Đề cử này do Tổ chức Kỷ lục Việt Nam thực hiện, hoàn tất hồ sơ và đệ trình từ tháng 9. UBND tỉnh Quảng Nam cũng đã giao thành phố Hội An phối hợp Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam tổ chức Hành trình quảng bá ẩm thực và đặc sản Việt Nam lần 2 - 2013 đối với cao lầu Hội An.
Theo ông Trần Văn An, Phó giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An, cao lầu còn có tên là “mì gỗ”, loại mì chỉ có ở khu vực phố thị, sợi mì ráo khô ăn kèm với thịt xíu và tép mỡ...
Sợi mì làm bằng gạo thơm ngâm nước tro, lọc kỹ, xay thành bột, dùng vải bòng nhiều lần cho bột dẻo, khô, cán thành miếng vừa cỡ, sau đó xắt thành từng sợi đem hấp nhiều lần rồi phơi khô để làm sợi mì cao lầu.
Để có sợi mì đạt chuẩn, nước tro phải lấy từ tro củi nấu ở tận Cù Lao Chàm (xã đảo Tân Hiệp) về ngâm; còn nước xay gạo cũng phải lấy từ giếng Bá Lễ ở phố cổ Hội An - một giếng cổ của cư dân Chăm Pa có niên đại cả nghìn năm và nổi tiếng có nước ngọt, mát lạnh, không bị phèn.
Tép mỡ ăn kèm làm bằng da heo chiên giòn cùng giá trụng và rau sống lấy từ làng rau truyền thống Trà Quế nổi tiếng. Thịt xíu dùng thịt heo cỏ, thịt săn chắc, thơm, vừa mỏng da vừa nhiều nạt. Khi ăn, cao lầu cho cảm giác sựt sựt của sợi mì, đủ mùi vị chua, cay, đắng, chát, ngọt của rau sống và tép mỡ vỡ tan trong miệng mới đạt yêu cầu...
Những đặc điểm độc đáo này của cao lầu từ lâu đã trở thành món ăn tiêu biểu của ẩm thực phố cổ Hội An, di sản văn hóa thế giới tại Quảng Nam, và là niềm tự hào của người dân phố Hội.
Trước đó, món mì Quảng truyền thống của Quảng Nam cũng đã được Tổ chức Kỷ lục châu Á công nhận là một trong 12 món ăn ngon nổi tiếng của Việt Nam và đạt giá trị ẩm thực châu Á hồi cuối tháng 8.2012.
Tác giả bài viết: H.X.Huỳnh - Q.Phương
Nguồn tin: nld.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn