1/Vài năm qua, nhiều cổ vật trong sưu tập tư nhân đã được đăng ký, được Nhà nước quản lý, hạn chế việc thất thoát, nhất là thất thoát ra nước ngoài như những thập kỷ trước đây. Người dân cũng tự tin hơn, được giữ cổ vật của Tổ tiên để lại thì cũng có giá trị như cổ vật được các bảo tàng nhà nước lưu giữ.
Ông Lương Hoàng Long, trú tại 131 phố Hùng Vương, phường Thanh Hà, Hội An vừa đăng ký hai cổ vật với cơ quan quản lý văn hóa địa phương, thuộc văn hóa Đông Sơn do các cụ đời trước truyền lại mà tôi đã được mời giám định. Đây là hai đồ cổ quý chứa đựng nhiều thông tin về con người, văn minh và thời đại Đông Sơn, có những tư liệu mới. Chúng tôi đặt tên là trống Hoàng Long và thạp Hoàng Long.
Hình thuyền trên thân thạp Hoàng Long có hình cái xiếm ở mũi thuyền. |
2/Trống Hoàng Long có dáng thấp. Mặt tròn, rìa mặt chưa chờm ra ngoài tang, lưng trống hình gần chóp cụt, chân trống loe và thấp. Đây là loại trống Đông Sơn được các nhà khảo cổ học Việt Nam xếp vào nhóm A . Trống có hai đôi quai kép đối xứng qua thân trống, trang trí hình bông lúa. Trống có kích thước: Đường kính mặt: 49,5 cm; Chiều cao: 35,5 cm, quai rộng: 5,2 cm quai cao: 8,0 cm. Đường kính chân: 56 cm…
Thạp Hoàng Long có dáng hình trụ, thuộc loại có nắp. Nắp thạp có hình nón úp vừa miệng thạp. Thạp còn tương đối nguyên vẹn. Hai chiếc quai thạp ở vị trí gần mép miệng và đối xứng hai bên thân, là loại quai hình chữ U trên thân có hoa văn xoắn ốc. Thạp có chiều cao toàn bộ (kể cả nắp): 58,0 cm; chiều cao riêng phần nắp thạp là: 12,5 cm. Đường kính miệng thạp: 39,0 cm. Đường kính chân đế thạp: 35,5 cm. Chiều cao quai thạp: 9,5 cm…
Trống đồng và thạp đồng Hoàng Long còn nguyên vẹn, có niên đại vào khoảng 2.300 năm cách đây. Lần đầu tiên, qua hình khắc trên trống, chúng ta được biết, người xưa đã biết chế tạo buồm hình chữ nhật (giống những chiếc buồm chữ nhật ở vùng Quảng Nam trước đây), biết làm chiếc xiếm ở đầu mũi thuyền để giữ thăng bằng cho thuyền. Chúng ta cũng biết một linh vật mà người Việt xưa tạo ra khá gần gũi với mỹ thuật cổ đại Ai Cập thể hiện ở bức tượng nhân sư nổi tiếng (đầu người mình sư tử). Hình khắc linh vật của người nghệ sĩ Đông Sơn cũng siêu thực không kém: vừa có thân và đuôi xù của loài chồn, vừa có mỏ giống chim và sừng hươu. Các công đoạn của tục hiến tế bò và người, có lẽ là để tế thần sông cũng được mô tả chi tiết. Một số hoa văn sinh động như hoa văn hình con công đang đứng trên lưng con rùa, hoa văn hình người đang ngồi trên trống đồng để đánh trống da…
Tượng chó săn trên nắp thạp Hoàng Long. |
3/ Với những phát hiện mới như trống và thạp Hoàng Long, chúng ta hoàn toàn có thể khẳng định người Việt cổ đã biết đóng thuyền đi biển với đặc trưng là thuyền có cột buồm, có chiếc xiếm. Có lẽ vì thế mà các bằng chứng khảo cổ cho thấy người xưa đã để lại những chiếc trống đồng, thạp đồng của mình ở những vùng biển xa như Chiết Giang, Quảng Châu - Trung Quốc (về phía bắc), vùng biển miền trung và miền nam nước ta, ven biển Thailand, Malaysia đến tận quần đảo Indonesia (về phía nam). Có lẽ, vào thời điểm trước Công nguyên vài trăm năm, người Đông Sơn đã là những người làm chủ những tuyến đường ở Biển Đông, cũng như là những người đã có một nền văn minh đúc đồng rực rỡ tỏa sáng khắp Đông Nam Á, đã dựng nên một nhà nước sơ khai Văn Lang của các vua Hùng theo truyền thuyết và những bằng chứng khảo cổ học góp phần chứng minh điều đó.
Hội An là một đô thị cổ xinh đẹp vốn là một mắt xích quan trọng trong tuyến hải hành Đông Tây trên biển. Các nhà khảo cổ đã tìm thấy di tích Lai Nghi, cách trung tâm Hội An khoảng 3 km có nhiều đồ trang sức mã não, đá Carnelian mầu đỏ chót đem đến từ vùng biển Ấn Độ niên đại hơn 2.000 năm cách đây. Hội An cũng là thương cảng nơi cập bến thuyền buôn Châu Tấn của Nhật Bản, di tích chùa Cầu. Giao lưu với Trung Hoa để lại các hội quán… Đây cũng là di sản thế giới được UNESCO công nhận.
Tôi cứ lan man nghĩ đến một ngày, du khách trong và ngoài nước đến du lịch Hội An, ngoài thăm phố cổ thì còn có dịp chiêm ngưỡng trống đồng và thạp đồng Đông Sơn quý giá ở đây nữa. Cũng ít nơi có hội tụ được các yếu tố di sản biển như vùng này: phố cổ, cổ vật con tàu đắm Cù Lao Chàm, cổ vật Đông Sơn, di tích văn hóa Sa Huỳnh. Hội An đúng là một viên ngọc quý của một vùng biển, cần có sự khai thác di sản văn hóa mạnh mẽ để thu hút du lịch hơn nữa.
nhandan
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn