôi mới biết rằng, rất nhiều người cũng có nỗi sợ như tôi và suy nghĩ mặc định rằng, mặt nạ tuồng thật là hung dữ và có chứa đựng điều gì rất ác.

Thế nhưng, đón tôi ở ngưỡng cửa Không gian trưng bày “Mặt nạ thời gian”  là một chiếc mặt nạ tuồng chứa đựng biết bao nỗi niềm và cả những lời... chúc phúc. Đăm đắm nhìn vị khách là tôi, dường như chiếc mặt nạ muốn gửi tới lời nhắn gửi rằng “cuộc sống ngoài kia có quá nhiều điều ác đang diễn ra, nhưng khi ngắm nhìn tôi, cảm nhận tôi, bạn sẽ không còn gặp điều ác nữa...”.

Ai cũng biết sự nổi tiếng của thương cảng Hội An theo dòng lịch sử, ai cũng hay cửa biển Cửa Đại là nơi thuyền bè tấp nập cá tôm.  Nhưng đi kèm với sự phát triển, tấp nập đó là những mảnh đời “lấy chồng đi biển hồn treo cột buồm” của những người phụ nữ làng chài mà không phải ai cũng hay. Nỗi lòng ấy đã được trải trên một chiếc mặt nạ. Ở đó là cánh buồm giong khơi, là sóng gió thét gào đe dọa người đàn ông đi biển. Ở đó cũng là đôi mắt khắc khoải thâm quầng vì lo lắng chờ đợi của người phụ nữ trên bờ. Và giữa họ là tiếng chuông xuất phát từ trái tim, từ tấm lòng của người phụ nữ: “Anh ơi hãy bình an trở về, có em luôn chờ đợi nơi đây!”...

Mặt nạ “đi” giữa lòng nhân

Bước ra từ giữa những chiếc mặt nạ để tiếp chuyện cùng tôi là gương mặt của một người đàn ông không hề xa lạ gì với người dân phố Hội trong nghề vẽ đầu lân và đạo diễn sân khấu tuồng – ông Bùi Quý Phong. 

Khi được hỏi về những chiếc mặt nạ, ông lại thủng thẳng kể cho tôi nghe câu chuyện cuộc đời mình. Rằng những năm đầu giải phóng, lúc ông chừng 22 tuổi, vừa lấy vợ, sinh con, cuộc sống  khó khăn. Ông luôn trăn trở nghĩ chuyện làm gì để kiếm thu nhập nuôi sống gia đình. Lúc ấy, trong xóm có một chú bé đang chơi một chiếc đầu lân nhỏ. Ông quan sát và nhận ra là làm ra một chiếc đầu lân cũng không khó lắm. Nghĩ là làm. Ông  đi kiếm đất sét về nặn khuôn đầu lân. Và thế là nghề vẽ đầu lân đến với ông  từ đó. Xưởng làm đầu lân trong nhà với hàng chục người làm là những em bé tật nguyền được ông tuyển chọn để dạy nghề làm đầu lân. Khách hàng nườm nượp xếp hàng đến đặt mua đầu lân. 

Nhưng rồi nghề nào cũng có những bước thăng trầm của nó. Ông lại bước vào một  công việc mới. Đó là nghề làm đạo diễn sân khấu tuồng. Sự trái ngược giữa hai lĩnh vực. Một bên đạo diễn đi nhiều và một bên vẽ thường ngồi một chỗ khiến ông khó khăn khi thực hiện. Hơn nữa thu nhập từ một chương trình sân khấu mà ông làm đạo diễn thực hiện trong nhiều tháng, đi nhiều nơi, có được khoảng vài chục triệu nhưng khi về đến nhà thì không còn được bao nhiêu. Vì vậy, ông Phong từ bỏ nghề đạo diễn để đến với công việc mới: vẽ mặt nạ. Một công việc kết hợp được giữa hai niềm đam mê đã từng của ông là vẽ đầu lân và sân khấu tuồng.

“Tôi thấy cô đứng rất lâu trước chiếc mặt nạ tuồng của tôi. Để tôi nói thêm cho cô hiểu nhé” - ông nói với tôi bằng chất giọng Quảng chân chất, nằng nặng. “Tuy mang phong thái mặt nạ tuồng thật nhưng tôi gọi nó là “Mặt nạ thời gian”. Bởi nhìn vào đó ta có thể thấy thời gian. Thời gian có thể hôm qua, hôm nay, ngày mai với những ước vọng nhưng cũng có thể là vô cùng, vô tận, xa ngái như khi những câu hát tuồng, hát bội ngân lên ở mảnh đất này. Mặt nạ tuồng của tôi hoàn toàn không có điều ác trong này.

Những người nghệ sĩ vẽ tuồng thường bị rơi vào trường hợp vẽ mặt cho dữ lên, cho ác lên, cho nó ra tuồng. Nhưng tôi không nghĩ vậy, với tôi, bất cứ một tiết mục sân khấu nào nếu như không có lòng nhân trong đó, không có một kết cục tốt đẹp như các vở tuồng thì nó không xứng đáng là mặt nạ tuồng. Cho nên tất cả ẩn giấu trong mặt nạ của tôi là lời chúc phúc, chúc lành, chúc tình yêu, chúc sức khỏe, chúc giàu có... Cái ác ngoài kia đã quá nhiều, bước vào không gian mặt nạ của tôi sẽ không còn gặp điều ác nữa”. 

Lắng nghe về ước mơ lòng nhân của ông, tôi chợt nhớ đến việc ông đã làm. Thời ông còn làm đầu lân bỏ mối cho khách hàng từ Quảng Nam đổ vào đến tận Sài Gòn, Cần Thơ, ông nuôi trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khoảng ba bốn chục đứa trẻ. Ông hướng dẫn các em làm đầu lân, khi vào vụ, ông không trả lương chỉ nuôi ăn và trả tiền tiêu vặt. Khi mùa Trung thu qua đi, từ khoản tiền tích lũy được, ông mới phát lương cho tụi trẻ sống được trong vòng 4, 5 tháng đợi đến mùa làm đầu lân sang năm, thường bắt đầu từ sau Tết Nguyên đán.

Ông bảo, “tôi làm thế vì không muốn các em có tiền mà bị hư hỏng, có tiền làm việc bậy”. Khi lứa trẻ ông nuôi đã trưởng thành, có gia đình riêng, thì ông cho mỗi đứa một bộ đồ nghề, mối làm ăn và lời giao hẹn sẽ tiếp tục thực hiện bổn phận nuôi các em nhỏ cơ nhỡ như mình đã được nuôi trước kia. 

Khao khát biến nghề thành tinh hoa

Trò chuyện với ông, tôi biết cả làm nghề đầu lân và nghề mặt nạ ông đều tự học, các nét vẽ rất đẹp dù ông chưa ngày nào học họa sĩ. Đơn giản chỉ vì yêu nghệ thuật hội họa, vì “đó là nghề nghiệp chọn mình” theo cách lý giải của ông.

“Khi làm mặt nạ tôi không cho phép mình tâm đắc với bất kỳ sản phẩm nào vì như thế là đồng nghĩa với ngừng sáng tạo. Này nhé, cái này tôi đặt tên là “Mặt nạ chúc phúc”, nhưng trên đó không nhìn thấy chữ phúc nào cả. Mà thay vào đó là nửa mặt đàn ông và nửa mặt đàn bà kết hợp. Đàn ông và đàn bà, khi họ yêu thương nhau, kết hợp được với nhau thì gia đình đó sẽ giàu có: giàu tình thương, giàu nhân ái, giàu sức khỏe, giàu con và có khi là giàu cả vật chất nữa... Màu đỏ trên chiếc mặt nạ tượng trưng ngọn lửa trong lòng, khi tình yêu thương của anh đủ đầy thì không cần ai tôn vinh, tự những đường nét, huyệt đạo trên khuôn mặt anh cũng nói lên điều đó, sáng lòa và đẹp đẽ...”.

Nghe ông nói tôi chợt nhớ đến một bài báo đã đọc nói về một nghiên cứu của các nhà khoa học người Mỹ  rằng khi con người ta sống nhân ái, biết yêu thương, không ích kỷ, độc ác thì đến ngưỡng tuổi 40 tự trên khuôn mặt họ sẽ có một vẻ đẹp khác thường mà những người sống ác độc, vị kỷ, hẹp hòi sẽ không có được. Phải chăng, tư duy về lòng nhân luôn gặp nhau dù có khác xa về địa lý hay dân tộc. 

Cũng cần phải nói thêm rằng, Không gian trưng bày “Mặt nạ thời gian” của ông Bùi Quý Phong tọa lạc ở một vị trí rất đẹp trong phố cổ Hội An. Có được không gian này là sự tin tưởng của những người làm công tác văn hóa. Trung tâm Văn hóa Hội An đã cho ông Phong mượn miễn phí căn nhà cổ để người nghệ sĩ có thể tung tẩy sáng tác, có thể đem lòng nhân của tuồng cổ đến cho cuộc đời.

Theo lời ông Phong, cơ sở làm mặt nạ tuy ông mới mở ra năm ngoái nhưng theo sự tin tưởng của ông thì chất lượng về mặt nghệ thuật và kết cấu sản phẩm ở Việt Nam ít người bì kịp vì đây là tâm huyết, tích lũy của ông sau bao nhiêu năm làm nghề đầu lân mà có được.

“Khi tôi bắt đầu làm mặt nạ, tôi vẫn chưa đủ tự tin, dù biết rằng tay nghề mình không thua kém ai, tôi muốn đi một vòng đất nước xem những người đang làm mặt nạ đang làm tới đâu và họ làm cái gì. Tôi đã tìm tới người làm mặt nạ ở phố Hàng Than, Hà Nội và nói thật tôi hơi thất vọng vì người làm mặt nạ đã sớm vì những lý do khách quan, chủ quan đưa lại mà bỏ nghề, hay nói cách khác họ không xem việc làm mặt nạ như một cái nghề, không tìm tòi để nâng cao nghề của mình lên, biến nghề của mình thành nghề tinh hoa...”.

Nghe ông nói, tôi chợt nghĩ đến nghề làm mặt nạ ở Hàn Quốc, rằng cũng có những bước thăng trầm, nhưng giờ đây nghề làm mặt nạ là một trong những niềm tự hào của nghệ thuật cổ xứ Kim chi. Theo Tổng cục Du lịch Hàn Quốc,  cùng với lễ hội múa mặt nạ quốc tế Andong nghề thủ công làm mặt nạ ở Hàn Quốc cũng rất phát triển. Tham gia lễ hội, ít du khách nào có thể không mua một chiếc mặt nạ Hàn Quốc về làm kỷ niệm.

Mỗi chiếc mặt nạ ông Bùi Quý Phong làm từ cốt giấy bồi, đắp thạch cao lên và chà bóng rồi bồi lớp giấy nữa sau đó mới quang dầu và  vẽ. Ông cho biết cách làm của người Hàn Quốc là xay vừa bột vừa giấy trộn với keo để đúc ra mặt nạ. Ông làm cũng theo cách đó nhưng là làm thủ công và rất tiếc không đủ công nghệ để làm được tinh như họ. Ông đã từng được người Hàn Quốc mời sang để giao lưu trao đổi về mặt nạ, nhưng tự thấy mình chưa đủ chín trong nghiệp làm mặt nạ để đi, ông tự hẹn mình sẽ cố gắng nâng cao tay nghề hơn nữa để có hành trang mang chuông sang xứ người...

Xuân Hoa

Nguồn tin: baophapluat.vn


 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật