//

Du lịch Hội An: Cần có cơ chế hỗ trợ phát triển

Thứ tư - 04/04/2018 16:13

Ngành du lịch Hội An sau 10 năm thành lập thành phố đã gặt hái được nhiều thành tựu, tuy nhiên, cần phải có những cơ chế đặc thù để phát triển bền vững.

Điểm đến bình yên

Không phải ngẫu nhiên mà tờ Huffington Post với 35,6 triệu lượt truy cập trên toàn cầu đã bình chọn Hội An là một trong 50 thành phố mà du khách phải đến ít nhất một lần trong đời. Và chỉ trong vòng 0,54 giây, đã có hơn 13 triệu kết quả khi truy cập google.

Hội An đã và đang là điểm đến ấn tượng với du khách toàn cầu bằng những sản phẩm du lịch riêng có, hình thành từ di sản văn hóa và đa dạng sinh thái tự nhiên. Các thương hiệu “Đêm phố cổ”, “Phố đi bộ và không tiếng động cơ”, “Chợ đêm”, hay “Cù lao Chàm - Đảo xanh quyến rũ”,… đã tạo nên nhiều loại hình du lịch dựa trên nếp sống thuần hậu của người Hội An và các giá trị thiên nhiên ban tặng.

Du lịch văn hóa - lịch sử, du lịch nghỉ dưỡng và trải nghiệm các dịch vụ thể thao biển đảo, du lịch sinh thái hay du lịch làng nghề, cộng đồng đang là hướng phát triển phù hợp, bền vững vì đáp ứng được khả năng thụ hưởng và sức sáng tạo của cộng đồng cư dân địa phương.

Trở lại Hội An lần thứ hai sau 3 năm, ông Tony, một du khách người Canada chia sẻ trong một đêm lang thang ở phố cổ Hội An, như sau: “Tôi nghĩ, đây là một buổi tốt tuyệt vời. Mọi người ở đây rất thân thiện và thành phố du lịch này có rất nhiều điều mà tôi yêu thích”.

CO030418

Hội An nỗ lực tạo thêm sản phẩm du lịch- Ảnh: Quốc Hải

10 năm qua, tổng lượt khách đến Hội An tăng 191% với tốc độ phát triển bình quân là 12,61%; năm 2008, Hội An đón hơn 1,1 triệu lượt, đến năm 2017 tăng lên 3,2 lượt, trong đó, khách quốc tế tăng trên 212% so với năm 2008, tốc độ phát triển bình quân 10 năm tăng 13,4%. Thị trường khách tham quan chủ yếu là khách quốc tế, chiếm tỉ trọng 70,39% khách tham quan Hội An. Thị trường khách nội địa tập trung ở hai thị trường chính là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

Từ năm 2008, giá trị sản xuất ngành TM-DL-DV chỉ chiếm tỷ trọng 54%, đến năm 2017 đã tăng lên trên 70% trong cơ cấu kinh tế của thành phố. Cơ cấu lao động trong nhóm ngành DL-DV-TM không ngừng tăng cao đã góp phần ổn định mức sống giữa các khu vực dân cư nông thôn - đô thị - ven biển - hải đảo. Thu nhập bình quân đầu người ở thành phố cũng không ngừng tăng lên, từ năm 2008 đạt hơn 17 triệu đồng/người, đến năm 2017 đã tăng lên gần 41 triệu đồng/người.

Ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Chủ tịch UBND thành phố cho biết, cùng với cơ sở hạ tầng ngày càng đầu tư phát triển, năm 2018 này, thành phố đặt mục tiêu đón 3 triệu 780 nghìn lượt khách. Để đạt mục tiêu đó, ngoài việc củng cố, nâng cấp các sản phẩm dịch vụ hiện có, đưa vào hoạt động một số điểm đến, sản phẩm mới lạ, thành phố  đẩy nhanh tiến độ triển khai các chương trình, kế hoạch về phát triển du lịch, đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch, hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển điểm đến ở các địa phương. Có thể nói, Hội An là một điểm đến bình yên, thân thiện trong lòng thành phố sinh thái - văn hóa - du lịch.

Nhiều thách thức

Tuy nhiên, ngành du lịch Hội An vẫn đang đứng trước nhiều thách thức mới và cả những tồn tại lâu dài cần được khắc phục để phát triển bền vững. Có thể thấy, công tác tuyên truyền trong cộng đồng vẫn chưa được chú trọng, ý thức bảo vệ cảnh quang môi trường tự nhiên xã hội, tài nguyên du lịch chưa thật sự đồng đều trong toàn xã hội. Thực tế, đây là nguyên nhân dẫn đến đến phát sinh tệ nạn, vấn nạn xã hội như cò mồi, bu bám, mất trật tự công cộng, phá hoại tài nguyên một cách vô ý thức.

Đại diện cho Hiệp Hội Du lịch Quảng Nam, ông Võ Văn Vân - Chủ tịch Hiệp Hội đã đề nghị: “Thành phố cần tiếp tục ban hành những cơ chế mới hỗ trợ cho du lịch phát triển, trong đó, cần xúc tiến nhanh việc bán vé tham quan điện tử việc bán vé tham quan, góp phần trùng tu di sản. Tổ chức phối hợp cung cấp thông tin về phố cổ Hội An như bản đồ tham quan, các di tích, các điểm bán vé; xây dựng các nội dung phương thức tuyên truyền,…”

Bảo tồn các giá trị văn hóa mới có thể phát triển du lịch- Ảnh: Quốc Hải

Có thể thấy, ngành du lịch địa phương vẫn chưa phát triển đều khắp, tính thiếu ổn định của cơ chế đang là một cản trở trong kích thích đầu tư sản phẩm mới. Trình độ quản lý, tay nghề của đội ngũ quản lý nhà nước, quản lý doanh nghiệp, CNVC-LĐ chưa đồng đều cả về nghiệp vụ, ngoại ngữ làm nảy sinh hạn chế kéo dài chưa khắc phục được như sản phẩm du lịch còn đơn điệu, nặng tính khai thác tự phát, chất lượng dịch vụ chưa cao. Trong khi đó, hoạt động bồi dưỡng, đào tạo chuyên ngành vẫn là một khâu bỏ ngõ. Cùng với đó, cạnh tranh khu vực lân cận, đặc biệt là Đà Nẵng đang tạ áp lực lớn.

Trên lĩnh vực quản lý nhà nước, Hội An cần phải nhanh chóng rà soát trình tỉnh cho phép bổ sung điều chỉnh quy hoạch du lịch địa phương vì một số nội dung đã không còn phù hợp với thực tế. Tiếp tục nghiên cứu, vận dụng và kiên trì đề xuất với lãnh đạo tỉnh cũng như ngành du lịch cho phép Hội An được áp một số cơ chế, chính sách thoáng mở về thuế, đất đai, mặt bằng sản xuất kinh doanh,... tạo môi trường hấp dẫn thu hút đầu tư. Việc xác lập mối quan hệ gắn bó giữa các cơ quan nhà nước với doanh nghiệp sẽ tạo điều kiện thuận lợi để thường xuyên theo dõi, trao đổi, tiếp xúc và có biện pháp kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp phát triển.

Để phát triển du lịch Hội An một cách bền vững, công tác bảo vệ, trùng tu và phát huy các giá trị di sản phải được đặt ra. Du lịch Hội An là du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, vì thế, mỗi người dân Hội An không chỉ là chủ nhân của di sản văn hóa, di sản thiên nhiên mà còn thực sự là những nhân viên, hướng dẫn viên du lịch. Vấn đề môi trường kinh doanh du lịch cũng đang được đặt ra rất cấp thiết. Đến nay, thành phố đã có phương án hình thành rộng rãi các CLB, các hiệp hội ngành nghề để tập hợp, kêu gọi sự đoàn kết, bảo vệ quyền lợi lẫn nhau giữ các doanh nghiệp, chống tình trạng cạnh tranh không lành mạnh từng xảy ra trước đây.

“Vấn đề hiện nay là phải bảo tồn các giá trị văn hóa mới có thể phát triển du lịch một cách bền vững. Cần phát huy những tiềm năng, lợi thế của Hội An, đó là các làng nghề, làng quê sinh thái và du lịch cộng đồng; phát triển du lịch Hội An trên nền tảng văn hóa, giữ vững định hướng xây dựng thành phố sinh thái - văn hóa - du lịch” -Ông Lê Văn Bình - Trưởng Phòng Thương mại - Du lịch Hội An nói.

Một khi cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cùng chung tay xây dựng một ngành du lịch văn hóa dựa trên những giá trị di sản của cả vùng đất và con người, tin rằng, những khó khăn, tồn tại sẽ từng bước được tháo gỡ, ngành du lịch Hội An sẽ có những bước phát triển vững chắc./.    

Quốc Hải

Nguồn tin: Đài Truyền thanh - Truyền hình Hội An


 

Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 4 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật