Vì vậy, khi được TripAdisor bầu chọn là một trong 25 điểm đến có ẩm thực tốt nhất thế giới, người ta nghĩ ngay đến những món ăn Tây được... Việt hóa trong những nhà hàng đó.
|
Vậy mà kỳ thực, chính những món ăn thuần chất Hội An, của riêng Hội An lại chính là món ăn làm nên danh hiệu này cho Hội An. Đó là những cái tên quá đỗi quen thuộc của người phố Hội và những du khách ruột của Hội An, như cao lầu, mì Quảng, bánh bao, bánh vạc...
Những món ăn Hội An, vừa giản dị, vừa cầu kỳ ở chỗ, không phải thưởng thức lần đầu là cảm nhận được ngay vị ngon, mà phải một lần, thêm một lần nữa, rồi nghiện lúc nào không hay.
Cao lầu
Món ăn đặc biệt đầu tiên kể đến hẳn nhiên phải là cao lầu, bởi đây chính là món ăn đặc trưng nhất của Hội An, không đụng hàng với bất cứ vùng miền nào.
|
Thoạt nhìn, cao lầu dễ bị nghĩ là mì Quảng. Thực chất, mì Quảng và cao lầu hoàn toàn không giống nhau. Cao lầu là món ăn được làm từ những sợi phở khô dày gấp 3-4 lần sợi phở thường, nhưng lại có màu vàng nhẹ rất bắt mắt.
Những sợi phở được chế biến từ gạo thơm, dùng nước tro (phải lấy từ đảo Cù Lao Chàm, Hội An) để ngâm gạo, và dùng nước giếng Bá Lễ (một chiếc giếng cổ có từ thời Chăm pa, khoảng thế kỷ thứ VII-IX) để nấu thì mùi vị mới thực sự đúng chất của món cao lầu.
Cùng với bánh phở, một nguyên liệu chính của món cao lầu nữa đó là thịt xíu là loại thịt đùi được ram với xì dầu và những gia vị khác, làm cho miếng thịt béo thơm. Khi ăn cho cao lầu đã trụng vào tô, sắp miếng thịt lên trên, chan nước xíu thịt.
Cao lầu ăn kèm với các loại rau cải con, giá trụng, rau thơm, rau quế… mà phải là rau được trồng từ làng rau Trà Quế nổi tiếng tại Hội An. Rau ở làng Trà Quế lá nhỏ, nhưng mùi thơm riêng biệt của mỗi loại rau không lẫn vào đâu được.
Trên tô cao lầu, quyến rũ nhất đó chính là lớp bánh tráng chiên giòn được rắc lên phía trên. Và nhất định, phải có trái ớt xanh vừa cay xè nhưng đẫm vị ngọt, thì mới đúng là ăn cao lầu… Chính sự tinh tế pha trộn nhiều loại nguyên liệu, khiến cho tô cao lầu trở nên hấp dẫn.
Mì Quảng, món ăn cực kỳ nổi tiếng, thậm chí Tổ chức Kỷ lục châu Á công nhận là 1 trong 12 món ăn của Việt Nam được công nhận là món ăn có giá trị ẩm thực châu Á.
|
Mì Quảng đối với người dân Hội An là món ăn cực kỳ dân dã, đậm đà hương vị. Người xứ Quảng dù có đi bất cứ nơi nào cũng đều nhung nhớ đến món ăn giản dị này.
Mì Quảng tôm thịt là món mì cổ điển, giờ đã được chế biến thêm phần phong phú với các loại mì gà, mì cá, mì sứa, mì bò...
Cách chế biến món mì Quảng nào cũng đều phải tuân thủ những nguyên tắc: gạo tráng bánh phải là loại quê dẻo thơm, được xay mịn mà không thêm bất cứ nguyên liệu gì và tráng vừa chín tới; ướp nguyên liệu phải có nén, dầu phụng phi thơm; nấu trên lửa nhỏ liu riu để cho gia vị thật thấm tháp và nước nhưn ăn mì luôn đậm đà vì tô mì Quảng chính hiệu nước nhưn rất ít, không đầy tràn trề như phở hay bún.
Và nhất định, phải ăn mì Quảng với rau sống có những loại rau không thể thiếu như: cải con, búp chuối thái mỏng...
Và không thể thiếu dĩa ớt xanh, đậu phụng quê rang, bánh tráng, miếng chanh và chén nước mắm "rin" (mắm nguyên chất) có vài lát ớt xanh, vậy là đã có thể thưởng thức món mì Quảng ngon vô cùng tận. Và ở Hội An, những quán vỉa hè là nơi bạn tìm thấy những tô mì Quảng đúng chất nhất.
Bánh bao, bánh vạc
Bánh bao, bánh vạc có từ xa xưa ở Hội An. Trước, loại bánh này thường chỉ các nhà quyền quý, cao sang mới được thưởng thức, bởi nó quá cầu kỳ về cách làm và rất bắt mắt về hình thức. Sau dần dà, bánh trở thành món ăn bình dân và là niềm tự hào của người Hội An.
|
Vào những năm 90, nhiều du khách Tây đến đây và khi chiêm ngưỡng những chiếc bánh bao đã không khỏi kinh ngạc và đặt tên cho loại bánh này cái tên rất lãng mạn là White Rose (hoa hồng trắng). Bánh vạc thì có hình dáng giống chiếc quai vạc.
Khi làm bánh bao, phải chọn loại gạo ngon nhất, được ngâm và xay một cách kỹ lưỡng, mà cũng phải dùng nước giếng tinh khiết lấy từ giếng Bá Lễ mới có thể làm nên loại bánh bao bánh vạc hoàn hảo.
Phải nhào bột không dưới 20 lần thì bột mới đủ độ dẻo dai và không bị bết dính, sau đó nặn thành từng viên nhỏ chờ nhồi nhân vào. Nhân bánh được làm từ tôm, lột bỏ vỏ rồi giã thật nhuyễn và ướp với gia vị, viên thành từng viên nhỏ. Nặn bánh là giai đoạn công phu nhất, uốn nắn như thế nào để những chiếc vỏ bánh trở thành từng đóa hoa hé nhụy.
|
Bánh vạc thì nhân có thêm nấm mèo, giá hạt vừa nảy mầm, thịt heo băm nhuyễn... rồi cho nhân vào miếng bột được cán mỏng, tròn. Gấp đôi bánh lại và tạo những đường uốn lượn mềm mại là đã có ngay món bánh vạc rất đẹp.
Sau khi nặn bánh xong thì những chiếc bánh được mang đi hấp cho vừa chín tới. Nước chấm bánh được pha cầu kỳ từ nước luộc vỏ tôm, pha với chút nước mắm và đường, bột ngọt tạo nên vị ngon thật khó quên.
Ẩm thực Hội An không chỉ có vậy, còn rất nhiều món ngon đậm chất chân quê như: cơm gà, bánh tổ, bánh in, tương ớt xào, bánh ít lá gai... Nếu đã từng ở lại lâu với phố cổ, hoặc đến phố cổ nhiều lần, hẳn bạn sẽ bị ẩm thực nơi này làm cho mê say. Có lẽ vì vậy mà không hề ngạc nhiên, khi TripAdvisor bình chọn cho ẩm thực của Hội An.
Theo iHay.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn