Vượt qua cây cầu dân sinh bắc qua dòng Thu Bồn, chúng tôi tìm đến gia đình chị Nguyễn Thị Mận, ở thôn Trung Hà, xã Cẩm Kim, TP Hội An đúng vào lúc chị bắt đầu ngày mới với việc đi bán thức ăn và rau củ quanh làng. Chiếc xe đạp cọc cạch, chở theo hai chiếc sọt sắt, quắc thêm vài chiếc làn nhựa ở ghi đông, chừng đó đủ để chị Mận đựng một lượng hàng nhỏ như cà chua, rau sống, rau xanh, thịt, cá bán dạo cho các gia đình. Lâu nay, để có thể bán hết số hàng ít ỏi của mình, nắng cũng như mưa, hàng ngày, chị đều phải bươn bã đạp xe hết thôn này đến thôn khác, thậm chí qua xã Duy Vinh để rao hàng, chào mời. Thành quả lao động từ 5 giờ sáng đến trưa của chị là chút thức ăn đạm bạc cho gia đình trong ngày. Khi hết hàng, trở về nhà trong sự đón đợi của người thân thì cũng là lúc chị bắt đầu việc nội trợ, chăm sóc mẹ chồng ở tuổi 90 và người em chồng bị bệnh đao cùng một người con gái ruột tật nguyền. Gia cảnh khốn khó nên dù đau yếu, chồng chị Mận cũng gắng gượng làm phụ hồ, với mong muốn đỡ đần cho vợ, ráng nuôi đứa con gái thứ 2 học xong hệ cao đẳng, những mong kiếm được việc làm sau khi ra trường. Vì vậy, hàng ngày, sau khi kết thúc việc bán buôn, mọi việc trong nhà từ giặt giũ, cơm nước, chén bát, củi lửa, tất cả đều một tay chị Mận lo liệu. Cảm thương nàng dâu hiếu thảo, cụ bà Huỳnh Thị Lan, ở thôn Trung Hà, xã Cẩm Kim chia sẻ: “Hắn thì chăm sóc trong gia đình thấy cũng được, đối đãi mẹ con chu đáo, tình nghĩa. Cái con dâu ni thì hiếu thảo đó. Mẹ nói con nghe, con nói mẹ nghe, thì rứa là quý lắm rồi, mẹ con như bát nước đày rứa chứ không có chuyện chi hết. Già lại thì hắn coi ngó, trước nữa bà gia, sau nữa em chồng, rồi con cái nữa, đảm đương hết. Ăn uống, nước non, ni nọ ri khác cũng hắn thôi, có ai khác nữa mô”.
Chị Mận đi bán hàng mỗi ngày
Sự tần tảo, chịu thương chịu khó và tấm lòng hiếu thảo của chị Nguyễn Thị Mận cũng đã tạo sự đồng cảm sâu sắc đối với bà con lối xóm. Dù không giúp gì về vật chất nhưng mọi người thường xuyên qua lại, trò chuyện, hỏi han cho vui cửa, vui nhà, động viên chị vượt qua hoàn cảnh. Có thời điểm chị Mận đau nặng phải nằm viện dài ngày, chị em trong xóm tự nguyện đến nhà thay nhau giúp đỡ mẹ già, lo cơm nước cho em và con của chị bị bệnh. Cũng từ đó, mọi người thấm thía nỗi cực nhọc và càng hiểu hơn tấm lòng của một người con dâu hiếu thảo. Bà Lương Thị Hận, người hàng xóm của chị Mận, hiện ở tại thôn Trung Hà, xã Cẩm Kim nhận xét: “Tôi ở đây bao nhiêu năm rồi, tôi thấy cô Mận tội, vất vả lo cho gia đình, cực khổ. Với tôi, tôi thấy cô Mận là người con dâu hiếu thảo, tốt, lo cho mẹ, cho em, rồi cho con. Thấy rất là vất vả, giỏi chịu đựng biết bao nhiêu năm qua, tội cho cô Mận.”.
Hàng xóm luôn chia sẻ, đồng cảm với gia đình chị Mận
Với ý nghĩ “Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con” nên dù cuộc sống gia đình khó khăn, vừa phải lo cơm áo gạo tiền sinh hoạt mỗi ngày, lại vừa phải đảm đang, chu toàn mọi việc lớn nhỏ trong nhà, chị Mận vẫn cố gắng sắp xếp thời gian hợp lý. Lâu dần thành quen, giờ đây, chị cảm thấy việc chăm lo cho mọi người là trách nhiệm và cũng là niềm vui, bởi sẽ không còn ai khác có thể làm thay cho chị. Chị Mận chia sẻ: “Tôi thì sáng ngày 5 giờ tranh thủ đi mua bán, 10 giờ, 10 rưỡi về lo cơm nước cho bà già với em, con. Ngày nào cũng lo áo quần này nọ, giặt giũ. Bổn phận thì trong nhà này chừ có ai, ai có, có mình tôi thôi nên mình phải tranh thủ thời gian của mình để mình lo. Giờ thì cũng quen, rồi cũng không thấy chi mà cực.”.
Ở vùng đất thấm đẫm nhân tình như Hội An có rất nhiều những người con dâu hiếu thảo như chị Mận. Họ vượt lên hoàn cảnh, bỏ lại sau lưng những nhọc nhằn, phiền muộn để làm tròn bổn phận của người vợ hiền dâu thảo. Chị Phan Thị Tâm Trang, khối Lâm Sa, phường Cẩm Phô là một phụ nữ như thế. Sau khi anh Phúc, chồng chị bất ngờ gặp tai nạn lúc đang làm thợ mộc, bị gãy cột sống, để lại di chứng nặng nề, đi lại khó khăn, mình chị Trang tần tảo chăm sóc phụng dưỡng mẹ chồng mắt mờ chân chậm và chồng bệnh, cùng 2 đưa con thơ. Nhiều khi, đồng lương của nhân viên buồng phòng khách sạn không thấm thía gì so với nhu cầu sinh hoạt, học tập của gia đình, con cái, chị phải dè xẻn chi tiêu từng con cá, mớ rau để đảm bảo đời sống. Có lẽ với chị Trang, niềm động viên lớn nhất là hai đứa con khỏe mạnh, chăm ngoan, luôn nỗ lực vươn lên học tập, đạt thành tích cao và còn biết đỡ đần, phụ giúp mẹ những công việc nhỏ, trông nom bà nội và ba khi mẹ đi làm. Là một người đàn ông, nhìn thấy vợ mình ngày ngày phải tất bật đi sớm về trưa, lo liệu, gánh vác mọi công việc gia đình, anh Trần Thanh Phúc, chồng chị Trang không giấu được nỗi xót xa: “Hồi xưa còn đi làm được, gia đình không đến nổi khó khăn. Bây giờ có mình bà vợ đi làm, gánh vác cả gia đình, nuôi hai đứa con và bà già với người chồng bệnh. Giờ cái gì cũng dựa vào vợ hết, vợ chừ là trụ cột trong gia đình rồi. Mọi gánh vác rất là vất vả nên trên đôi vai vợ vô cùng nặng nhọc. Mình thấy rứa mình chia sẻ trong lòng thô, không thể làm gì được, buồn lắm. Chừ mình muốn làm một cái chuyện gì nhỏ nhỏ giúp đỡ bớt cho vợ nhưng mà đi lại khó khăn, biết làm sao đây, con cái thì đang đi hack. Ước mong lớn nhất của mình là hai đưa con được học hành đến nơi đến chốn, khổ mấy mình cũng chịu đựng được. Giá như mình có thế đi làm được để nuôi con, đàng này, cả gánh nặng gia đình đặt lên vai vợ. Xót xa lắm”..
Chị Trang chăm sóc chồng ốm đau và đảm đang mọi việc trong gia đình
Một mùa vu lan báo hiếu nữa lại về trên quê hương phố Hội. Và những nàng dâu thảo như chị Nguyễn Thị Mận, ở thôn Trung Hà, xã Cẩm Kim hay chị Phan Thị Tâm Trang ở khối Lâm Sa, phường Cẩm Phô cùng rất nhiều những người vợ hiền dâu thảo khác luôn xứng đáng là những tấm gương sáng để con cái học tập noi theo, góp phần giữ gìn, tô bồi phẩm chất thuần hậu và đạo hiếu cao đẹp của người Hội An, làm nên phẩm hạnh, nếp sống đặc trưng của người phố Hội. Vẻ đẹp ấy làm cho những giá trị truyền thống, đạo đức được gìn giữ, lan tỏa, lấp lánh sáng ngời trong cuộc sống đời thường, ngay cả trong gian khó, bi ai.
Bài & ảnh: Lê Hiền
Nguồn tin: Đài Truyền thanh - Truyền hình Hội An
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn