Mắt cửa gắn với tín ngưỡng thờ Môn thần ở Hội An. Ảnh: L.V |
Theo thống kê của Trung tâm Quản lý bảo tồn Di sản văn hóa Hội An, toàn đô thị cổ này hiện có hơn 200 mẫu mắt cửa khác nhau. Đặc biệt, mỗi đôi mắt cửa trước mỗi ngôi nhà hoàn toàn không giống nhau và được bài trí khác nhau với hình dáng đa dạng: tròn, bát giác, lục giác, vuông, nửa khối cầu dẹt... Dù khác biệt, mỗi đôi mắt cửa vẫn có 2 phần chính chính là tâm và vành. Phần tâm thường trang trí hình lưỡng nghi sơn hai màu đen trắng, hình nhụy hoa, chữ triện, chữ phúc, thọ… Phần vành bao quanh phần tâm, tạo dáng tinh xảo hình hoa cúc 6 hoặc 8 cánh mà cánh xoay hình lá đề, bát quái, hồi văn, giao long, 4 hoặc 5 con dơi bao quanh chữ phúc…
Hiện có rất nhiều lý giải về tục thờ mắt cửa ở Hội An. Nhiều nhà nghiên cứu nhận định, những đôi mắt cửa này xuất hiện từ sự có mặt của những người Hoa đến thương cảng Hội An vào thế kỷ XVII-XVIII. Nhà nghiên cứu Phùng Tấn Đông cho hay, tục thờ mắt cửa và trang trí, chạm khắc mắt cửa là theo thuyết vạn vật hữu linh (vạn vật đều có linh hồn). Đó là tục thờ Môn thần - thần giữ nhà, giữ đền. Theo phân tích của ông, tục thờ Môn thần ở Hội An được giản lược, dần trở thành đôi mắt cửa. Đây là biểu hiện của giao lưu và kết biến văn hóa, đặc biệt là văn hóa với Trung Hoa tại Việt Nam do những thương nhân Trung Hoa đến định cư và lập nghiệp ở Hội An mang tới. Điểm độc đáo trong tục thờ Môn thần ở Hội An là sự đa dạng phồn thể, biến thể của mắt cửa trong quan niệm phong thủy, kinh dịch. Ví dụ một đôi mắt cửa có thể được thiết kế phù hợp với giờ sinh, năm sinh của gia chủ. Đó là nét riêng của Hội An so với nhiều đô thị cổ khác ở khu vực Đông Nam Á.
Theo Trung tâm Quản lý bảo tồn Di sản văn hóa Hội An, tín ngưỡng thờ Môn thần là một trong những tín ngưỡng cổ xưa, đồng thời, cũng được xem là một trong những hiện tượng văn hóa đặc sắc của văn minh Trung Hoa. Từ ảnh hưởng của tín ngưỡng này, trong dân gian đã dần hình thành nhiều tín ngưỡng khác, trong đó, có tín ngưỡng thờ thần Tài. Trải qua các thời kỳ lịch sử, các giai đoạn phát triển khác nhau của con người mà vai trò, chức năng và hình ảnh của Môn thần cũng vì thế mà thay đổi.
Trong tâm thức nhiều thế hệ người phố Hội, những đôi mắt cửa như mắt thần canh giữ cho ngôi nhà, thể hiện khát vọng về cuộc sống ấm no, hạnh phúc; tránh được hoạn nạn, rủi ro; không cho tà ma xâm phạm vào nhà, gây gia đình xào xáo, làm ăn thất bại… Ở Hội An bây giờ, những ngôi nhà cổ nổi tiếng như: nhà cổ Quân Thắng, nhà cổ 87 Trần Phú, nhà cổ Tấn Ký, nhà cổ Đức An… đều sở hữu những đôi mắt cửa độc đáo.
Tại nhà cổ Quân Thắng - một trong những nhà cổ được đánh giá đẹp nhất phố Hội, đôi mắt cửa có hình tròn, được chạm khắc như một đóa hoa cúc và trang trí thêm vải đỏ. Chị Diệp Ái Phương thuộc thế hệ thứ 7 trong ngôi nhà cổ này chia sẻ: “Ông bà hay kể rằng đôi mắt cửa như linh hồn của ngôi nhà, trừ bỏ điều xấu xa trong gia đình”. Từ quan niệm đó, đôi mắt này đã được các thế hệ sống dưới mái nhà gìn giữ nguyên vẹn theo thời gian, đi cùng với sự trường tồn của một ngôi nhà cổ có tuổi đời trên 150 năm theo phong cách kiến trúc vùng Hoa Hạ, Trung Hoa.
Theo ông Trần Tấn Mân, chủ ngôi nhà cổ số 87 Trần Phú, đôi mắt cửa như chiếc gương bát quái mang lại bình yên cho ngôi nhà và cho phố phường. Mắt cửa cùng với thanh chắn cửa trước thềm nhà được coi như lời nhắn nhủ tinh tế với khách ra vào phố cổ về sự ứng xử. Người mang tâm thiện lành sẽ thấy đó là đôi mắt dõi theo bằng sự chào đón thân thiện.
Trải qua bao thăng trầm của lịch sử với nhiều đổi thay của xã hội, Hội An vẫn giữ được những giá trị riêng của một đô thị di sản bên sông Hoài. Cội nguồn văn hóa, sự cần cù và sáng tạo của con người, nét “nhân tình thuần hậu” của một vùng đất được gìn giữ, phát huy thành không gian di sản. Trong không gian đó, những đôi mắt cửa - một nét tín ngưỡng đặc trưng của người Hội An vẫn trường tồn như linh hồn phố Hội.
baodanang
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn