Hình ảnh một người phụ nữ sáng nào cũng cúng hương một du khách nước ngoài tử nạn trên đường phố cổ Hội An đã khiến cho bao người cảm động.
Chuyện kể rằng, kể từ ngày cô gái 23 tuổi người Hà Lan đi xe máy qua chiếc cầu gỗ nằm giáp với bờ sông Hoài, phía trước Chùa Cầu, va vào barrier chắn ngang tử nạn, sáng nào người phụ nữ ấy cũng chậm rãi thu gom những chiếc lá bằng lăng rụng rồi đặt tô mì hoặc tô cháo bên lề đường, sau đó đốt 3 nén nhang và 1 ngọn nến. "Mình không làm chi được, chỉ đốt một ngọn nến cho cô ấy thôi !" – Người phụ nữ bảo.
Mỗi ngày, phố cổ Hội An đón hàng trăm, hàng nghìn du khách đến từ khắp nơi thế giới, ai trong số họ có lưu luyến gì với phố Hội, sông Hoài ? Chỉ biết, gió dưới chân Chùa Cầu lúc lúc lại làm cho nến tắt, nhưng người phụ nữ luôn ở đó trông chừng để ngọn nến cháy đến cùng,...
Chuyện này khiến người viết nhớ đến 1 trong 10 việc làm cụ thể để thực hiện 4 nhóm hành vi ứng xử giữa con người với con người, con người với chính mình, với gia đình và với xã hội mà Đề án xây dựng “Hội An - nhân tình thuần hậu” đề xuất phát động thí điểm ở 2 phường trung tâm của phố cổ là Minh An và Cẩm Phô. Đó là “Dừng xe, ngả mũ-nón, cúi chào khi gặp đám tang”.
Vì sao lại “đặt ra” ý tưởng này để vận động cộng đồng thực hiện ?
Khi viết về Hội An, nhà thơ Phùng Tấn Đông, chia sẻ: “Chim khôn kêu tiếng rảnh rang. Người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe”. Người Quảng Nam, người Hội An, khi dạy dỗ con cái chăm chút từng lời ăn tiếng nói, gặp người lớn chẳng phải bà con thân thuộc cũng xưng hô ông, bà, cô, dì, chú, bác như thể ruột rà; với khách ở xa thì vừa thân thiện hiếu khách vừa “giữ gìn” vẻ lịch lãm riêng. Sự chừng mực, vừa phải sao cho đủ hài hoà trong giao tiếp phải chăng là “minh triết” dân gian ở một vùng đất sớm có sự tiếp biến, tích hợp, giao lưu văn hoá.
Đám tang trong mùa lũ ở Hội An- Ảnh: Trọng Khang
Trong cuộc sống hôm nay, nét đẹp văn hoá trong ứng xử giữa người với người, người với thiên nhiên và với bản thân ấy có còn không, hay đã ít nhiều phai bạc?. Câu hỏi vẫn cứ còn bỏ ngỏ khi chúng ta nhìn vào những hoạt động thường ngày của phố. Bên cạnh những hình ảnh đẹp, lịch lãm, văn minh của người Hội An khi ở trong nhà, khi ra khỏi cửa,…thì vẫn còn khá nhiều những cảnh nhếch nhác, kém văn minh, lịch sự đã và đang bào mòn vẻ đẹp “thuần hậu” ngày xưa.
Theo các cụ cao niên ở Hội An, ngày xưa, mỗi lần có đám tang đi qua, người dân địa phương đang đi trên đường dừng lại và ngả mũ, nón cúi chào. “Đó là một nét ứng xử của người phố Hội, nó đẹp nên chúng ta cần phải phục hồi lại để xây dựng nên hình ảnh của phố cổ trong thời buổi hiện nay, đặc biệt là trong sự phát triển du lịch” - Ông Võ Phùng - Giám đốc Trung Tâm Văn hóa Thể thao Hội An - Cơ quan triển khai Đề án, nói. Rất nhiều ý kiến đồng tình với nhận định này, tuy nhiên, cũng có ý kiến khác cho rằng điều này khó khả thi.
Thực ra, Đề án “Hội An - Nhân tình thuần hậu” chỉ từng bước, từng bước khởi đầu trong niềm tin yêu và hy vọng về câu hát “Hội An phố chật người đông. Nhân tình thuần hậu, lá bông đủ màu” sẽ mãi ngân vang những giai điệu tự hào trong tâm hồn, trong ý nghĩ mỗi một người dân Phố Hội. Đề án hướng tới bảo tồn, khôi phục lại nếp sống, lối sống tốt đẹp của người dân phố cổ trong giao tiếp, ứng xử, sinh hoạt đời thường nhằm tăng tính hấp dẫn cho văn hóa, du lịch Hội An.
Có lẽ vì thế mà ông Nguyễn Ưng - Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hội An nhìn nhận, đây là chủ trương lớn, rất quan trọng và cần thiết phải làm, nó là một bộ phận của chương trình xây dựng Hội An - Thành phố sinh thái - văn hóa - du lịch. Vì vậy tất cả phải có trách nhiệm, trong quá trình tổ chức thực hiện, cái gì chưa phù hợp thì bổ sung chứ đòi hỏi hoàn thiện ngay thì cực kỳ khó.
“Đây là chuẩn mực đạo đức trước đây nhưng trong điều kiện hiện nay, chúng ta duy trì ở mức độ nào là vừa phải. Theo tôi, cái đó phải điều chỉnh nhưng trong chừng mực nào?. Tôi nghĩ, anh vẫn ngồi trên xe, không cần ngả mũ, chờ đám tang đi qua là đủ rồi, phải như thế chứ không biểu hiện hành vi chi hết là không được vì đây là giá trị truyền thống của dân tộc” - Ông Nguyễn Ưng nói.
Cũng trong một chừng mực, những người thực hiện Đề án xây dựng “Hội An - Nhân tình thuần hậu đã điều chỉnh nội dung “Dừng xe, ngả mũ-nón, cúi chào khi gặp đám tang” thành “Dừng xe, nhường đường,... khi gặp đám tang”.
Thực ra, đây là hành vi ứng xử văn hóa, là nghĩa cử tôn trọng đối với người đã mất, nó thể hiện đạo nghĩa của con người. Cùng với những việc làm cụ thể như “Sống hiếu thảo, phụng dưỡng ông bà, cha mẹ già yếu; nhường nhịn, ưu tiên, giúp đỡ người già, phụ nữ mang thai, trẻ em, du khách; thực hiện văn hóa xếp hàng; không gây gỗ, chửi bới nơi công cộng; không nói thách trong mua bán,...” mà Đề án xây dựng “Hội An - Nhân tình thuần hậu” đề xuất, việc “Dừng xe, nhường đường,... khi gặp đám tang”là một trong những cách để giữ một chút lòng thơm thảo của người Hội An trong cuộc sống đầy biến động hôm nay./.
Quốc Hải
Nguồn tin: Đài Truyền thanh - Truyền hình Hội An
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn