Nguyên liệu món này vỏn vẹn chỉ ba thứ: nếp, đậu xanh và mè. Đầu tiên người ta chọn gạo nếp thơm, dẻo đã phơi đủ nắng để làm bánh dày. Tỉ mỉ nhặt sạch sạn trong nếp rồi mang ngâm từ 6 - 8 tiếng đồng hồ, cho vào rá để ráo nước trước khi bắc lên nấu. Xôi chín nhanh tay đổ vào cối giã. Giã lúc thật nóng đến khi xôi nhuyễn mịn, trắng bóng. Người ta lấy khối xôi ra khỏi cối để nặn thành những chiếc bánh dày nho nhỏ.
Riêng phần nhân bánh dày được làm bằng đậu xanh. Chọn đậu xanh hạt nhỏ, cứng, ruột vàng, ngâm nước cho sạch, đãi vỏ, rang, xay bột rồi mới trộn với nước đường đã được sên cô đặc. Tiếp tục đánh hỗn hợp đậu xanh, đường cho tơi nhuyễn. Cuối cùng cho đậu xanh vào khuôn bằng gỗ để làm nên những viên nhân bánh hình vuông xinh xắn. Khi thành phẩm, từng viên nhân đậu xanh phải đảm bảo không quá bở, có độ mềm, dẻo vừa phải.
Một trong những yếu tố quyết định chất lượng xôi bánh dày chính là những chiếc bánh xôi. Gạo nếp đãi qua nhiều lần nước cho sạch, sau đó ngâm vào nước lạnh có pha một ít muối qua đêm.
Hôm sau đổ gạo nếp ra rổ cho ráo nước rồi hấp chín. Có thể rưới vào
gạo nếp một ít nước cốt dừa hoặc một muỗng nhỏ dầu ăn, xới đều, tiếp tục hấp đến khi xôi chín dẻo. Rải xôi còn nóng ra mâm hoặc mặt phẳng.
Dùng hai tay nhào xôi thành một khối thật nhuyễn. Rưới từng chút dầu vào khối nếp, nhào lại cho kỹ đến khi khối xôi dẻo, mềm, không còn dính tay nữa thì vê xôi thành khối trụ dài. Thoa lên dao một lớp dầu ăn để cắt xôi thành những lát bánh một cách dễ dàng. Cứ thế lần lượt cho ra những chiếc bánh xôi xinh xắn.
Cũng như những món quà vặt khác nơi phố cổ Hội An, hàng quán xôi bánh dày rất giản tiện. Thường chỉ là cái thúng tròn to với hộp bánh xôi, mẹt bánh dày, một lọ mè rang... Khi khách đến hỏi mua, cô bán hàng lấy một miếng bánh dày lại thêm một viên nhân đậu xanh rồi cuộn lại.
Những chiếc bánh dày tròn trắng nhân đậu đặt giữa lòng bánh xôi đã lăn qua một lớp muối mè, tất cả được bọc trong tấm lá chuối xanh nõn. Cắn nhẹ miếng bánh, dẻo thơm mùi xôi nếp mới, thêm vị muối mè mằn mặn, beo béo...