//

Hội An - từ phố cổ thành thành phố sáng tạo

Thứ tư - 20/03/2024 08:34

Với việc gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO, Hội An (Quảng Nam) không chỉ khẳng định được vị thế trên bản đồ văn hóa thế giới mà còn mở ra hướng đi mới cho sự phát triển của các làng nghề thủ công và nghệ thuật dân gian.

Bài 1: Kích hoạt cộng đồng sáng tạo

Hội An là một thành phố sáng tạo với nghề thủ công và nghệ thuật dân gian không chỉ ở bề nổi mà thực sự đang đi vào chiều sâu.

Trên nền truyền thống

Những năm qua, nhiều chuyên trang du lịch quốc tế đã bình chọn Hội An là một trong những điểm đến hấp dẫn nhất thế giới nhờ sở hữu nguồn tài nguyên di sản văn hóa giàu có và độc đáo; tuy nhiên, Hội An không chỉ nổi tiếng với những ngôi nhà cổ kính, con đường lát đá mộc mạc hay những chiếc đèn lồng đầy màu sắc, mà còn được biết đến như một không gian sáng tạo nghệ thuật. Đây là nơi nuôi dưỡng tinh thần sáng tạo của cộng đồng với 5 làng nghề truyền thống, trong đó có 50 ngành nghề thủ công đang hoạt động sôi nổi, từ mộc, gốm, làm đèn lồng, may mặc, đồ da… cùng nền nghệ thuật diễn xướng dân gian đặc sắc như hát bài chòi, hát tuồng…  

z5225973450541 23df1df9772c41a84f4e17e0a5d8ebcf
Hội An được biết đến như một không gian nuôi dưỡng tinh thần sáng tạo của cộng đồng. Ảnh: NVL

Các hoạt động thủ công và nghệ thuật dân gian ở Hội An phản ánh sự gắn kết mạnh mẽ giữa người dân và di sản văn hóa. Nghệ nhân Nguyễn Đình Tuấn, người có nhiều năm gắn bó với nghề làm đèn lồng ở Hội An chia sẻ, tâm huyết cuộc đời là giữ nghề truyền thống, giữ vốn liếng mà ông cha để lại. Ngày nay, nhiều nơi làm lồng đèn theo cách mới, dùng nan nhựa bán sẵn ngoài thị trường, nhanh hơn, đỡ tốn công hơn, nhưng nghệ nhân Hội An vẫn theo nếp cũ, tự chuẩn bị gỗ tre, làm khung…

“Không riêng tôi mà nhiều nghệ nhân làm nghề ở Hội An đều quan niệm làm nghề truyền thống thì phải giữ được những gì thuộc về truyền thống; có như thế nghề này mới giữ được sự khác biệt, đặc sắc và luôn tạo sức hút đối với du khách khi đến Hội An”, nghệ nhân Nguyễn Đình Tuấn nói.

Còn đối với nghệ nhân Nguyễn Văn Quý (nghệ danh Dương Quý), bao năm qua, nghệ thuật hát bài chòi luôn là niềm tự hào của anh. Anh là một trong những nghệ nhân trẻ được trao truyền di sản bài chòi từ năm 2003, khi phố Hội chỉ còn vài nghệ nhân hô hát bài chòi. Trước khi nghệ thuật hát bài chòi Trung bộ được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại năm 2017, chính quyền và nhân dân Hội An đã chú trọng đẩy mạnh bảo tồn và phát huy nghệ thuật bài chòi trong quá trình phát triển du lịch địa phương.

Anh Quý cho biết: “từ năm 2010 đến nay, tôi đảm nhiệm các lớp dạy hát dân ca hàng đêm dành cho thiếu nhi tại phố cổ Hội An, vừa truyền nghề, vừa biểu diễn giới thiệu đặc sắc nghệ thuật truyền thống dân gian đến với đông đảo du khách tham quan. Thời gian qua, thực hiện chiến lược bảo tồn vốn cổ truyền của các cấp, các ngành, tôi đã đi dạy diễn xướng bài chòi cho 14 huyện trên địa bàn tỉnh... với tâm niệm di sản nghệ thuật của cha ông được gìn giữ, lan tỏa, đồng thời đóng góp vào phát triển du lịch của Hội An, của Quảng Nam”.

Tạo ra giá trị mới

Không chỉ giữ gìn nghề thủ công và nghệ thuật truyền thống, những năm qua, nghệ nhân ở Hội An còn không ngừng điều chỉnh, sáng tạo ra những sản phẩm mới, phù hợp với thị hiếu hiện đại và thị trường quốc tế; như nghệ thuật diễn xướng bài chòi được kết hợp với nhiều hoạt động tạo thành sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn du khách. Nghệ nhân Nguyễn Văn Quý dẫn chứng trò chơi bài chòi trong các “Đêm phố cổ” từ lâu đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân và du khách khi thưởng ngoạn khu phố. Người hô hát bài chòi còn sử dụng tiếng Anh để hướng dẫn cách chơi và giải thích những ưu điểm của bài chòi. Ngoài ra, một số màn diễn xướng còn điều chỉnh tên địa danh, cách phát âm để bài chòi hấp dẫn, gần gũi với khán giả khắp các vùng miền…

Ý thức vai trò nghệ nhân, đồng thời là công dân của một thành phố du lịch, nghệ nhân điêu khắc gốc tre Huỳnh Phương Đỏ luôn trăn trở làm sao quảng bá giá trị di sản đến với đông đảo du khách trong và ngoài nước. Nhận thấy khách châu Âu, đặc biệt là du khách Pháp rất thích sản phẩm của mình, ông đã học tiếng Pháp để tự giới thiệu về chiều sâu ý nghĩa của từng tác phẩm, thậm chí mở các workshop hướng dẫn du khách trải nghiệm làm sản phẩm điêu khắc theo ý thích. “Tôi cũng đang học cả tiếng Anh để giới thiệu tới nhiều đối tượng khách du lịch hơn. Tôi sẽ nói cho họ về các nhân vật lịch sử của Việt Nam, truyền đạt, lồng ghép diễn tả những gì thuộc về văn hóa của người Việt”.

Sáng tạo từ đôi tay lành nghề cũng là điều mà bao năm nghệ nhân điêu khắc gỗ Trần Cao Lương nỗ lực như một cách đền đáp nghề mộc Kim Bồng. “Xác định sống trong một thành phố di sản, trên nền điêu khắc gỗ cổ truyền, chúng tôi tạo tác thành những sản phẩm sao cho hấp dẫn du khách. Tôi tạo những nét khắc về chính nhà cổ, phố cổ Hội An, về những điểm đến ấn tượng gắn với văn hóa của thành phố này… Đó như một món quà từ bàn tay nghệ nhân, một món quà đặc biệt, riêng có từ Hội An”.

Từ thực tế cho thấy, Hội An là một thành phố sáng tạo với nghề thủ công và nghệ thuật dân gian không chỉ ở bề nổi mà thực sự đang đi vào chiều sâu. Ở đó, không chỉ là câu chuyện bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống, mà đang nỗ lực tạo ra những giá trị mới cho phát triển du lịch và không gian sáng tạo. Chính những giá trị này đã giúp Hội An ghi điểm để trở thành thành viên Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO; đồng thời, mở ra nhiều cơ hội mới cho thành phố và cho các nghệ nhân tại đây.

daibieunhandan


 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật