Phố cổ Hội An một ngày cuối tuần.
Hội An đẹp bốn mùa, nhưng đến với đô thị nhỏ bé này vào những ngày trăng tròn thì thật đáng nhớ. Từ năm 1998, Hội An không còn sáng điện mỗi đêm trăng tròn, thay vào đó là ánh sáng lung linh từ những chiếc đèn lồng đủ màu sắc dọc hai bên phố, từ dòng sông Hoài rực rỡ hoa đăng. Sẩm tối, có người đi nhắc từng nhà hàng tắt điện, thắp nến. Quán xá dọc bờ sông chật kín du khách đặt bàn thưởng ngoạn đêm rằm phố cổ.
Thả đèn hoa đăng xuống dòng sông Hoài và nguyện cầu bình an.
Khách sạn ở Hội An khá rẻ và thuận tiện. Chỉ với trên dưới 300,000 đồng/ đêm, bạn có thể chọn cho mình một chỗ nghỉ chân dễ chịu ngay nơi phố cổ, như Khách sạn Thanh Bình 1 nằm ở số 1 đường Lê Lợi, hoặc khách sạn An Hội, số 69 Nguyễn Phúc Chu.
Một trong những điểm thú vị nhất ở Hội An là sắc màu. Là màu thời gian trên những mái nhà rêu phong, những ngôi nhà cổ với hai “con mắt nhà” treo trước cánh cửa gỗ cùng những dải lụa đỏ rủ mềm. Là màu nắng rực rỡ tràn ngập những con phố, con hẻm dọc ngang. Rực rỡ nhất là màu sắc từ những cửa hiệu bán lụa với những súc vải cao ngất như đưa ta về một phố hội của thế kỷ 17…
Hội An nổi tiếng với những cửa hiệu treo biển “Made to measurement”. Khách hàng có thể đặt may, thoải mái chọn lựa màu sắc, chất liệu, kiểu dáng ưa thích và lấy hàng sau vài tiếng đồng hồ với mức giá khá mềm. Đồ may mặc ở đây rất phong phú, từ những bộ quần áo ở nhà đơn giản đến những chiếc váy lụa dạo phố nhẹ nhàng, hay những bộ đầm dạ hội lộng lẫy kiêu sa, chưa kể các loại áo dạ mùa đông lúc nào cũng được bày sẵn. Giày dép, túi xách bán ở Hội An cũng đủ loại màu sắc, khiến những người dù không có nhu cầu cũng phải sà vào ngắm nghía.
Mua sắm ở Hội An có thể làm thỏa mãn những “cơn nghiền” shopping với chủng loại hàng hóa và thái độ nhẹ nhàng, cởi mở của những người bán hàng. Cô bé có nụ cười tươi rói ở cửa hiệu Hồng Đào số 70 Lê Lợi khiến chúng tôi phải quay lại vài lần để mua những chiếc vòng tay chạm trổ tinh xảo, hay những chuỗi hạt gỗ dừa, vòng kết cườm, hạt trai có giá “dễ thở” nhất khu phố cổ. Cao cấp hơn có thể kể đến tiệm Papillon Noir ở 30 Trần Hưng Đạo với mặt hàng lụa vẽ tay độc đáo.
Vòng tay tinh xảo và nụ cười của người bán hàng sẽ làm bạn nhớ mãi Hội An.
Đi hết phố Lê Lợi, rẽ vào Nguyễn Thái Học hay Phan Châu Trinh, ngụp lặn trong những cửa hiệu quyến rũ, những con đường phố cổ lại đưa bạn đến bờ sông Hoài, nơi chiều chiều những quán cao lầu mở ra dọc bờ sông, với giá đồng loạt 15.000 đồng/ bát. Cao lầu là món ăn nổi tiếng số một của phố cổ. Người dân nơi đây truyền tai nhau rằng cái đặc biệt là ở cách làm sợi mì cao lầu, rằng gạo phải được ngâm bằng nước tro đốt bằng củi lấy từ Cù Lao Chàm, nước phải lấy từ giếng Bá Lễ duy nhất ở Hội An, rằng sợi mì phải được hấp nhiều lần mới có được màu vàng nhẹ cùng vị dai dai đậm đà như vậy. Mì cao lầu trộn cùng những cọng giá trắng ngần, những lát thịt xá xíu và thịt heo luộc mềm mại, rắc lên lớp đậu phộng rang cùng các loại rau bạc hà, húng quế thơm nồng.
Bánh vạc có tạo hình bông hồng trắng, nên có tên tiếng Anh là White Rose.
Ẩm thực Hội An còn phải kể đến món bánh bao, bánh vạc nổi danh ở số 533 Hai Bà Trưng, món bánh bèo Huế ở Cẩm Châu, hay món bánh tráng đập, hến xào dọc bờ sông Hoài. Hàng cơm gà nổi tiếng nhất ở Hội An là cơm gà bà Buội ở số 26 Phan Châu Trinh. Cơm gà tơi và thơm, thịt gà dai, vàng suộm, đi kèm một bát canh nhỏ, giá 25.000 đồng/ suất, đủ làm hài lòng những thực khách khó tính nhất.
Món cơm gà đặc sản.
Ở Hội An cảm giác ngày dài hơn và thời gian trôi chậm chạp hơn. Khi đã mỏi chân dạo phố cổ, du khách có thể dừng chân thưởng lãm những ngôi nhà cổ như nhà cổ Phùng Hưng số 4 Nguyễn Thị Minh Khai, nhà cổ Tấn Ký ở 101 Nguyễn Thái Học, hay ghé lại những quán café xinh xắn bên đường. Café Hải ở 98 Nguyễn Thái Học có không gian đầy chất điện ảnh, với những gam màu dịu dàng, những bát sứ vuông trồng mạ non xanh mướt, cùng giàn hoa cát đằng duyên dáng rủ trước hiên nhà. Ồn ào hơn là những quán bar mới mở phục vụ chủ yếu khách Tây, nhưng vẫn giữ được kiến trúc cổ xưa lẫn cách bài trí phương Tây hài hòa.
Chanh lassi – món giải khát độc đáo ở cafe Hải.
Phương tiện đi lại chủ yếu ở Hội An là xe đạp. Không gian vì thế cũng yên tĩnh và nhẹ nhàng. Nhiều người thuê xe đạp ra bãi biển Cửa Đại cách phố cổ 5km. Bãi ở đây cát phẳng và mịn, nước biển trong xanh. Tuy nhiên giá nhà hàng dọc bờ biển cũng không dễ chịu lắm. Có lẽ bởi thế mà khách nước ngoài đến đây nhiều hơn người Việt. Anh tài xế taxi cho biết có một bãi mới mở tên là An Bàng vừa gần phố cổ hơn, vừa rẻ hơn, là nơi anh thường ghé lại.
Đến Hội An, dường như ai cũng muốn sống chậm lại, thả lỏng mình để cảm nhận những vẻ đẹp của cuộc sống thường ngày nơi phố cổ, để xếp lại một bên những lo lắng, gấp gáp của phố thị ồn ào.
Hội An đẹp như một phim trường dựng sẵn.
Phố Hội lúc chạng vạng.
Mỗi lần trở lại Hội An lại thấy đèn lồng có mẫu mã và chất liệu mới.
Hiếm khi nào thấy Hội An đông đúc.
Đèn hắt ra từ ngõ nhỏ.
Những gallery gia đình bán tranh làm quà lưu niệm.
Những con mắt nhà được ví như thần hộ mệnh cho gia chủ.
Biển Cửa Đại sạch, xanh và vắng vẻ.
Nguồn tin: www.thethaovanhoa.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn