//

Trùng tu Chùa Cầu, Hội An bằng giải pháp nào?

Thứ tư - 17/08/2016 07:42

Chùa Cầu được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa quốc gia vào năm 1990, là biểu tượng của phố cổ Hội An- Di sản văn hóa thế giới.

Chùa Cầu hay còn gọi là Cầu Nhật Bản, Lai Viễn Kiều được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa quốc gia vào năm 1990, là biểu tượng của phố cổ Hội An- Di sản văn hóa thế giới.

Dựa vào văn bia và truyền khẩu, Chùa Cầu được xây dựng muộn nhất là vào đầu thế kỷ XVII. Nơi đây trở thành điểm đến không thể thiếu của du khách mỗi khi đến phố cổ Hội An. Chùa Cầu vừa là công trình giao thông, vừa là công trình tín ngưỡng, di tích lịch sử, văn hóa, là biểu tượng của sự giao lưu văn hóa lâu đời giữa Việt Nam và Nhật Bản.

1 224730

Chùa Cầu Hội An đang xuống cấp nghiêm trọng.

Hiện nay công trình này đang xuống cấp. Giải pháp nào trùng tu chùa Cầu đã được hơn 100 nhà khoa học, các chuyên gia, nhà quản lý Việt Nam và Nhật Bản tham gia tranh luận.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích phải đảm bảo giữ gìn tối đa các yếu tố gốc, cấu thành di tích, bảo đảm tính xác thực của di tích, không làm sai lệch những giá trị vốn có của di tích, hạn chế tối đa mọi sự thay thế, nhất là thay thế bằng vật liệu, chất liệu mới.

Nhưng cũng có ý kiến đưa ra phương án hạ giải toàn bộ để xử lý các hạng mục của cầu là phù hợp với hiện trạng xuống cấp hiện nay. Kiến trúc sư Lê Thành Vinh, Viện trưởng Viện Bảo tồn Di tích, Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch thống nhất với phương án hạ giải toàn bộ Chùa Cầu.

“Tất nhiên, việc hạ giải toàn bộ đối với 1 di tích đặt ra nhiều vấn đề lo ngại nhưng tôi nghĩ rằng đối với kỹ thuật, trình độ hiện nay của Việt Nam, chúng ta hoàn toàn có thể yên tâm hạ giải công trình này. Sau đó lắp trở lại và đưa trở lại như vốn có. Có những ý kiến băn khoăn, ví dụ như các kết cấu gỗ có thể tháo lắp một cách thuận tiện nhưng phần mái ở trên thì sao. Tôi nghĩ là những việc này bây giờ kỹ thuật có thể giải quyết được”, Tiến sĩ Lê Thành Vinh nhấn mạnh.

Theo ông Nguyễn Sự, nguyên Bí thư Thành ủy Hội An, tỉnh Quảng Nam, khi trùng tu, tôn tạo di tích này, tất cả các yếu tố đều phải được cân nhắc kỹ lưỡng: “Khi chúng ta hạ giải xuống, ốc vít chúng ta còn lộn huống chi gỗ. Mà khi lắp đặt dễ lấy râu ông nọ cắm cằm bà kia. Điều tôi lo nhất là, tất cả những hoa văn, họa tiết có từ lâu, kể cả hệ mái mà chúng ta lợp đi, lợp lại nhưng vẫn giữ nguyên ngày xưa. Bây giờ nếu hạ giải, dỡ phần mái xuống có nghĩa là phải làm mới hết, thì có nghĩa là làm mới toàn bộ phần trên không còn của thế kỷ 16 nữa mà là của thế kỷ thứ 2”, ông Nguyễn Sự nói.

2 4827329

Quang cảnh Hội thảo về giải pháp trùng tu chùa Cầu.

Sự xuống cấp của Chùa Cầu hiện hữu ngày càng rõ rệt nhưng ở mức độ nào? Những thông số kỹ thuật, hạng mục nào cần khắc phục và khắc phục bằng giải pháp, vật liệu gì cho phù hợp là những việc phức tạp cần có giải pháp khoa học để giải quyết thấu đáo. Giáo sư Tomoda Hiromichi, Trường Đại học Nữ Chiêu Hòa, Nhật Bản cho biết, đây là biểu tượng của mối quan hệ giữa 2 nước Việt Nam và Nhật Bản. Vì vậy, ông Tomoda Hiromichi khẳng định sẽ mời các chuyên gia Nhật Bản sang Hội An để tìm hiểu, nghiên cứu kỹ lưỡng các phương án khả thi nhất.

“Nếu được mời tham gia thì chúng tôi có thể sử dụng những camera tiên tiến để chụp hình lại tất cả những cấu kiện trên mái và chúng tôi sẽ dựng thành phim 3D, dựa trên kỹ thuật in 3D hiện đại, chúng tôi có thể phục hồi lại nguyên trạng”, Giáo sư Tomoda Hiromichi nhấn mạnh.

Được biết, mỗi ngày chùa Cầu đón trên 4.000 khách tham quan. Sự tác động của tự nhiên đã làm cho các mố cầu, trụ cầu bị nứt, nhiều cột, vì kèo có dấu hiệu hư hỏng, mục ruỗng… Bên cạnh đó, Chùa Cầu nằm ngay ở vùng rốn lũ của thành phố Hội An nên tạo ra áp lực mất an toàn ngày càng nghiêm trọng hơn. Ông Lê Văn Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết:

“Quan điểm của tỉnh bây giờ là phải nghe các nhà khoa học, các nhà chuyên môn sau đó tìm ra phương án tối ưu nhất. Sau khi có phương án tối ưu rồi thì chúng tôi sẽ gặp những chuyên gia tư vấn lại để đưa ra phương án cuối cùng. Sau Hội thảo này chúng tôi mới đưa ra phương án cuối cùng để làm theo cách nào. Nhưng nguyên tắc là làm sao để di tích này sống mãi với chúng ta”./.

Hoài Nam/VOV-Miền Trung


 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật